Theo tổng hợp của hãng thông tấn AFP từ các số liệu chính thức, tính đến 17h GMT ngày 23/3 (0h ngày 24/3, giờ Hà Nội), tổng số ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 được ghi nhận trên toàn thế giới đã lên tới 350.000 trường hợp.
Một người lớn tuổi đến một bệnh viện ở TP New York (Mỹ). Ảnh: AFP
Trên toàn cầu, ít nhất 350.142 người đã bị nhiễm SARS-CoV-2, trong đó có 15.873 ca tử vong. Số ca nhiễm hầu hết ở Trung Quốc, với 81,093 ca và ở Italy, với 63.927 ca.
Những số liệu chính thức trên dường như chỉ phản ánh phần nổi của con số thực tế những ca đã lây nhiễm SARS-CoV-2 bởi vì nhiều quốc gia chỉ xét nghiệm đối với những ca cần phải nhập viện.
Trong khi đó, Thành phố Vũ Hán, nơi khởi phát dịch bệnh, ngày 23/3 không ghi nhận ca nhiễm mới nào. Đây là ngày thứ năm liên tiếp địa phương này không ghi nhận ca mắc mới nào. Trong 24h qua, Hàn Quốc chỉ ghi nhận thêm 64 ca nhiễm mới, với tổng số ca nhiễm là 8.961 và 111 ca tử vong.
Anh phong tỏa toàn quốc, sẽ "lật ngược tình thế" trong 12 tuần
Tại Anh, trong 24 giờ qua có thêm 54 ca tử vong, nâng tổng số người chết vì dịch lên 335 người và 5.837 trường hợp mắc bệnh. Rạng sáng ngày 24/3 (theo giờ VN), Chính phủ Anh áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc trong 3 tuần nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch COVID-19. Thủ tướng Boris Johnson cho biết, ông "muốn đưa ra với người dân Anh một hướng dẫn đơn giản: Các bạn phải ở yên tại nhà". Lệnh phong tỏa cũng yêu cầu đóng cửa toàn bộ hoạt động kinh doanh không thiết yếu và cảnh sát sẽ được triển khai để giám sát người dân thực hiện.
Cùng ngày 23/3, Thủ tướng Boris Johnson phát biểu trước các phóng viên rằng nước Anh có thể "lật ngược tình thế" trong cuộc chiến chống COVID-19 trong vòng 12 tuần tới. Ông cho biết sẽ rất sớm thôi, chính phủ có thể tiến hành xét nghiệm trên quy mô lớn. Hiện tại, các lực lượng cảnh sát, hải quan và y tế công cộng đã được phép bắt giữ bất cứ ai tình nghi nhiễm virus SARS-CoV-2 theo quyền lực khẩn cấp mới của chính phủ. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến nhanh, 7.500 cựu nhân viên y tế đã tình nguyện quay trở lại làm việc hỗ trợ chống dịch.
Italy trong "thời chiến"
Đất nước Italy tiếp tục trải qua một ngày căng thẳng vì cuộc khủng hoảng COVID-19 khi có thêm 602 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 6.077 ca, tức là gần gấp đôi so với con số tử vong tại Trung Quốc đại lục, nơi khởi phát dịch (với 3.270 ca tử vong). Tuy vậy, số ca nhiễm mới ở Italy đang tiếp tục đà giảm của hai ngày trước đó, với 4.789 ca, nâng tổng số ca nhiễm bệnh lên 63.927 ca.
Chính phủ Italy đã áp đặt lệnh ngừng mọi hoạt động đi lại trên toàn quốc và ra lệnh đóng cửa toàn bộ các hoạt động kinh tế không thiết yếu trong nỗ lực giữ chân người dân ở trong nhà. Các doanh nghiệp Italy sẽ phải đóng cửa đến ngày 3/4. Ngày 23/3, Thủ tướng Giuseppe Conte thông báo chính phủ tiếp tục đặt mua hơn 6.500 máy thở và 120 triệu khẩu trang sẽ được cung ứng trong tuần tới. Trong ngày 23/3, Italy đã cung cấp bổ sung 4 triệu khẩu trang và 125 máy trợ thở tới các bệnh viện.
Cùng ngày, Chủ tịch Liên đoàn Giới chủ công nghiệp Italy (Confindustria) Vincenzo Boccia cảnh báo nước này có khả năng bước vào giai đoạn "nền kinh tế thời chiến" khi chính phủ thông qua các biện pháp nghiêm ngặt, ngừng mọi hoạt động sản xuất không thiết yếu. Chủ tịch Confindustria ước tính nếu Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Italy là 1.800 tỷ euro/năm thì hoạt động sản xuất mang lại 150 tỷ euro/tháng, và nếu ngừng 70% hoạt động sản xuất, Italy sẽ mất khoảng 100 tỷ euro/tháng. Italy sẽ phải đối mặt với một khoản nợ khổng lồ, chỉ có thể được trả trong vòng 30 năm, như “một khoản nợ thời chiến”.
Pháp
Bộ Y tế Pháp ngày 23/3 cho biết, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) đã khiến thêm 186 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 860 trường hợp.
Bộ trưởng Bộ Y tế Olivier Veran cho hay, 19.856 người ở Pháp đã được ghi nhận là dương tính với SARS-CoV-2, 8.675 người đã nhập viện, trong đó có 2.082 bệnh nhân đang được chăm sóc tích cực.
Hàn Quốc
Theo thống kê do Cơ quan Quản lý và Phòng chống Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) công bố trong sáng cùng ngày, tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này đã lên tới 8.961 ca sau khi ghi nhận thêm 64 ca mới ngày 22/3.
Số ca tử vong đã tăng lên 111 ca sau khi có thêm 7 ca tử vong ngày 22/3, trong khi số ca hồi phục là 3.166 ca.
Lệnh “ở nhà” tại Moscow (Nga) không áp dụng cho Tổng thống Putin
Nhà chức trách TP Moscow (Nga) ngày 23/3 yêu cầu bắt đầu từ ngày 26/3 đến ngày 14-4, những người trên 65 tuổi hoặc những ai mắc các bệnh mãn tính ở nhà. Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói ngày 23/3 cho biết yêu cầu này không áp dụng đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đã 67 tuổi.
“Tổng thống vẫn làm việc, như bạn thấy đó. Tất nhiên, không ai tổ chức bất kỳ sự kiện công cộng lớn nào và chúng tôi cũng không xem xét chuyện đó vào lúc này… nhưng công việc là công việc, đặc biệt là công việc của Tổng thống là một ngoại lệ”.
Nga hiện ghi nhận 438 ca nhiễm COVID-19 và không có ca tử vong.