Đây là một trong những quy định tại Thông tư 13/2023/TT- BYT Quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ KCB theo yêu cầu do cơ sở KCB của Nhà nước cung cấp do Bộ Y tế ban hành có hiệu lực từ ngày 15/8.
Bộ Y tế khẳng định, việc ban hành Thông tư không ảnh hưởng đến người có thẻ BHYT; người không có thẻ BHYT nhưng không đăng ký tự nguyện sử dụng các dịch vụ KCB theo yêu cầu.
Đồng thời, Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, giá dịch vụ KCB theo yêu cầu chỉ áp dụng cho đối tượng là người tự nguyện đăng ký sử dụng các dịch vụ KCB theo yêu cầu (chiếm tỷ lệ từ 5-10% tại các bệnh viện tuyến tỉnh và trung ương, tuyến huyện gần như không có).
Người có thẻ BHYT vẫn thực hiện chi trả theo mức giá quy định tại Thông tư số 13/2018/TT-BYT; người không có thẻ BHYT nhưng không đăng ký tự nguyện sử dụng các dịch vụ KCB theo yêu cầu thì thực hiện chi trả theo mức giá quy định tại Thông tư số 14/2018/TT-BYT.
Người dân khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai.
Thông tư 13 của Bộ Y tế cũng quy định một số chỉ tiêu chất lượng, nguyên tắc mà các cơ sở y tế sẽ phải thực hiện khi cung cấp dịch vụ theo yêu cầu như: Quy định về tỷ lệ giường bệnh theo yêu cầu không quá 20% so với giường thực hiện bình quân của năm trước, tỷ lệ thời gian các chuyên gia, bác sĩ giỏi tham gia KCB yêu cầu tối đa 30%.
Sau khi Bộ Y tế áp quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ KCB theo yêu cầu, nhiều bệnh viện đồng loạt xây dựng phương án điều chỉnh giá khám dịch vụ để trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, trong 3 năm qua, hầu hết giá khám và giá dịch vụ khác đều là theo giá BHYT. Giá khám của GS.PGS là 150.000 đồng/ lượt; TS và BSCKII là 120.000 đồng/lượt; Thạc sĩ và BSCKI là 70.000 đồng/ lượt, tuy nhiên, mức thu như vậy ở một bộ phận người dân khám theo yêu cầu.
PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh viện đã rà soát điều kiện tiêu chuẩn thế nào là giường theo yêu cầu, theo định mức được phép. Bệnh viện không cho phép các đơn vị thực hiện vượt quá 20% giường bệnh thực hiện KCB theo yêu cầu bởi nếu vượt quá, lạm dụng, sẽ ảnh hưởng, gây thiệt thòi đến bệnh nhân nghèo, KCB bằng BHYT.
Được biết, Bệnh viện Bạch Mai đang xây dựng khung giá dịch vụ KCB theo yêu cầu mới của Bộ Y tế, dự kiến, một số dịch vụ có giá cao nhất gấp 4,2 lần so với trước đây.
Căn cứ vào khung giá Bộ Y tế quy định, Bệnh viện Bạch Mai dự kiến điều chỉnh, thu giá khám GS.PGS, bác sĩ cao cấp là 400.000 đồng; khám TS, BSCK II là 350.000 đồng, còn thạc sĩ, bác sĩ khám là 300.000 đồng.
Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, Thông tư 13 là tiền đề của việc thực hiện Luật KCB sửa đổi có hiệu lực về tính đúng, tính đủ giá KCB. Thực tế, tại Thông tư này, Bộ Y tế cho phép dải giá khám bệnh cũng như giường bệnh rộng để các bệnh viện áp dụng theo điều kiện của mình.
Hiện nay, nhu cầu KCB của người dân ngày càng cao, một bộ phận người dân đi nước ngoài KCB tiêu tốn nguồn lực kinh tế lớn. Vì vậy, thông tư này sẽ đáp ứng nhu cầu KCB ngày càng cao của người dân và giữ chân một bộ phận người dân ra nước ngoài.
Thực tế chuyên môn của các bác sĩ và bệnh viện ở nước ta, nhất là bệnh viện tuyến cuối không hề thua kém bệnh viện trên thế giới. Tuy nhiên, chúng ta chưa phát huy được hết tiềm năng, khả năng của mình.
“Thông tư lần này cũng cho phép các bệnh viện, cơ sở y tế công lập có thể thực hiện được các hợp tác công tư và liên doanh, liên kết hợp tác. Đặc biệt, có thể hợp tác với các cơ sở y tế nước ngoài, bệnh viện, chuyên gia y tế nước ngoài để KCB cho người dân ở trong nước” – PGS.TS Đào Xuân Cơ nêu rõ.
Đề cập đến vấn đề này, TS Nguyễn Văn Thường – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho hay: “Sau khi có Thông tư 13, chúng tôi tham khảo có thể sẽ phải xây dựng lại. Nhưng bệnh viện cũng phải tính đến nhóm bệnh nhân có thể vào bệnh viện. Nếu xây dựng giá cao quá, người bệnh không đến bệnh viện thì lại không có tác dụng. Thông tư 13 được ban hành đã tạo hành lang pháp lý để bệnh viện có căn cứ vào cơ sở xây dựng bảng giá cho phù hợp”.
Ngoài ra, một số bệnh viện như Việt Đức, Y Hà Nội, Phổi trung ương, K trung ương... cũng đang lên phương án dự kiến mức giá dịch vụ KCB theo yêu cầu.