Viêm amidan là một trong những bệnh lý tai mũi họng phổ biến hàng đầu hiện nay. Viêm amidan có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên trẻ em là đối tượng hay mắc viêm amidan nhất. Nguyên nhân là do hoạt động miễn dịch của amidan mạnh mẽ nhất trong độ tuổi từ 4-10, sau đó sẽ giảm.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh. Internet
Amidan được ví như cánh cửa với chức năng miễn dịch, chống lại sự xâm nhập của các tác nhân xấu qua đường mũi họng. Đây cũng là lý do nhiều người lo sợ việc cắt amidan sẽ làm mất chức năng bảo vệ hầu họng này.
Tuy nhiên, nếu amidan bị viêm nhiễm, kích thước quá phát sẽ gây nhiều phiền toái như: lây lan viêm nhiễm tới các cơ quan khác, hơi thở có mùi, ngủ ngáy, khó thở, ngưng thở khi ngủ,... Như vậy, không những không thể trở thành lá chắn bảo vệ, amidan viêm nhiễm còn là nguyên nhân khiến cho tình trạng viêm nhiễm lan rộng và ảnh hưởng nặng hơn.
Cắt amidan là lựa chọn cuối cùng của bác sĩ khi điều trị viêm amidan. Ngoài ra, phẫu thuật này hầu như không gây khác biệt đáng kể về sức khỏe giữa người đã cắt amidan và người chưa cắt amidan. Do đó, bệnh nhân không nên lo lắng vấn đề này.
Đưa con tới bệnh viện những ngày cận Tết nguyên đán 2024, chị Mai Anh ở Lĩnh Nam (Hà Nội) cho biết kể từ khi Hà Nội đón đợt lạnh kỷ lục, con gái nhỏ 2 tuổi của chị bị sốt, ho và khò khè khi ngủ.
Sau khi thăm khám cho cháu bé, các bác sĩ cho biết con gái chị Mai Anh bị viêm amidan quá phát. Cháu cũng bị viêm amidan mãn tính khi tái đi tái lại nhiều lần trong năm và được bác sĩ chỉ định phẫu thuật cắt amidan.
Chị Mai Anh lo lắng không biết chỉ còn chục ngày tới Tết thì việc cắt amidan có được không. Các bác sĩ chuyên khoa cho biết, với sự tiến bộ của y học thì cắt amidan không phải vấn đề quá lớn và trẻ có thể được ra viện sớm chỉ trong vòng một ngày cũng như sớm hồi phục để đón Tết.
Theo PGS. TS Nguyễn Thị Hoài An Trưởng khoa Tai mũi họng trẻ em Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương hiện công tác ở Bệnh viện An Việt cho biết viêm amidan là bệnh thường gặp trong các bệnh lý tai – mũi – họng, đặc biệt là ở trẻ em. Bệnh có thể tái đi tái lại nhiều lần gây ra các biến chứng nguy hiểm.
Việc cắt amidan phải được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa, khi người bệnh ở trong những trường hợp như: Khi bạn bị viêm amidan khoảng 5-6 đợt cấp tính trong một năm gây những biến chứng như viêm tai giữa, viêm xoang, thấp khớp, viêm cầu thận; amidan có kích cỡ quá to gây cản trở cho việc ăn uống, xảy ra tình trạng ngưng thở trong lúc ngủ, nhiễm khuẩn tái phát nhiều lần; viêm amidan gây tình trạng hôi miệng, nuốt vướng hoặc những nghi ngờ ác tính do ung thư.
Với những người đang có viêm nhiễm cấp tính tại amidan hoặc xung quanh amidan như mũi, xoang, cúm, sởi, sốt xuất huyết… cần phải điều trị qua đợt cấp tính khi nào ổn định mới được cắt.
Theo PGS. TS Nguyễn Thị Hoài An, cắt amidan là một thủ thuật đơn giản, không gây nguy hiểm tới tính mạng. Hiện nay, việc phẫu thuật được thực hiện bằng những phương pháp mới với nhiều ưu điểm vượt trội.
PGS Hoài An cũng lưu ý, tuy không phải phức tạp nhưng khi cắt amidan nên chọn những cơ sở uy tín, đáng tin cậy, phẫu thuật viên phải có tay nghề tốt. Kỹ thuật gây mê, trang thiết bị tốt. Và đặc biệt bệnh nhân cần cung cấp cho bác sĩ về cơ địa dị ứng của mình và chỉ cắt amidan khi có chỉ định của bác sĩ.
PGS. TS Nguyễn Thị Hoài An tư vấn cho người nha bệnh nhân. Nguồn ảnh: BVAV
Để nhanh hồi phục sức khoẻ sau khi cắt amidan, PGS. TS Nguyễn Thị Hoài An lưu ý những người bệnh cắt amidan cần có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, không nên nói chuyện ngay, vì nói chuyện sẽ khiến cho vết thương bị ảnh hưởng. Từ ngày thứ 2 trở đi bệnh nhân có thể bắt đầu tập nói dần.
Vệ sinh sạch sẽ miệng để tránh gây nên bệnh viêm họng sau khi cắt viêm amidan vì vi khuẩn có thể tấn công gây nhiễm trùng vùng họng bất kỳ lúc nào.
Ăn những thức ăn mềm như (khoai tây luộc, khoai lang, cà rốt luộc), cháo, soup, bún, phở, không ăn thức ăn quá cay, nóng, lạnh hay thức ăn nhiều dầu mỡ, nước chứa cồn, ga, chất gây nghiện như cà phê.
Nước lọc, sữa tươi, sữa chua, nước ép trái cây rất tốt cho người vừa phẫu thuật amidan.