Tác hại đầu tiên mà việc nhuộm tóc gây ra đó là làm hư tổn và nguy hại đến sức khỏe của mái tóc. Nguyên nhân của tình trạng này là bởi thành phần thuốc nhuộm tóc có chứa các chất PPD (p-phenylenedamine), TDS (toluene-diaminesulphate), RES (resorcinol), aminophenol, xylidine...
Khi nhuộm tóc bạn cần chú ý chọn thuốc an toàn.
Các chất này khi được sử dụng sẽ làm thay đổi cấu trúc bên trong tóc, thấm vào các nang tóc dẫn đến hiện tượng tóc bị gãy rụng, chẻ ngon, xơ rối, ngứa ngáy khó chịu,… Bên cạnh đó, việc nhuộm tóc còn khiến sức khỏe da đầu bị đe dọa do dị ứng thuốc gây nên. Theo các chuyên gia Y tế, tỷ lệ số lượng bệnh nhân nhập viện do dị ứng thuốc nhuộm tóc cao hơn rất nhiều lần do dị ứng các loại mỹ phẩm khác. Bệnh nhân thường có các biểu hiện ngứa ngáy, mọc mụn nước gây lở loét, đóng vảy trên da đầu. Từ đó, hình thành các bệnh nghiêm trọng như viêm chân tóc, viêm da dị ứng, viêm da tiếp xúc hoặc thay đổi sắc tố da đầu.
Lời khuyên của các BS của BV Da liễu Trung ương đối với người sử dụng thuốc nhuộm tóc là tác hại của nhuộm tóc đến mỗi người là hoàn toàn khác nhau. Vì vậy trước khi đi nhuộm, nên tìm hiểu chọn lựa, tham khảo ý kiến để chọn cho mình một loại thuốc nhuộm phù hợp và hạn chế tối đa ảnh hưởng của nhuộm tóc gây ra.
Trên thực tế, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận các trường hợp bị viêm da tiếp xúc do dị ứng với thuốc nhuộm tóc. Tỷ lệ bệnh nhân dị ứng thuốc nhuộm tóc rất cao, gấp nhiều lần so với tiếp xúc với các loại hóa mỹ phẩm khác. Thuốc nhuộm tóc thường gây mẫn cảm chéo nên nhiều người từng bị dị ứng với loại thuốc nhuộm này khi đổi sang loại khác vẫn bị. Đây là loại dị ứng muộn. Thường những lần đầu nhuộm tóc, dị ứng có thể xảy ra sau 1 - 2 hay 3 ngày. Những lần sau, dị ứng có thể đến nhanh hơn, sau vài giờ nhuộm.
Biểu hiện ban đầu của bệnh nhân thường là ngứa dữ dội, nổi mụn nước ở da đầu, chảy nước, đóng vảy, có thể rụng tóc. Không ít bệnh nhân bị lan ra cả vùng mặt, để lại sẹo thâm đen. Tình trạng có khi kéo dài hàng tháng hay tái đi tái lại nhiều lần. Một số ít có thể gặp biến chứng nhiễm trùng. Đặc biệt, bệnh nhân nam bị dị ứng thuốc nhuộm tóc nhiều hơn nữ.
Ngoài ra, trong một số thuốc nhuộm tóc có chứa Alkylphenol ethoxylate (APE) thường có trong thuốc trừ sâu. Khi nhuộm tóc chất này có thể hấp thụ vào cơ thể gây rối loạn nội tiết. Ngoài ra isopropyl alcohol có trong thuốc nhuộm tóc có thể gây ra chứng trầm cảm và nhức đầu.
Lựa chọn thuốc nhuộm tóc
Trước khi nhuộm tóc, hãy chú ý đến việc lựa chọn thuốc nhuộm tóc, đặc biệt là khi hiện nay mọi người có xu hướng nhuộm tóc tại nhà. Hãy chú ý đến nồng độ phenylenediamines có trong thuốc nhuộm, cấm kỵ sử dụng thuốc nhuộm có nồng độ chất này trên 6%.
Hãy sử dụng các loại thuốc nhuộm tóc có thành phần từ thiên nhiên, ở các thương hiệu uy tín, phù hợp với mái tóc của bạn. Ngoài ra, trước khi nhuộm tóc cần bôi thuốc lên da tay xem có bị dị ứng không mới bôi lên tóc.
Tránh tiếp xúc da trực tiếp với thuốc nhuộm tóc
Khi nhuộm tóc, tránh tiếp xúc da trực tiếp với thuốc nhuộm, cả tay, da đầu để không bị dị ứng. Hãy sử dụng găng tay và các dụng cụ để hạn chế nguy cơ dính thuốc nhuộm lên da càng nhiều càng tốt. Nếu có điều kiện, bạn hãy nhờ những người có tay nghề và kinh nghiệm nhuộm tóc hỗ trợ.
Sau khi nhuộm cần chăm sóc tóc kỹ hơn, gội đầu bằng các loại dầu gội, dầu xả có thành phần dưỡng ẩm cho tóc. Nên hấp dầu cho tóc nhuộm 1 tháng 1 lần.
Kiểm soát số lần nhuộm tóc
Khoảng cách các lần nhuộm không được quá gần nhau, bởi lẽ việc nhuộm tóc thường xuyên không chỉ gây tổn thương tóc mà còn có hại cho sức khỏe. Tốt nhất bạn không nên nhuộm tóc hơn 2 lần trong một năm.
Một số trường hợp không nên nhuộm tóc
Những người có tiền sử bị bệnh huyết áp cao, bệnh tim, hen suyễn và một số bệnh khác (nhận tư vấn cụ thể của các bác sĩ chuyên môn) nghiêm cấm việc nhuộm tóc. Ngoài ra, các cặp vợ chồng đang lên kế hoạch sinh con, phụ nữ có thai và đang cho con bú cũng không nên nhuộm tóc.