Theo website chuyên về thống kê worldometers.info, tính đến 6h sáng ngày 7/4 (giờ Việt Nam), trên toàn thế giới có 1.341.662 người nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 74.522 ca tử vong, và 278.168 bệnh nhân đã bình phục. Dịch bệnh đã ảnh hưởng đến 209 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Nhân viên y tế di chuyển thi thể bệnh nhân vào xe tải lạnh được chuyển thành nhà xác tạm thời bên ngoài bệnh viện Wyckoff ở Brooklyn, New York. Ảnh: AFP/Getty Images
Mỹ: Thêm hơn 27.000 ca nhiễm, số ca tử vong vượt 10.000
Theo cập nhật của trang Wordometers lúc 6h15 ngày 7/4, nước Mỹ đã ghi nhận thêm 27.415 ca bệnh COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 364.088 ca.
Trong khi đó, số ca tử vong do COVID-19 ở Mỹ tăng thêm 1.176 ca, lên tổng cộng 10.792. Mỹ hiện là quốc gia có số ca nhiễm đứng đầu thế giới và số ca tử vong do COVID-19 đứng thứ ba thế giới (sau Ý và Tây Ban Nha).
Pháp ghi nhận số ca tử vong mới kỷ lục
Ngày 6/4, Pháp ghi nhận thêm 833 ca tử vong do COVID-19 bên trong các bệnh viện và viện dưỡng lão trong vòng 24 giờ. Đây là số ca tử vong tăng thêm trong một ngày cao nhất tới nay ở nước này.
Trước diễn biến này, Pháp đã ghi nhận các tín hiệu tích cực khi số ca tử vong tăng thêm trong ngày 5/4 chỉ là 357, mức tăng thấp nhất trong khoảng một tuần, làm dấy lên hi vọng rằng nước này đã chạm đỉnh dịch.
Tuy nhiên, với diễn biến mới nhất, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran nhận định nước này vẫn chưa tới giai đoạn đó. Hiện số ca tử vong do COVID-19 ở Pháp là 8.911 ca, cao thứ tư thế giới sau Ý, Tây Ban Nha và Mỹ.
Hãng tin AFP bình luận các con số này nhắc nhở nước Pháp - bị phong tỏa từ ngày 17-3 để làm chậm sự lây lan của COVID-19 về con đường dài phía trước, sau khi các số liệu cho thấy sự cải thiện trong vài ngày.
Đức chuẩn bị các biện pháp sau khi lệnh phong tỏa kết thúc
Chính phủ Đức đang soạn thảo một loạt biện pháp, trong đó có bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng, hạn chế tụ tập đông người và nhanh chóng truy vết những người từng có tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19. Giới chức Đức cho rằng các đề xuất này có khả năng giữ cho tỷ lệ người bị nhiễm bệnh từ bệnh nhân COVID-19 ở mức dưới 1 người, đảm bảo cuộc sống xã hội dần trở lại bình thường sau khi lệnh phong tỏa kết thúc vào ngày 19/4 tới. Tính đến 6h sáng 7/4 (giờ Việt Nam), số trường hợp mắc COVID-19 trên toàn nước Đức đã vượt ngưỡng 100.000 người, cụ thể đang là 100.132 người, và 1.584 trường hợp tử vong.
Tây Ban Nha
Theo Bộ Y tế Tây Ban Nha, trong 24 giờ qua, số ca tử vong tại nước này đã tăng thêm 700 ca nâng tổng số ca mắc lên136.675 ca. Trong khi đó, số ca mắc COVID-19 mới 5.029 ca.
Dù Tây Ban Nha có số ca tử vong do COVID-19 cao thứ hai trên thế giới, chỉ sau Italy, song số ca tử vong tại nước này đang có xu hướng giảm dần kể từ khi lên mức đỉnh là 950 ca vào ngày 2/4 vừa qua.
Lực lượng khẩn cấp của quân đội Tây Ban Nha tiến hành khử trùng một bệnh viện ở Madrid nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan, ngày 27/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Chính phủ Tây Ban Nha cho biết đang lên kế hoạch xét nghiệm trên diện rộng, bao gồm cả những người không có triệu chứng mắc COVID-19, trong bước đi đầu tiên nhằm nới lỏng dần lệnh phong tỏa.
Cho đến nay, Tây Ban Nha mới chỉ xét nghiệm cho những người đã nhiễm hoặc nghi nhiễm virus SARS-CoV-2. Việc xét nghiệm trên quy mô lớn sẽ giúp xác định được những người mang mầm bệnh nhưng lại chưa có triệu chứng. Các công ty Tây Ban Nha đã sản xuất 240.000 bộ xét nghiệm/tuần và đang nỗ lực tăng công suất, trong khi các thiết bị đang được đặt mua từ nước ngoài.
Tây Ban Nha đã triển khai biện pháp phong tỏa kể từ ngày 14/3 và sẽ kéo dài cho đến ngày 26/4 tới.