Thứ 7, 05/10/2024, 15:54 PM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Phát triển đội ngũ lãnh đạo nữ và nâng cao tính đa dạng trong giáo dục bậc cao

Phát triển đội ngũ lãnh đạo nữ và nâng cao tính đa dạng trong giáo dục bậc cao
(Tieudung.vn) - Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, tỉ lệ nữ tham gia vào lực lượng lao động tại Việt Nam năm 2019 ở mức cao 72,7%, song số phụ nữ nắm giữ các vị trí lãnh đạo vẫn còn thấp. Nghiên cứu viên từ Đại học RMIT đã đưa ra những nhận định cụ thể về tình hình hiện tại trong giáo dục bậc cao.

Rào cản tiến tới vị trí lãnh đạo đối với phụ nữ trong giáo dục bậc cao

Giảng viên và nghiên cứu viên từ Khoa Kinh doanh và Quản trị Đại học RMIT Tiến sĩ Greeni Maheshwari vừa thực hiện nghiên cứu xác định những rào cản và yếu tố thúc đẩy chính mà lãnh đạo nữ trong các cơ sở giáo dục bậc cao tại Việt Nam đã và đang trải qua. Các lãnh đạo nữ gặp phải các rào cản từ mặt chuyên môn đến cá nhân. “Dù sống trong thời hiện đại, phụ nữ Việt Nam vẫn phải chu toàn trách nhiệm với gia đình do ảnh hưởng của Nho giáo. Chính vì vậy mà họ khó lòng giữ được cân bằng giữa công việc và cuộc sống”, Tiến sĩ Maheshwari .

Phát triển đội ngũ lãnh đạo nữ và nâng cao tính đa dạng trong giáo dục bậc cao

Nghiên cứu “Lãnh đạo nữ trong các cơ sở giáo dục bậc cao ở Việt Nam: Nghiên cứu những rào cản và các yếu tố thúc đẩy nâng cao nghề nghiệp” của Tiến sĩ Greeni Maheshwari đã chỉ ra những rào cản và yếu tố thúc đẩy chính mà lãnh đạo nữ trong các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam đã và đang trải qua.

Thách thức này còn hiển hiện rõ hơn trong giáo dục bậc cao so với các ngành khác vì lãnh đạo nữ phải hoàn tất khối lượng công việc thuộc bốn lĩnh vực khác nhau gồm giảng dạy, giám sát, quản lý và nghiên cứu, trong đó nghiên cứu nói riêng được coi là hướng quan trọng để thăng tiến trong sự nghiệp.

Bà giải thích thêm rằng: “Với phụ nữ, đảm nhận vai trò lãnh đạo cũng đồng nghĩa với việc buộc phải tham gia các cuộc hội họp, bên cạnh khối lượng công việc và trách nhiệm giải trình, trong khi về nhà vẫn phải chăm lo gia đình và con cái. Phụ nữ tiếp tục phải đối mặt với rào cản vì những lý do cá nhân nên họ không muốn làm lãnh đạo vì thiếu tự tin và sợ hy sinh thời gian dành cho gia đình”.

Động lực thúc đẩy lãnh đạo nữ trong giáo dục bậc cao tại Việt Nam

Dù gặp nhiều rào cản, lãnh đạo nữ cũng nhận được nhiều hỗ trợ trong quá trình phát triển sự nghiệp. Hỗ trợ từ cố vấn giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của lãnh đạo nữ thuộc giáo dục bậc cao. “Hỗ trợ và động viên từ cố vấn và quản lý trực tiếp có thể khích lệ phụ nữ thăng tiến trong sự nghiệp”, bà nói. “Phụ nữ cảm thấy thoải mái hơn khi làm việc với cố vấn nữ do lãnh đạo nữ thường có phong cách quản lý gần gũi và điều này có thể giúp mang lại môi trường làm việc tương hỗ tốt hơn”.

“Ngoài trình độ và năng lực cá nhân, hỗ trợ mạnh mẽ từ phía gia đình hoặc người thân cũng sẽ giúp đỡ phụ nữ, và đây được coi là yếu tố mang tính quyết định để họ đảm đương vai trò lãnh đạo” bà chia sẻ. Bà còn gợi ý một yếu tố thúc đẩy khác là “thay đổi tư duy của nhà tuyển dụng đối với lãnh đạo nữ, cũng như thái độ cởi mở của đồng nghiệp nam trẻ tuổi, thể hiện sự chấp nhận đối với lãnh đạo nữ”.

Tiến sĩ Maheshwari cho biết, các cơ sở giáo dục bậc cao tại Việt Nam có thể sử dụng những kết quả từ công trình nghiên cứu của bà để xây dựng các khung chính sách và chương trình nhằm hỗ trợ tạo ra môi trường làm việc đa dạng hơn. “Việc bao hàm các lãnh đạo nữ sẽ rất hữu ích giúp đẩy mạnh đa dạng dàn lãnh đạo trong một tổ chức và điều này sẽ giúp cải thiện năng suất hơn nữa cho tổ chức đó”, bà chia sẻ.

Là một học giả đã và đang nghiên cứu trong lĩnh vực lãnh đạo nữ, Tiến sĩ Maheshwari tin rằng một số giải pháp hỗ trợ sau đây có thể đưa vào thực hiện để giúp lãnh đạo nữ trong các cơ sở giáo dục bậc cao: Thiết lập các chính sách mới, trong đó có việc giảm khối lượng công việc ở một số lĩnh vực như nghiên cứu, giám sát, giảng dạy và quản lý để giúp lãnh đạo nữ cân bằng giữa công việc và cuộc sống; Sắp xếp các sự kiện giao lưu kết nối trong giờ làm việc có thể có lợi cho phụ nữ vì họ không cảm thấy phải hy sinh thời gian dành cho gia đình sau giờ làm việc; Giới thiệu các cơ hội phát triển nghề nghiệp có thể hỗ trợ phụ nữ tìm thấy hoài bão công việc và cá nhân. Điều này có thể giúp họ nâng cao sự tự tin khi đảm nhận các vị trí lãnh đạo trong tương lai; Xây dựng văn hóa làm việc tương hỗ nơi lãnh đạo nữ nhận được sự tôn trọng. Điều này sẽ giúp họ cảm thấy được bao hàm.

Nghiên cứu Lãnh đạo nữ trong các cơ sở giáo dục bậc cao ở Việt Nam: Nghiên cứu khám phá những rào cản và yếu tố thúc đẩy nâng cao nghề nghiệp của Tiến sĩ Maheshwari đã được công bố trên tạp chí Quản lý giáo dục và Lãnh đạo. nghiên cứu có thể là bước đệm để Việt Nam, một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững số 5 của Liên hợp quốc về bình đẳng giới.

Tags:
3.8 19 5 Nhấn vào đây để đánh giá

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.46632 sec| 791.695 kb