Qua thăm khám các bác sỹ nhận định người bệnh bị bỏng độ 2-3, diện tích khoảng 20% và xuất hiện tình trạng nhiễm trùng. Người nhà người bệnh cũng thừa nhận không rõ loại thuốc và có tác dụng như thế nào chỉ sử dụng theo kinh nghiệm dân gian.
Dùng thuốc nam trị bỏng, hai chân bé gái bị nhiễm trùng nặng. (Nguồn ảnh: BVĐK Cao Bằng)
Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng cho biết: Có nhiều tác nhân gây bỏng, thường gặp nhất là bỏng do nước sôi, bỏng lửa, bỏng hóa chất... Tổn thương bỏng rất đa dạng ở nhiều vị trí như mặt, chân, lưng, cánh cẳng tay, bàn tay… ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Khi bị bỏng, nếu không được chữa trị đúng cách bệnh nhân sẽ có nguy cơ nhiễm trùng huyết và có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Do vậy, qua trường hợp này một lần nữa các bác sỹ khuyến cáo người dân TUYỆT ĐỐI không đắp, bôi bất kỳ thứ gì lên vết bỏng theo kinh nghiệm dân gian. Khi bị bỏng, ngay lập tức cách ly người bị bỏng khỏi nguyên nhân gây bỏng sau đó ngâm bộ phận bị bỏng (tay, chân) vào trong nước sạch, mát (từ 16 đến 20 độ C, tốt nhất trong 30 phút đầu sau khi bị bỏng).
Nếu bị bỏng vùng mặt thì dùng khăn ướt mềm đắp vào mặt, nếu diện bỏng rộng thì cần chú ý giữ ấm ở những phần không bị bỏng.
Việc này có tác dụng giảm độ sâu của bỏng và làm giảm cảm giác đau đớn , sau đó nhanh chóng đến cơ sở y tế có điều trị bỏng để được điều trị kịp thời.