Bộ chọn qua, UBND tỉnh duyệt lại
Việc tổ chức lựa chọn SGK xã hội hóa thời gian qua thực hiện lần lượt theo quy định tại 3 thông tư. Cụ thể, Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT do Bộ GD&ĐT ban hành ngày 30/1/2020 quy định quyền quyết định lựa chọn SGK là của các cơ sở giáo dục phổ thông. 8 tháng sau, tại Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT ban hành ngày 26/8/2020 thay thế Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT, Bộ GD&ĐT nêu rõ: Hội đồng lựa chọn SGK do UBND cấp tỉnh thành lập, giúp UBND cấp tỉnh tổ chức lựa chọn SGK thay vì giao cho mỗi nhà trường. Đến ngày 28/2/2023, Bộ GD&ĐT lại ban hành Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT quy định việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông với một số nội dung mới.
Nhiều ý kiến đề xuất nên rút gọn quy trình lựa chọn sách giáo khoa để giảm tốn kém và tạo thuận lợi cho các đơn vị. Ảnh: Hà Bình
Theo đó, quyền phê duyệt danh mục lựa chọn SGK của các cơ sở giáo dục tại địa phương là trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trên cơ sở danh mục SGK được Bộ GD&ĐT phê duyệt trước đó. Quy trình gồm các bước: Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt danh mục SGK được sử dụng.
Tiếp đó, mỗi cơ sở giáo dục thành lập 1 Hội đồng lựa chọn SGK của đơn vị mình. Hội đồng tiến hành họp, thảo luận, đánh giá, lựa chọn SGK và thông qua Chủ tịch Hội đồng cơ sở. Kết quả lựa chọn được gửi về Phòng GD&ĐT (đối với cấp tiểu học và THCS)/Sở GD&ĐT (đối với cấp THPT).
Phòng/Sở thẩm định hồ sơ lựa chọn SGK của các cơ sở giáo dục; tổng hợp kết quả, lập danh mục SGK gửi Sở GD&ĐT. Căn cứ vào kết quả lựa chọn do Sở GD&ĐT trình, UBND cấp tỉnh quyết định phê duyệt danh mục SGK, đồng thời đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Theo Bộ GD&ĐT, với quy định tại Thông tư 27, lần đầu tiên Bộ huy động số lượng thành viên tham gia Hội đồng quốc gia thẩm định SGK đông đảo với trên 1.400 người đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, học viện và các trường phổ thông từ các vùng miền để tham mưu cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt.
Nhìn ở góc độ tích cực có thể thấy, việc chọn SGK được thực hiện với quy trình chặt chẽ, tôn trọng và phát huy trí tuệ giáo viên, tạo điều kiện cho giáo viên chủ động lựa chọn SGK phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và tổ chức giảng dạy tại địa phương.
Quá trình lựa chọn SGK giúp địa phương, cơ quan quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục năng động, trách nhiệm hơn đối với hoạt động dạy và học. Kết quả lựa chọn SGK tại Hội đồng các môn học trùng khớp với SGK được các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn nhiều nhất.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng, quy trình như vậy là rắc rối và bất cập vì loanh quanh, mất công và mất 2 lần chi phí thẩm định (Bộ, TP); điều này không chỉ gây tốn kém mà còn làm mất thời gian của nhiều phía.
Đề xuất rút ngắn quy trình
Tại Hội nghị đánh giá công tác xã hội hóa biên soạn SGK giai đoạn 2018 - 2024 do Bộ GD&ĐT tổ chức trung tuần tháng 12/2024, nhiều cán bộ quản lý đề xuất giao thẩm quyền phê duyệt danh mục SGK sử dụng tại địa phương cho Sở GD&ĐT, thay vì UBND cấp tỉnh như hiện nay.
Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam Thái Viết Tường cho biết, một trong những khó khăn lựa chọn SGK là quy trình tham mưu UBND tỉnh phê duyệt cần có thời gian, hồ sơ nhiều (báo cáo, thuyết minh, danh mục SGK từng trường…) nên ảnh hưởng đến công tác triển khai. Vì vậy, ông Thái Viết Tường đề xuất giao Sở GD&ĐT phê duyệt danh mục SGK sử dụng trên địa bàn tỉnh.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang Trần Tuấn Khanh chia sẻ, địa bàn tỉnh có số lượng cơ sở giáo dục lớn với 307 trường tiểu học, 155 trường THCS, 54 trường THPT, 9 trung tâm giáo dục thường xuyên, dẫn đến việc tham mưu UBND tỉnh ra quyết định phê duyệt danh mục cho từng đơn vị gặp khó khăn. Để thuận tiện, ông cho rằng nên giao trách nhiệm chọn lựa sách về Sở GD&ĐT.
Từ thực tiễn lựa chọn SGK tại cơ sở giáo dục, bà Trần Thị Bích Hạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Hạ Hòa (huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) cũng tán thành phương án giao Sở GD&ĐT ban hành quyết định lựa chọn SGK cho địa phương mình.
Theo cô Trần Thị Bích Hạnh, Sở GD&ĐT là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh quản lý Nhà nước về giáo dục - đào tạo ở địa phương theo quy định của pháp luật và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định. Sở GD&ĐT căn cứ vào điều kiện thực tế tại địa phương, tiêu chí, tiêu chuẩn về việc lựa chọn SGK để hướng dẫn các phòng GD&ĐT, cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý có những nghiên cứu, đề xuất lựa chọn SGK chất lượng, phù hợp nhất.
“Thực tế hiện nay, theo Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT, Sở GD&ĐT là cơ quan tham mưu UBND tỉnh trong phê duyệt quyết định danh mục SGK. Nếu chuyển chức năng này cho sở sẽ tăng tính chủ động, giảm bớt quy trình mà vẫn bảo đảm chất lượng lựa chọn” - bà Trần Thị Bích Hạnh cho biết.
Ngoài đề xuất trên, các ý kiến cũng cho rằng, để làm tốt hơn việc lựa chọn SGK, cơ sở giáo dục và giáo viên cần nghiêm túc nghiên cứu để lựa chọn được những đầu SGK chất lượng, phù hợp nhất cho địa phương mình. Trong quá trình giảng dạy, thầy cô giáo cần liên tục rút kinh nghiệm, cho ý kiến để các bộ sách tiếp tục hoàn thiện, bổ sung cho phù hợp hơn.
Về phía các nhà xuất bản, cần cung cấp các bản SGK hoàn chỉnh để cơ sở giáo dục, giáo viên nghiên cứu. Bên cạnh đó, hiện chưa đề cập đến quy định trang bị các loại sách tham khảo tại thư viện; quy định lựa chọn đối với sách bài tập còn đang bỏ ngỏ; SGK về nội dung giáo dục địa phương cũng chưa rõ ràng… Vì vậy, Bộ GD&ĐT cùng các đơn vị cần tập trung vào các nội dung này để công tác dạy và học tại các nhà trường được triển khai thuận lợi.
Theo Bộ GD&ĐT, hàng năm, Bộ ban hành kế hoạch và chỉ đạo thực hiện thanh tra, kiểm tra, trong đó tập trung chủ yếu việc lựa chọn SGK tại các địa phương. Trong giai đoạn 2020 - 2024, Bộ tổ chức thanh tra, kiểm tra kết quả thực hiện, việc triển khai nhiệm vụ đầu năm học đối với các Sở GD&ĐT với một số nội dung liên quan đến công tác xã hội hóa SGK. Bộ GD&ĐT đã tiến hành 10 cuộc thanh tra, 36 cuộc kiểm tra theo kế hoạch và 3 cuộc thanh tra đột xuất tại 6 tỉnh, TP về việc triển khai thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và lựa chọn SGK tại các địa phương. |