Nguyên nhân nào gây ra bệnh tiểu đường thai kỳ?
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet
Bạn sẽ bị chẩn đoán là mắc bệnh khi tuyến tụy không sản xuất đủ lượng nội tiết tố insulin đáp ứng nhu cầu của cơ thể hoặc insulin giảm tác động lên cơ thể hoặc cơ thể không chuyển hóa tốt insulin. Glucose là chất dinh dưỡng thiết yếu có vai trò cung cấp năng lượng cho hoạt động của các tế bào trong cơ thể. Song glucose không thể tự vận chuyển từ mạch máu vào tế bào mà phải có sự hỗ trợ của insulin. Do đó, bạn sẽ bị tiểu đường khi lượng đường trong máu cao.
Trong thời kỳ bầu bí, vì nhu cầu năng lượng tăng cao hơn nên cơ thể bạn có nhu cầu tăng lượng đường. Việc cơ thể bạn sản xuất lượng insulin phù hợp với nhu cầu tăng lượng đường trong thời gian mang thai là một điều rất tuyệt. Song thực tế không phải thai phụ nào cũng được thuận lợi như thế.
Ngoài ra, trong thai kỳ, nhau thai tạo ra nội tiết tố giúp thai nhi phát triển. Những nội tiết tố này gây ra một số tác động xấu đến insulin, dẫn đến rối loạn nội tiết tố. Nếu mức insulin và đường huyết cùng đạt chỉ số và duy trì lượng đường trong máu ở mức an toàn, bạn không nằm trong nhóm mắc đái tháo đường thai kỳ. Do đó, nếu bạn bị kết luận mắc tiểu đường thai kỳ, nguyên nhân là do insulin không kiểm soát được lượng đường trong máu. Muốn kiểm soát được tình trạng này, bạn phải giảm lượng đường hoặc tăng insulin hoặc là cả hai.
Dấu hiệu nhận biết tiểu đường thai kỳ là gì?
Không phải mẹ bầu nào cũng đủ nhạy cảm, tinh tế để phát hiện bệnh tiểu đường thai kỳ. Nhiều người chỉ phát hiện cho tới khi thăm khám thai định kỳ, bác sĩ sản khoa phát hiện bằng cách kiểm tra nước tiểu, nghiệm pháp tăng đường huyết.
Quá trình mang bầu vô cùng vất vả, mẹ bầu nên để ý một số dấu hiệu tiểu đường thai kỳ sau để đi khám thai, xét nghiệm ra bệnh tiểu đường thai kỳ và sớm có hướng điều trị kịp thời:
Đi tiểu nhiều. Lượng Glucose trong máu quá cao sẽ không thể chuyển hóa được hết, tồn đọng trong máu khiến thận phải hoạt động hết năng suất để đẩy ra ngoài. Do đó, mẹ bầu sẽ đi tiểu nhiều hơn bình thường.
Khát nước thường xuyên. Do lượng đường máu tăng cao, mẹ bầu đi tiểu nhiều nên cơ thể sẽ có đòi hỏi bổ sung nước để bù đắp sự hao hụt.
Vùng kín bị nấm men, đau rát khi đi tiểu, dịch có mùi hôi… Tình trạng này kéo dài hơn bình thường, dùng dung dịch vệ sinh bình thường không đỡ.
Cơ thể mệt mỏi, cân nặng giảm nhanh. Bởi vì insulin trong cơ thể không sản xuất đủ cho quá trình chuyển hóa thành năng lượng nên cơ thể mẹ bầu luôn trong trạng thái mệt mỏi, đói bụng và thèm ăn.
Có hiện tượng mờ mắt ngắn. Đây là phản ứng của cơ thể khi lượng glucose trong máu tăng đột ngột, trường hợp này ít gặp nhưng mẹ bầu cũng cần lưu ý.