Ho là một trong những triệu chứng thường gặp ở trẻ em khi mắc viêm họng, viêm amidan, viêm phế quản, viêm phế quản phổi, ho gà, hen phế quản, viêm mũi dị ứng, viêm xoang… với nhiều nguyên nhân khác nhau.
Ở điều kiện sinh lý bình thường, ho là một phản xạ sinh lý có tính bảo vệ cơ thể. Chính nhờ các phản xạ ho, bằng sự thở ra rất mạnh giúp làm sạch đường thở, tống xuất đàm, dịch tiết hoặc vật lạ lọt vào đường hô hấp, giúp nhung mao hô hấp hoạt động tốt. Tuy nhiên, ho quá mức lại trở thành một trạng thái bất lợi cho cơ thể và buộc bệnh nhi phải được sử dụng các biện pháp can thiệp cần thiết.
Trong y học cổ truyền, ho thuộc phạm vi chứng “khái thấu” và được trị liệu bằng nhiều biện pháp khác nhau, trong đó có việc dùng các kinh nghiệm dân gian đã có từ lâu đời.
Rau diếp cá và nước vo gạo trị ho, sốt
Một nắm lá diếp cá, rửa sạch, giã nhuyễn, sau đó trộn đều với một bát nước vo gạo và đun sôi nhỏ lửa khoảng 20 phút. Cuối cùng, lọc lấy nước cho bé uống.
Lá húng chanh lợi phế, thông cổ
Sử dụng một nắm lá húng chanh, rửa sạch, mang thái nhỏ sau đó hấp cùng đường phèn hoặc mật ong. Để nguội rồi cho trẻ uống, mỗi ngày 2 lần.
Cây xương sông trị tiêu đờm, viêm thanh quản
Cây xương sông ngoài tác dụng trị cảm sốt thì còn có công dụng tiêu đờm, trị khản tiếng, viêm thanh quản. Sử dụng lá non xương sông kết hợp với lá hẹ, rửa sạch, thái nhỏ, cho thêm ít đường, hấp cách thủy và trẻ uống nhiều lần trong ngày.
Quất xanh chữa ho do nhiễm lạnh
Dùng quất xanh hấp đường phèn hoặc mật ong sẽ có tác dụng chữa ho do nhiễm lạnh. Sử dụng 2-3 quả quất xanh, rửa sạch, cắt ngang, để nguyên cả vỏ và hạt. Mang quất trộn với đường phèn hoặc mật ong rồi hấp cách thủy đến khi quất chín.