Chia sẻ về vấn đề này, BS Trương Hữu Khanh, nguyên trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) khẳng định: “F0 kiêng tắm là quan niệm sai lầm. Không có khuyến cáo nào về việc F0 trong quá trình điều trị cần kiêng nước và không tắm, gội. Bởi lẽ khi người mắc bệnh vốn khó chịu, dễ mất ngủ, nếu không tắm, gội sẽ khiến cơ thể thêm bức bối hơn”.
Theo BS Hữu Khanh, trong quá trình điều trị, luôn cần chú ý đến vệ sinh cá nhân, cần tắm, gội nếu cảm nhận cơ thể ngứa ngáy, khó chịu. Tuy nhiên, điều lưu ý là nên tắm, gội bằng nước ấm; đặc biệt ở ngoài Bắc, hiện thời tiết giá lạnh, sau khi tắm, gội cần phải mặc quần áo đủ ấm trước khi bước ra ngoài buồng tắm.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Bác sĩ khuyến cáo thêm, sau tắm gội nên lau khô thân thể và tóc bằng khăn bông, tránh dùng quạt hay đứng nơi có gió để phòng ngừa cảm nhiễm phong hàn.
Bên cạnh đó, BS Khanh cũng chỉ rõ, F0 nếu có hiện tượng sốt cao thì không nên tắm. Thế nhưng điều này cũng không có nghĩa là không vệ sinh thân thể. Thay vào đó, F0 nên lau người bằng nước ấm. Việc thay quần áo hàng ngày để đem đi giặt riêng, khử khuẩn... là việc cần thiết làm mỗi ngày để tránh lây nhiễm mầm bệnh cho các thành viên khác.
“Ngay cả xông cũng vậy, tuyệt đối không xông lá khi đang sốt và đặc biệt lưu ý đến trẻ nhỏ, nhiều trẻ bị bỏng trong quá trình xông nước lá. Hơn nữa, không xông nước lá thường xuyên, nhiều lần trong ngày, sẽ gây mất nước, khiến cơ thể thêm mệt mỏi. Mọi người nên nhớ sau khi xông cần uống thêm cốc nước ấm đề bù nước thất thoát khi xông”, ông Khanh cho biết.
Cùng quan điểm, BS Đinh Thế Tiến, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, cho hay giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, ăn uống lành mạnh và tập thể dục đều đặn là nền tảng của một cơ thể khỏe mạnh. Thực tế, những "lời đồn" bệnh Covid-19 nặng lên sau 1 lần tắm, gội là không có cơ sở. Miền Bắc đang trong những ngày rét đậm, rét hại, các F0 điều trị tại nhà cần đảm bảo vệ sinh cá nhân sạch sẽ, quan trọng là luôn giữ ấm cơ thể.
TS.BS Quan Thế Dân, từng tham gia chống dịch tại Bệnh viện dã chiến hồi sức cấp cứu Becamex Bình Dương cho hay, với người mắc Covid-19 nên tắm cách ngày một lần. F0 nên tắm nhanh, tận dụng nồi lá xông sau khi xông xong thì tắm nhanh trong 5-10 phút, rồi lau khô người. Sau khi tắm, người bệnh sẽ cảm thấy rất sảng khoái, giúp hạ sốt, thông thoáng da mặt, ngủ ngon và mau khoẻ.
Khi tắm, các F0 cần tắm bằng nước ấm khoảng 30 độ C, tắm nhanh trong khoảng 5 -10 phút, nơi kín gió, sau tắm lau khô người và mặc quần áo, sấy tóc khô.
"Tắm gội đầu giúp giải phóng các tế bào da chết (ghét), làm thông thoáng da, cải thiện bài tiết của tuyến mồ hôi, cải thiện lưu thông máu, giảm sưng đau khớp, cải thiện tinh thần, cải thiện giấc ngủ. Ở nhiều bệnh viện, khoa Hồi sức tích cực (ICU) vẫn thường xuyên tắm khô và gội đầu cho người bệnh nằm lâu", bác sĩ Dân chia sẻ.
Để tránh biến chứng, người đang suy kiệt nặng, huyết áp thấp, đang tiêm truyền, có vết mổ, suy tim gan thận nặng không được tắm. Thay vào đó, người bệnh có thể áp dụng biện pháp tắm khô, lau người nhanh rồi thay quần áo.
Ngoài ra, bác sĩ Dân khuyến cáo về cách xông đúng cách. Theo ông, trong y học hiện đại, các biện pháp xông hơi có tác dụng làm thông thoáng đường hô hấp, thư giãn, nâng cao hệ miễn dịch, giúp người cảm cúm mau khỏi bệnh.
Tuy nhiên, theo bác sĩ, xông hơi không thể tiêu diệt virus, xông quá nhiều lần gây mất mồ hôi, mất các chất muối trong cơ thể, làm rối loạn chuyển hóa, cơ thể càng yếu hơn. Xông hơi nhiều lần, súc họng nước muối nhiều lần làm tổn thương niêm mạc hô hấp, dễ gây bội nhiễm thêm các bệnh hô hấp khác.
"Người mắc Covid-19 có thể xông mũi họng hoặc xông hơi toàn thân, ngày một lần, giúp hệ hô hấp thông thoáng, tinh thần thư giãn, mau lành bệnh. Nhưng nhắc lại, biện pháp này không diệt virus, do đó không nên xông hơi, súc họng ngày nhiều lần. Không xông quá nóng hoặc xông quá lâu gây tổn thương niêm mạc hô hấp, gây hại nhiều hơn. Mỗi lần xông nên chỉ từ 10 - 15 phút là đủ", bác sĩ Dân khuyến cáo.