Trong mức tăng 0,07% của CPI tháng 8/2020 so với tháng trước, có 7/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng. Đó là: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,11%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,05%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,1%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%; giao thông tăng 0,1%; giáo dục tăng 0,18%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,2%.
Ảnh minh họa.
Có 3 nhóm hàng giảm giá gồm: may mặc, mũ nón và giầy dép giảm 0,03%; bưu chính viễn thông giảm 0,05%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,2%. Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình có mức giá ổn định.
Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá cho biết, các nguyên nhân làm giảm CPI tháng 8 năm 2020 là do ảnh hưởng của cơn bão số 2 và mưa diện rộng trên cả nước, nhiều ruộng rau bị ngập nước, dập nát, thối lá… khiến nguồn cung rau giảm làm cho chỉ số giá nhóm rau tươi, khô và chế biến tăng 1,96% so với tháng trước, góp phần tăng CPI chung 0,05%.
Bên cạnh đó, giá gạo tăng 0,79% so với tháng trước do nhu cầu tiêu dùng và thu mua gạo phục vụ xuất khẩu tăng làm cho CPI chung tăng 0,02%. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng, đến nay đã vượt qua giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan, Pakistan, Ấn Độ, Myanmar.
Một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tăng học phí năm học mới 2020-2021 theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ, làm cho chỉ số giá giáo dục tăng 0,18% so với tháng trước.
Bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI, có một số nguyên nhân kiềm chế CPI tháng 8/2020 như ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19 lần 2 vào Việt Nam, nhu cầu đi lại, du lịch, lễ hội, ăn uống ngoài gia đình của người dân giảm nên giá ăn uống ngoài gia đình giảm 0,03%, giá vé tàu hỏa giảm 0,6%, du lịch trọn gói giảm 0,49% so với tháng trước.
Giá thịt lợn giảm 0,4% so với tháng trước do nguồn cung tăng từ việc tái đàn và nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan. Giá nhà ở thuê giảm 0,17% so với tháng trước do nhiều hộ gia đình giảm giá thuê nhà ở hỗ trợ người tiêu dùng trong tình hình dịch Covid-19.
Theo Tổng cục Thống kê, CPI bình quân 8 tháng tăng 3,96% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 8 tháng cũng tăng 2,66% so với 2019.