Thứ 6, 22/11/2024, 03:24 AM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Cân nhắc việc cấp chứng chỉ hành nghề giáo viên

Cân nhắc việc cấp chứng chỉ hành nghề giáo viên
(Tieudung.vn) - Dự thảo Luật Nhà giáo có nhiều điểm mới, được đánh giá cao ở sự tiến bộ, giúp nâng cao vị thế của nhà giáo.

Tuy nhiên, liên quan đến việc cấp chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo vẫn có không ít băn khoăn, lo ngại rằng, liệu chứng chỉ này có gây phiền hà, tốn kém cho nhà giáo và cho hay không?

Những cái “được” của chứng chỉ hành nghề

Một trong những quy định được nêu trong dự thảo Luật Nhà giáo là quy định về Chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo. chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo là văn bản xác nhận tư cách nhà giáo do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho người đạt tiêu chuẩn chức danh nhà giáo theo quy định. Chứng chỉ này có giá trị sử dụng trong toàn quốc và quốc gia khác theo chương trình hợp tác quốc tế với Việt Nam. Mỗi nhà giáo được cấp 1 hoặc hơn 1 chứng chỉ hành nghề.

Cân nhắc việc cấp chứng chỉ hành nghề giáo viên

Giáo viên Trường Tiểu học Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy trong giờ dạy tiếng Việt. Ảnh: Phạm Hùng

Đây là lần đầu tiên, việc định danh nhà giáo gắn với đặc thù nghề nghiệp được quy định một cách đầy đủ, hệ thống, làm cơ sở cho việc chuẩn hóa và đề xuất các quy định chế độ, chính sách đối với nhà giáo.

Theo Tiến sĩ Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT, chứng chỉ hành nghề cơ bản sẽ có tác động tích cực đối với nhà giáo và cơ sở giáo dục. Cụ thể, chứng chỉ hành nghề tạo thuận lợi cho nhà giáo nếu có những thay đổi nơi hoạt động nghề nghiệp. Chứng chỉ hành nghề có giá trị sử dụng toàn quốc nên dù nhà giáo dạy học cũng không cần phải thực hiện lại chế độ tập sự; giảm được thủ tục cho nhà giáo khi: thuyên chuyển và ký hợp đồng làm việc không thời hạn, hợp đồng có thời hạn, thỉnh giảng hoặc dạy liên trường; khi nhà giáo thuyên chuyển từ cơ sở giáo dục công lập sang cơ sở giáo dục ngoài công lập hoặc ngược lại; khi nhà giáo đã nghỉ hưu nhưng vẫn tham gia giảng dạy theo nhu cầu của cơ sở giáo dục.

Chứng chỉ hành nghề có giá trị bảo đảm đồng đều về chất lượng dạy học và giáo dục giữa các cơ sở giáo dục; bảo đảm nhiều yêu cầu của hội nhập quốc tế, giúp việc trao đổi nhà giáo giữa các nước được thuận tiện, nhất là việc kiểm soát chất lượng của những người nước ngoài vào hoạt động giáo dục tại Việt Nam.

Chứng chỉ hành nghề nhằm nâng tầm vị thế, vai trò của nhà giáo khi nhà giáo được phân biệt với nghề khác, đặc biệt phân biệt giữa người đủ tư cách dạy học với những người không đủ tư cách dạy học nhưng tự nhận là "nhà giáo", và hiện tượng này đang rất phổ biến, nhất là trên mạng xã hội.

Cũng theo TS Vũ Minh Đức, để không gây xáo trộn khi áp dụng quy định về chứng chỉ hành nghề, dự thảo Luật Nhà giáo đã tính toán phương án chuyển tiếp thuận lợi cho 1,6 triệu nhà giáo đã được tuyển dụng vào ngành trước khi Luật có hiệu lực sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề mà không cần đánh giá sát hạch. Những nhà giáo đã nghỉ hưu nếu có nguyện vọng cũng được sát hạch để cấp chứng chỉ hành nghề để ghi nhận sự cống hiến cho sự nghiệp giáo dục hoặc sử dụng để tiếp tục hoạt động nghề nghiệp. Ngoài ra, nhà giáo nước ngoài nếu đáp ứng điều kiện theo quy định của cơ quan có thẩm quyền và có nhu cầu, trải qua kỳ sát hạch cũng được cấp chứng chỉ.

Nhà giáo Đỗ Thị Bích Hòa, giáo viên Trường Tiểu học Thạch Xá, huyện Thạch Thất bày tỏ: “Chứng chỉ hành nghề sẽ tạo nhiều thuận lợi và bảo vệ quyền lợi cho giáo viên; cũng là minh chứng dễ dàng nhất để biết được một người nào đó là nhà giáo. Có chứng chỉ hành nghề, vị thế của nhà giáo chắc chắn được nâng lên”.

Với hơn 30 năm trong ngành giáo dục, TS Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch Hội đồng Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) ủng hộ việc cấp chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo bởi theo ông, muốn được công nhận là giáo viên thì sau khi học ngành sư phạm ra còn cần tiếp tục có công tác đào tạo, bồi dưỡng.

Vẫn băn khoăn, vì sao?

Bên cạnh ý kiến đồng tình thì vẫn còn không ít băn khoăn về sự cần thiết, tính khả thi của chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo. Đáng lưu ý, những ý kiến này không chỉ đến từ người công tác ngoài ngành, mà còn từ rất nhiều người đã, đang và sẽ công tác trong ngành giáo dục hoặc trực tiếp làm nghề giáo viên.

Băn khoăn đầu tiên là liệu chứng chỉ hành nghề nhà giáo có làm phát sinh chi phí và thủ tục hành chính hay không? Hiện chưa có căn cứ chính xác để trả lời câu hỏi này nhưng theo quy định tại dự thảo, những nhà giáo được tuyển dụng vào các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục đạt chuẩn nhà giáo sau ngày Luật có hiệu lực thi hành sẽ phải trải qua một kỳ sát hạch và nếu đạt yêu cầu mới được cấp chứng chỉ hành nghề. Một kỳ sát hạch thì đương nhiên có đơn vị tổ chức, có đề sát hạch, có hội đồng sát hạch và có chi phí. Do vậy, phát sinh thủ tục, chi phí là điều được .

Đề cập đến khía cạnh khác, cô giáo Đinh Thị Hà, trú tại tỉnh Thái Nguyên , điều cô lo ngại khi nhắc đến chứng chỉ hành nghề nhà giáo, đó là mất thời gian. “Sát hạch thường thiên về lý thuyết hoặc điều luật; hơn nữa, khả năng phải đi học lớp bồi dưỡng rồi mới được sát hạch. Vậy các thầy cô mất bao lâu để có được chứng chỉ?” - cô Hà nói.

Nêu quan điểm về vấn đề này, cô Nguyễn Ngọc Linh, giáo viên Trường THPT Nguyễn Trãi, quận Ba Đình, Hà Nội cho rằng, vẫn phải xem xét thấu đáo, kỹ lưỡng trước khi quyết định cấp chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo hoặc có thể quy định đối tượng nào cần phải qua kỳ sát hạch để được cấp chứng chỉ hành nghề, ví như: người không học chuyên ngành sư phạm nhưng đi giảng dạy; người nước ngoài giảng dạy tại Việt Nam; giáo viên về hưu có nhu cầu….; còn những sinh viên tốt nghiệp đại học ngành sư phạm phải được cấp chứng chỉ mà không cần trải qua sát hạch.

Hiện dự thảo Luật Nhà giáo vẫn trong giai đoạn xin ý kiến của các bộ, ngành, địa phương. Không ít bộ, ngành cho rằng phải xem xét kỹ việc này vì có thể gây tốn kém, phiền hà. Đơn cử, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội cho rằng việc cấp giấy phép cho 1,6 triệu nhà giáo hiện nay là "rất khó khăn". Bộ Nội vụ đề nghị cân nhắc sự cần thiết, tính khả thi và đánh giá tác động cụ thể về quy định cấp chứng chỉ hành nghề với nhà giáo.

Trong khi đó, các bộ: Công Thương, Xây dựng, Văn hóa Thể thao và Du lịch cho rằng không nên có giấy phép này bởi "phức tạp, không cần thiết", phát sinh thêm thủ tục tục hành chính với nhà giáo và cơ quan quản lý. Các bộ cũng lo ngại loại giấy phép mới gây tốn kém, khó khăn trong tuyển dụng, nguy cơ tạo ra giấy phép con, khó thu hút, trọng dụng nhân tài… Theo kế hoạch, dự thảo Luật Nhà giáo sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp tháng 10.

Sinh viên sư phạm thường có điểm thi đầu vào rất cao. Sau 4 năm học trong trường sư phạm, các em được đào tạo kỹ kiến thức nền tảng, được trang bị chuyên sâu về kỹ năng, phương pháp giảng dạy. Không những vậy, ngay từ năm thứ 2, sinh viên đã tham gia các chương trình kiến tập; năm thứ 4 phải qua thực tập 3 tháng, trực tiếp đứng lớp giảng dạy. Như vậy, sinh viên tốt nghiệp Đại học Sư phạm đã hoàn toàn đủ năng lực, đủ tiêu chuẩn để được cấp chứng chỉ hành nghề với nhà giáo.
Nhà giáo Nguyễn Ngọc Linh, giáo viên Trường THPT Nguyễn Trãi, quận Ba Đình, Hà Nội.

Theo Bộ GD&ĐT, trong năm 2023, Bộ GD&ĐT đã tổ chức hơn 100 cuộc họp chuyên môn, hội thảo xin ý kiến chuyên gia trong và ngoài ngành với các quy mô khác nhau; tổ chức khảo sát, lấy ý kiến của 547.786 nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp học mầm non, phổ thông, đại học và giáo dục nghề nghiệp phục vụ phân tích, đánh giá để hoàn thiện các chính sách trong dự thảo Luật Nhà giáo.

Tags:
4.1 7 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Tin liên quan

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.03502 sec| 820.75 kb