Thứ 7, 05/10/2024, 22:26 PM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Nâng chất giáo viên dạy tiếng Anh

Nâng chất giáo viên dạy tiếng Anh
(Tieudung.vn) - Mới đây, Hà Nội tổ chức khai giảng khóa đào tạo tiếng Anh nâng chuẩn IELTS cho 1.900 giáo viên đang dạy tiếng Anh tại các trường phổ thông và trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn TP.

Giáo viên theo học là những người đã đạt chuẩn theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Đương nhiên, các giáo viên này đã từng học đại học, cao đẳng môn tiếng Anh.

Nói như vậy để thấy, số giáo viên nói trên là những người có trình độ tiếng Anh ở một mức khá cao, vì được học ở các trường chuyên nghiệp, đạt năng lực qua một chứng chỉ khá khó là khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc như đã nói.

Tuy nhiên, tại sao họ lại phải học thêm chương trình IELTS ? Trước hết, chứng chỉ quốc tế này có độ uy tín cao, có nghĩa là năng lực đến đâu điểm số đến đấy (cao nhất là 9.0). Thứ nữa, chứng chỉ này đánh giá được khá toàn diện năng lực người học, gồm 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết.

Trong các nhà trường trước đây, học sinh - sinh viên học ngoại ngữ chủ yếu học các kỹ năng đọc, viết, thiên về ngữ pháp; các kỹ năng nghe, nói không được chú trọng và không có trong thi học kỳ hay cuối năm. Những sinh viên học ngoại ngữ như vậy khi ra trường nếu đi dạy thì cũng chỉ chú trọng dạy ngữ pháp, cấu trúc bài giảng là học từ mới, học bài mới với đoạn văn ngắn, phân tích cấu trúc câu… Học sinh thi cũng không có phần nghe nói. Lâu dần chính những thầy cô này cũng… quên cách nghe, nói.

Cứ như vậy, nhiều thế hệ học ngoại ngữ, nhiều nhất là tiếng Anh, học có thể đọc hiểu nhưng không thể giao tiếp. Vì vậy, các trung tâm Anh ngữ ra đời là tiếp phần còn lại, giúp học sinh có đủ 4 kỹ năng như đã nói và họ… kiếm bộn tiền.

May mắn rằng, sinh viên ngành ngoại ngữ hiện nay đa số là từng theo học từ các trung tâm và khi ra trường học khá đồng đều về 4 kỹ năng cần thiết cho môn này. Do đó, nếu được đào tạo thêm theo chương trình IELTS, họ sẽ có đủ năng lực để giúp học trò học ngoại ngữ một cách đúng nghĩa.

Nếu được như vậy, cha mẹ học sinh bớt được khá nhiều tiền vì không phải cho con em mình đi học trung tâm ngoại ngữ. Một phụ huynh nói: “Con tôi hằng năm phải tốn gần 10 triệu đồng cho học tiếng Anh online ở một trung tâm tại TP Hồ Chí Minh. Nay nếu giáo viên ở trường phát âm chuẩn thì mừng quá”.

Việt Nam đang hướng tới từng bước đưa tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai. Đây là bước đi đúng hướng thích hợp. Suy nghĩ là AI có thể làm phiên dịch thay người nên không cần học ngoại ngữ là lệch lạc. Bởi học ngoại ngữ là học thứ tiếng mới, văn hóa và tư duy khác biệt; có phương tiện để chủ động tìm kiếm và thu nhận kiến thức của đất nước khác, dân tộc khác.

Việc Hà Nội tập trung vào đội ngũ giáo viên tiếng Anh thông qua việc mở khóa đào tạo nâng chuẩn IETLS quốc tế là hướng đi đúng đắn, đáng mừng. Suy cho cùng, mọi sự cải cách về giáo dục phải được bắt đầu từ đội ngũ giảng dạy, chỉ khi đội ngũ này mạnh thì mọi sự mới có thể chuyển biến, nhất là về chất lượng, trong môn học tiếng Anh cũng vậy.

Tags:
4.4 27 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Tin liên quan

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
0.91857 sec| 784.664 kb