Bao lâu nên thay ga trải giường?
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet
Để ngăn ngừa những bệnh nhiễm trùng da, bạn nên thay ga trải giường ít nhất 1 lần 1 tuần hoặc thường xuyên hơn nếu bạn đổ mồ hôi nhiều khi ngủ hoặc có làn da nhạy cảm dễ bị viêm nhiễm.
Ngoài ra, lưu ý tắm đều đặn mỗi ngày, chăm sóc vết thương đúng cách (nếu có), giữ cho da sạch và khô có thể làm giảm nguy cơ nhiễm trùng da. Nếu bạn có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm trùng da, hãy khám da liễu để được chẩn đoán kịp thời và điều trị phù hợp
Các bệnh nhiễm trùng da có thể mắc phải nếu không thường xuyên thay ga
Viêm nang lông
Khi ga trải giường không được thay thường xuyên, mồ hôi, tế bào da chết và dầu có thể tích tụ, dẫn đến nang lông bị tắc và gây viêm nang lông. Bệnh đặc trưng bởi các vết sưng đỏ viêm hoặc mụn mủ xung quanh nang lông. Thường do vi khuẩn gây nhiễm trùng, ví dụ staphylococcus aureus.
Hắc lào
Nấm phát triển mạnh trong môi trường ấm và ẩm ướt. Ga trải giường khi không được vệ sinh thường xuyên sẽ trở thành nơi thuận lợi cho nấm phát triển. Hắc lào là bệnh nhiễm trùng da do nấm dermatophyte gây nên. Bệnh có thể lây lan khi tiếp xúc với các vật dụng hoặc bề mặt mà người bị nhiễm bệnh đã chạm vào. Hắc lào thường khiến da bị ngứa, đỏ và phát ban hình tròn trên da.
Chốc lở
Chốc lở là một bệnh nhiễm trùng da dễ lây lan, do vi khuẩn streptococcus hoặc staphylococcus xâm nhập qua vết thương hở trên da. Ga trải giường không được làm sạch có thể chứa những vi khuẩn này, dẫn đến sự phát triển và lây lan bệnh chốc lở.
Nổi mụn trứng cá
Ga giường chứa rất nhiều loại vi khuẩn, mạt bụi, nấm, da chết,... Nếu để da, đặc biệt là da mặt tiếp xúc thường xuyên với ga giường hoặc ga gối không được vệ sinh thường xuyên sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập lên da và phát triển, bít tắc lỗ chân lông và gây ra tình trạng mụn trứng cá, mụn viêm.
Đối với những người đang gặp tình trạng mụn sẵn, việc tiếp xúc với ga giường bẩn sẽ làm tình trạng mụn trầm trọng thêm, cho dù bạn đã làm sạch da.
Do vậy, các chuyên gia khuyên bạn nên rửa mặt trước khi đi ngủ. Ngoài ra, nên giặt ga trải giường từ 7 đến 10 ngày một lần.
Chàm
Bệnh chàm là một trong những loại phát ban da phổ biến nhất, bệnh gây ra các triệu chứng như ngứa, đỏ, khô và kích ứng da. Da quá khô và các khuẩn lạc hoạt động quá mức trên da của bạn có thể gây chàm da. Nếu bạn cho phép vi khuẩn tồn tại và phát triển trên ga trải giường, chúng sẽ bám vào da của bạn, làm tăng nguy cơ mắc bệnh chàm hoặc khiến bệnh chàm trở nên trầm trọng hơn nếu như bạn bị viêm da từ trước.
Phát ban
Trên ga giường có chứa nhiều mạt bụi, vi khuẩn hoặc thậm chí là rệp hoặc bo ve. Nếu chúng tiếp xúc với cơ thể thì có thể khiến bạn bị dị ứng, phát ban. Các dấu hiệu phát ban bao gồm: ngứa ngáy, da xuất hiện các vết đỏ,...
Nấm da
Không khí ẩm ướt, khi ngủ mồ hôi của bạn có thể ngấm vào ga giường - những yếu tố này tạo điều kiện cho nấm phát triển trên giường của bạn. Chẳng hạn như loại nấm có tên là Onychomycosis, có thể gây tổn thương da và móng chân. Ngoài ra, một loại nấm mốc có tên là Cladosporium, phát triển trên đệm ẩm và có thể dẫn đến bệnh hen suyễn, viêm phổi.
Thậm chí tệ hơn, một số bệnh nhiễm trùng hoặc phát ban ngứa ngáy có thể lây truyền qua ga giường bẩn, chẳng hạn như Tinea Cruris (một bệnh nhiễm nấm ảnh hưởng đến da ở bộ phận sinh dục, đùi trong và mông), Tinea Versicolor (một bệnh nhiễm nấm gây ra các mảng da nhỏ, đổi màu) hoặc 'siêu vi khuẩn' Staphylococcus aureus kháng Methicillin khó điều trị, hay MRSA, gây ra bởi một loại vi khuẩn tụ cầu khuẩn kháng hầu hết các loại kháng sinh.
Ngoài các bệnh về da, khi ngủ trên ga giường không được vệ sinh thường xuyên còn có thể gây ra các vấn đề sức khỏe khác như:
Các vấn đề hô hấp: Nếu bạn bị hen suyễn, mạt bụi hoặc nấm mốc tồn tại trên ga giường có thể khiến các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn như khó thở, thở khò khè,...
Dị ứng: Bụi bẩn, mạt bụi, nấm cũng sẽ làm tăng nguy cơ các bệnh dị ứng, đối với những người có tiền sử bị dị ứng sẽ khiến các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn như ngứa mũi, hắt xì, nghẹt mũi, sổ mũi, ho, ngứa họng,...