Thứ 6, 22/11/2024, 19:34 PM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Bệnh nhân đái tháo đường tại Việt Nam tăng gấp đôi trong 10 năm

Bệnh nhân đái tháo đường tại Việt Nam tăng gấp đôi trong 10 năm
(Tieudung24g.net) - Sau 10 năm tỷ lệ mắc bệnh tăng gấp 2 lần từ gần 3% dân số lên đến 5,4%, với khoảng 3 triệu người bị căn bệnh này.

Đái tháo đường vì béo phì, lười vận động

Sáng 7.4, hưởng ứng ngày Sức khỏe thế giới với chủ đề về bệnh đái tháo đường, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, con số bệnh nhân đái tháo đường tại Việt Nam đang gia tăng mạnh mẽ, gấp đôi trong 0 năm.

Tiến sĩ Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc Nội tiết Trung ương (Hà Nội cũng bày tỏ lo ngại về sự gia tăng chóng mặt của căn bệnh này. “Thế giới trong 20 năm 2010-2030 tỷ lệ mắc đái tháo đường trên toàn cầu tăng 54% thì tại Việt Nam chỉ trong 10 năm đã tăng tới 200%. Tỷ lệ tiền đái tháo đường cũng gia tăng nhanh chóng từ 7,7% lên gần 14%”, TS Dương nói.

Bệnh-đái-tháo-đường-tiêu-dùng-24g-net

Xét nghiệm đường huyết miễn phí cho bệnh nhân trong ngày Sức khỏe thế giới phòng chống bệnh đái tháo đường. Ảnh: H.Hải

Trong khi đó, có đến 60% trong số bệnh nhân chưa được phát hiện bệnh. Gánh nặng tử vong và tàn phế do căn bệnh này là rất lớn. Đái tháo đường là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong và tàn phế hàng đầu ở cả hai giới, gây ra các biến chứng nặng nề về tim mạch, thần kinh, suy thận, nhiễm trùng, tổn thương bàn chân có thể dẫn đến phải cắt cụt chi.

TS Dương phân tích nguyên nhân của sự gia tăng bệnh đái tháo đường là do dinh dưỡng không hợp lý, thiếu hoạt động thể lực, hút thuốc, lạm dụng rượu bia. Hiện có khoảng 16 triệu người Việt Nam hút thuốc; ¼ trong số nam giới uống rượu ở ngưỡng gây nguy hại; khoảng 2/3 người dân ăn thiếu rau xanh và trái cây; gần 30% người dân thiếu các hoạt động thể lực.

“Riêng trong dinh dưỡng, tổng số năng lượng không thay đổi nhưng khẩu phần thay đổi đổi nhanh chóng và tạo ra sự mất cân bằng trong khẩu phần ăn và dư thưa năng lượng. Chỉ lấy ví dụ mức độ thiêu thụ dầu, mỡ tăng nhanh từ 12 g mỗi người trên ngày vào năm 1985 thì đã tăng lên 24,9 g vào năm 2000 và tăng vọt lên 37.7 g vào năm 2010- cao hơn rất nhiều các nước là yếu tố thúc đẩy thừa cân, béo phì dẫn đến đái tháo đường.

Thiếu niên đã mắc đái tháo đường

TS Dương bày tỏ lo ngại về sự trẻ hóa của bệnh nhân đái tháo đường. Theo ông, trước đây bệnh nhân đái tháo đường sớm cũng phải 40 – 50 tuổi. Nhưng nay, tại BV Nội tiết Trung ương, bác sĩ đã khám và điều trị cho nhiều trẻ 12,13 tuổi mắc đái tháo đường tuýp 2 vì thừa cân, béo phì.

“Như với trẻ em thành phố, thói quen ăn các đồ ăn nhanh giàu chất mỡ lại lười vận động là một trong những nguy cơ đe dọa đái tháo đường. Ví dụ trẻ ăn 100g phô mai, số lượng tưởng là ít nhưng để tiêu thụ được hết số năng lượng từ này, trẻ phải đi bộ nhanh 20km. Hay như với bim bim, một gói trẻ ăn vèo cái là hết, nhưng năng lượng, chất béo lại hơn cả một bát cơm đầy. Một ngày trẻ nạp vài gói bim bim, năng lượng tích tụ, vận động ít sẽ sinh béo phì và đây là nguy cơ gây ”, BS Dương phân tích.

Theo ông Lại Đức Trường, cán bộ Tổ chức Y tế Thế giới, không chỉ riêng Việt Nam mà với thế giới, đái tháo đường đang trở thành bệnh dịch trên toàn thế giới. Số tử vong do căn bệnh này gấp hơn 3 lần khi so với HIV/AIDS hay lao và gấp gần 10 lần so với sốt rét. Bệnh phổ biến thế giới, cứ 11 người trưởng thành thì có 1 người bị đái tháo đường.

Tuy là bệnh nguy hiểm nhưng đái tháo đường hoàn toàn có thể được phòng ngừa. Theo đó, nếu bị thừa cân (BMI>23 ) hoặc béo phì cần giảm cân trên > 7% và duy trì sự giảm cân đều đặn, hướng tới có mức cân nặng lý tưởng (BMI =22) . Giảm tình trạng béo bụng

Tránh lối sống tĩnh tại, tập thể dục ít nhất 30 phút tập thể dục từ mức độ vừa đến mức độ nặng tùy theo thể trạng, sở thích mỗi cá nhân và ít nhất 5 lần/tuần.

Duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý. Theo đó, phải giảm calo nếu thừa cân, có thể phải giảm lượng chất bột - đường; tăng chất xơ, chế độ ăn hợp lý và lành mạnh không những giảm nguy cơ ĐTĐ mà còn giúp giảm các bệnh tim mạch , ung thư..

Ngoài ra các biện pháp khác như giảm muối trong chế độ ăn, tránh uống nhiều rượu, bia , bỏ thuốc lá ,tránh stress cũng góp phần giảm nguy cơ tim mạch ở BN có nguy cơ bị ĐTĐ .

Ở một số người có nguy cơ ĐTĐ cao như béo phì , có rối loạn dung nạp glucose, tiền sử ĐTĐ thai kỳ, có hội chứng buồng trứng đa năng ngoài can thiệp lối sống thì thuốc metformin có thể được sử dụng để điều trị phòng ngừa ĐTĐ typ2

Một trong những thời điểm quý báu để can thiệp phòng tránh ĐTĐ chính là sàng lọc, phát hiện sớm BN ĐTĐ thai kỳ ở phụ nữ có thai. Nhiều nghiên cứu cho thấy có mối liên quan giữa ĐTĐ thai kỳ với nguy cơ mắc ĐTĐ về sau ở phụ nữ và ĐTĐ thai kỳ với nguy cơ béo phì và ĐTĐ ở những trẻ do họ sinh ra. Những người này cần được theo dõi định kỳ và giáo dục can thiệp thay đổi lối sống sớm để phòng ĐTĐ xuất hiện.

Theo Dân trí/tieudung24g.net

Tags:
3.8 11 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Tin liên quan

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.11924 sec| 788.875 kb