Trẻ mấy tháng mọc răng?
Trẻ sơ sinh sẽ mọc răng kéo dài trong khoảng 2 năm, từ khi 6 tháng tuổi đến 2 tuổi rưỡi. Tuy nhiên, có những trường hợp bé mọc răng rất sớm hoặc rất muộn. Cụ thể, các răng của trẻ sẽ mọc theo thứ tự như sau:
- Từ 6-9 tháng: mọc bốn răng cửa giữa
- Từ 7-10 tháng: mọc hai răng cửa trên
- Từ 12-14 tháng: mọc bốn răng hàm
- Từ 16-18 tháng: mọc bốn răng nanh
- Từ 20-30 tháng: mọc bốn răng hàm cuối cùng
Dấu hiệu trẻ mọc răng sữa
Chảy nhiều nước dãi
Quá trình mọc răng sẽ kích thích nước dãi trong khoang miệng chảy ra nhiều hơn. Đây chính là dấu hiệu trẻ mọc răng dễ nhận biết nhất, do khoang miệng của bé nông, chức năng nuốt nước bọt chưa phát triển hoàn thiện nên nước dãi sẽ chảy ra ngoài nhiều. Khi bé lớn hơn, các răng mọc đầy đủ thì tình trạng này sẽ giảm dần.
Thường xuyên nhai cắn
Khi mầm răng chồi lên khỏi nướu thường khiến bé rất khó chịu và ngứa ngáy. Khi đó, bé sẽ tìm cách giảm thiểu sự khó chịu thông qua việc nhai cắn. Tại giai đoạn này, mẹ nên chuẩn bị cho bé đồ gặm nướu chuyên dụng để đảm bảo vệ sinh và không làm tổn thương lợi bé.
Trẻ bị sốt
Khi bé mọc răng, hệ miễn dịch thay đổi nên các tác nhân gây sốt dễ xâm nhập vào cơ thể. Nếu bé sốt nhẹ mẹ có thể điều hòa thân nhiệt bằng cách da tiếp da, mặc quần áo thoáng mát, cho trẻ bú nhiều. Do vậy mẹ cần phải thường xuyên theo dõi thân nhiệt cho bé, nếu bé sốt cao và kéo dài thì bố mẹ cần nên chủ động đưa trẻ đi khám bác sĩ để kịp thời xử lí.
Hay cáu gắt
Những cơn đau do mọc răng sữa gây nên có thể là nguyên nhân làm bé mệt mỏi, quấy khóc. Một số bé quấy trong vài giờ đồng hồ nhưng cũng có bé quấy vài ngày, thậm chí vài tuần. Khi bé khóc, mẹ nên dỗ dành, cho bé chơi đồ chơi để bé quên đi cảm giác khó chịu, ngứa ngáy.
Nổi mẩn xung quanh cằm và miệng
Cằm và xung quanh miệng nổi mẩn là dấu hiệu trẻ mọc răng dễ nhận biết. Do nước dãi của bé chảy nhiều nên các vùng da khô có thể xuất hiện các nốt mẩn đỏ. Khi mẹ thấy bé bị nổi mẩn hãy kiểm tra lợi của bé xem có phải bé có mọc răng hay không để có biện pháp chăm sóc phù hợp.
Trẻ bị ho
Ho là một trong những dấu hiệu thường thấy khi bé mọc răng. Nguyên nhân bé ho là do nước dãi chảy nhiều. Nếu bé ho và không kèm theo sốt, khó thở hoặc các dấu hiệu bất thường khác thì mẹ không cần quá lo lắng. Tuy nhiên trong trường hợp bé ho nhiều, mẹ nên đưa bé đi khám.
Những chăm sóc cần thiết khi trẻ mọc răng
Có thể làm dịu sự khó chịu cho trẻ tạm thời bằng cách cho một vật nhẹ, mềm để trẻ cắn lên (như vòng mọc răng, ngậm núm vú giả bằng cao su). Nếu cảm thấy trẻ bị đau dữ dội gây khó khăn cho việc ăn uống và sinh hoạt của trẻ, phụ huynh nên đưa trẻ đến khám và tư vấn bác sĩ chuyên khoa răng - hàm - mặt để được chữa trị tốt hơn.
Nếu trong thời gian mọc răng sữa, trẻ sốt cao 38,5 độ C trở lên và đau nhiều, có thể dùng paracetamol để hạ sốt và giảm đau, liều lượng 10-15 mg/kg cân nặng, cứ 4-6 giờ cho uống một lần. Không được để trẻ sốt quá cao. Nếu trẻ sốt nhẹ hơn thì không cần uống thuốc hạ sốt, chỉ cần lau ấm cho trẻ và cho uống thêm nước.
Trẻ mọc răng thường chảy nước miếng nhiều, thường đưa tay vô miệng cắn hoặc dùng lưỡi liếm vùng nướu phía trước. Cần chú ý giữ vệ sinh răng miệng cho trẻ thật tốt. Thường xuyên lau sạch nước miếng chảy quanh miệng trẻ bằng khăn mềm sạch, làm sạch nướu sau khi cho trẻ bú hoặc ăn. Dùng một miếng gạc hoặc vải mềm nhúng nước sạch quấn quanh ngón tay lau thật nhẹ nhàng. Nên cho trẻ uống nước lọc sau khi bú hoặc sau khi cho trẻ ăn.
Chú ý cho trẻ uống nhiều nước. Điều này đặc biệt quan trọng vì tiêu chảy nhiều khiến trẻ dễ mất nước. Nên cho trẻ ăn các thức ăn lỏng, mềm để trẻ ăn uống dễ dàng hơn, thức ăn quá nóng hay quá lạnh đều không có lợi cho sự phát triển của răng trẻ. Ngoài ra cũng cần bổ sung thêm cho trẻ hàm lượng canxi trong thành phần các bữa ăn hàng ngày.