Theo trang Box Office Vietnam (trang thống kê phòng vé Việt độc lập) tính đến hiện tại, phim "Mai" đã thu về hơn 345 tỉ đồng. Tác phẩm chính thức ra rạp từ ngày 10/2 (mùng 1 Tết) và liên tục dẫn đầu doanh thu phòng vé trong suốt thời gian qua. Với lượng người xem đông đảo, dự kiến phim "Mai" nhiều khả năng vượt qua "Nhà bà Nữ" - phim trước đó cũng do Trấn Thành đạo diễn, để trở thành tác phẩm doanh thu cao nhất lịch sử điện ảnh Việt.
Tuấn Trần và Phương Anh Đào trong phim "Mai". Nguồn ảnh: Vietnamnet
Những kỷ lục mà "Mai" xác lập thời gian qua là: "Phim Việt có doanh thu ngày đầu công chiếu cao nhất" lịch sử điện ảnh Việt tính đến hiện tại với 225.000 vé, thu về 23,3 tỉ đồng; phim chạm mốc 120 tỉ đồng nhanh nhất lịch sử điện ảnh Việt tính đến hiện tại chỉ với 4 ngày, ghi nhận doanh thu kỷ lục 38 tỉ đồng chỉ trong 1 ngày; phim vượt mốc 2,2 triệu lượt vé bán ra nhanh nhất lịch sử điện ảnh Việt tính đến hiện tại; phim chạm mốc 300 tỉ đồng nhanh nhất lịch sử điện ảnh Việt tính đến hiện tại…
Sau Mai, đạo diễn cho biết đang ấp ủ dự án mới - dự kiến ra mắt Tết năm 2025. "Phim sẽ không dán nhãn 18+ nữa, mà là một tác phẩm mọi người đều có thể dắt cả gia đình đi xem", anh nói.
Trấn Thành cho biết khi theo đuổi dự án suốt ba năm. Trước khi phim ra rạp, anh áp lực vì chưa biết khán giả sẽ đón nhận phim ra sao, do kịch bản nặng về tâm lý hơn Nhà bà Nữ hay Bố già.
Mai khai thác chủ đề tình yêu "chị em" lệch tuổi, khoảng cách giàu - nghèo, nam nữ chính đối mặt nhiều thử thách, kèm nhiều câu thoại triết lý về tình yêu, cuộc sống. Đề tài này đã có rất nhiều trên màn ảnh Việt Nam, Hàn Quốc, nhưng vì sao vẫn hút khách?
Nhiều khán giả đánh giá việc Trấn Thành chọn nhân vật nữ chính là người yếu thế, khát khao có được tình yêu ở độ tuổi gần 40, cho thấy sự thông minh của nam nghệ sĩ. Ở góc độ tâm lý đám đông, khán giả sẽ có cảm xúc mạnh, dễ khóc, dễ cười, dễ cổ vũ, đồng cảm và bênh vực nhân vật.
Chuyên gia Nguyễn Phong Việt cho biết, nội dung của Mai không mới mẻ, thậm chí dễ đoán. Tuy nhiên, đề tài phim về tình yêu có biên độ rất rộng. Dù điện ảnh đã khai thác nhiều, nhưng nó vẫn là chủ đề thú vị nếu đạo diễn biết kể một câu chuyện hay.
"Theo tôi, Trấn Thành biết cách làm khán giả khóc cười với số phận nhân vật. Ở đây, khóc, cười đều tự nhiên chứ không phải khiên cưỡng, gượng ép. Ví dụ, phần kết của Mai khi nhân vật nữ chính khóc tức tưởi, ở góc độ chuyên môn, theo tôi đó là cảm xúc không phù hợp với đường dây mà phim đã xây dựng cho nhân vật, cảnh kết của phim không "đã".
Nhưng nhiều người thích cảnh đó, cảm thấy "vỡ òa" vì đồng cảm với nhân vật, cho thấy Trấn Thành làm tốt việc nhìn vào cảm xúc của số đông khán giả", ông Việt nói thêm.
Ông Việt cho rằng vẫn có những lỗi logic trong kịch bản, cách khai thác nhân vật trong phim... Song, phần lớn người xem đều không thấy tiếc tiền, phí thời gian hay cho rằng mình bị đạo diễn "lừa" bởi tác phẩm vừa vặn với gu thưởng thức số đông.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có ý kiến cho rằng việc Mai thắng lớn doanh thu là nhờ "một mình một ngựa" trên đường đua dịp Tết. Khán giả không có lựa chọn nào khác để xem vì Trấn Thành gần như "độc chiếm" phòng vé.