Trước thông tin từ các đầu mối mua bán SGK về việc chiết khấu SGK trên thị trường hiện lên đến 11-15%, đại diện NXBGD Việt Nam cho biết, mức chiết khấu này thực chất là chi phí phát hành.
Danh mục sách tham khảo do NXBGD Việt Nam phát hành.
Theo đó, phát hành SGK cũng như phát hành các ấn phẩm sách khác đều phải có chi phí, gồm: đóng gói, vận chuyển, kho bãi, giao hàng... Mức phí phát hành SGK như vậy là rất thấp, đặc biệt là với vùng núi, vùng sâu, vùng xa.
Cũng theo NXB này, giá SGK được cấu thành từ nhiều yếu tố, trong đó tập trung vào 5 yếu tố chính: chi phí tổ chức bản thảo; chi phí nhuận bút; chi phí sản xuất (giấy và công in); chi phí khâu lưu thông (hay còn gọi là chi phí phát hành); chi phí tài chính (hay còn gọi là lãi vay).
Trong đó, chi phí tổ chức bản thảo của một bộ SGK lên tới hàng trăm tỷ đồng. Tổng nhuận bút của 2 bộ SGK "Kết nối tri thức với cuộc sống" và "Chân trời sáng tạo" của NXBGD Việt Nam hàng năm ở mức gần 70 tỷ đồng.
Ngoài ra, chi phí sản xuất cũng lên tới hàng ngàn tỷ đồng (bao gồm giấy và công in), trong khi chi phí sản xuất hiện nay của NXBGD Việt Nam hoàn toàn dựa vào vốn vay ngân hàng. Chi phí cho khâu lưu thông hoặc phí phát hành cũng là những khoản chi phí rất lớn.
Hiện nay, việc tổ chức biên soạn, in ấn, phát hành SGK không phải độc quyền của NXBGD Việt Nam. Tổng cộng có 7 NXB được Bộ TT&TT cấp phép xuất bản SGK, nhưng chỉ có 6 NXB tham gia xuất bản.
Cũng theo đại diện NXBGD Việt Nam, quy trình làm SGK của đơn vị này phải trải qua 8 bước: xây dựng tác giả; xây dựng mô hình (đề cương tổng thể, đề cương chi tiết, biên soạn bài mẫu, dạy thực nghiệm); biên soạn bản thảo thô, góp ý điều chỉnh bản thảo tác giả. Tiếp đến là biên tập thiết kế; thẩm định nội bộ đọc, rà soát ý kiến chuyên gia thẩm định; thẩm định quốc gia hai vòng; giới thiệu sách; tập huấn giáo viên sử dụng sách; cung ứng sách giáo khoa.
Cấu thành giá của SGK, có rất nhiều chi phí (như đã nêu). Theo quy định, đơn vị này và các đơn vị xuất bản SGK khác đều phải kê khai giá trên cơ sở các chi phí cấu thành giá và phải được Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) phê duyệt.
NXBGD Việt Nam cũng cho hay, lợi nhuận của NXB không phải từ SGK mà chủ yếu từ các sách khác như: sách bổ trợ, sách tham khảo…