Thứ 2, 09/09/2024, 06:13 AM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Danh hài Hoài Linh có vi phạm pháp luật khi “ngâm” tiền quyên góp từ thiện?

Danh hài Hoài Linh có vi phạm pháp luật khi “ngâm” tiền quyên góp từ thiện?
(Tieudung.vn) - Sau khi mạng xã hội lên tiếng việc Nghệ sỹ Ưu tú Võ Nguyễn Hoài Linh (Danh hài Hoài Linh) không đi làm từ thiện sau 6 tháng chốt sổ số tiền mình kêu gọi quyên góp được hơn 13,4 tỷ đồng (Từ 20/10/2020 - 11/11/2020), đã có nhiều tranh cãi.

Tối 24/5, danh hài Hoài Linh gửi clip để trả lời trên một số báo, cho rằng thời gian qua có liên hệ một số cơ quan địa phương để trao một phần hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Còn trước đó vào sáng cùng ngày, danh hài này trả lời trên các báo cho rằng vào dịp Tết Nguyên đán đã lên kế hoạch đi trao tiền cứu trợ cho người dân miền Trung bị nạn bởi lũ. Nhưng vào thời điểm Tết, dịch Covid-19 bùng phát nên phải hoãn đi trao và dời sang thời gian từ ngày 10/5 - 17/5, cuối cùng vẫn chưa thực hiện vì dịch lại bùng phát đợt 4.

Với lý do của danh hài Hoài Linh đưa ra vì dịch Covid-19 bùng phát nên chưa thể tổ chức đi trao. Nhiều người đã không chấp nhận và cho rằng tại sao vào ngày 19/1/2021 (tức ngày 7 tháng Chạp năm Canh Tý) nghệ sỹ này vẫn cùng nhãn hàng mình ra tỉnh Điện Biên để trao 500 phần quà? Chẳng lẽ thời điểm này không có dịch?

Danh hài Hoài Linh có vi phạm pháp luật khi “ngâm” tiền quyên góp từ thiện?

Nghệ sỹ Hoài Linh và ông Võ Hoàng Yên là 2 nhân vật bị bà Nguyễn Phương Hằng - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đại Nam chỉ trích trong các livestream.

Một số người khác lại cho rằng dịch bùng phát dịp Tết Nguyên đán và vào tháng 5/2021, vậy tại sao khoảng giữa thời gian này, danh hài Hoài Linh không tổ chức đi cứu trợ đồng bào miền Trung? Chỉ đến khi bị bà Nguyễn Phương Hằng - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đại Nam chỉ trích trong các livestream vì không chịu lên tiếng về mối quan hệ với ông Võ Hoàng Yên. Sau đó, mạng tiếp tục đưa việc đã “chốt hạ” khoản tiền quyên góp nhưng vẫn chưa có động thái gì thể hiện đi cứu trợ, Hoài Linh vẫn không lên tiếng. 

Liên quan đến hình ảnh sao kê giao dịch Hoài Linh chuyển khoản 14 tỷ đồng cứu trợ miền Trung đến Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xuất hiện trên mạng xã hội những ngày vừa qua, ngày 25/5, đại diện của Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam xác nhận với PV báo Kinh tế & Đô thị rằng, không hề có chuyện nghệ sĩ Hoài Linh chuyển 14 tỷ đồng tiền cứu trợ miền Trung đến Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

“Chúng tôi sẽ có văn bản chính thức để đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý vụ việc. Xử lý ở đây là xử lý các cá nhân làm giả mạo hình ảnh chuyển khoản, rồi tung lên mạng làm rối loạn ảnh hưởng đến Mặt trận”, vị đại diện của Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam nói.

Đặc biệt vào tối 21/5, trên mạng xã hội tiếp tục xuất hiện hình ảnh chuyển khoản thành công 14 tỷ đồng tới số tài khoản của Tổ chức từ thiện - Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam mà ở phần “Hoàn cảnh ủng hộ” có ghi “Nghệ sỹ Hoài Linh ủng hộ miền Trung chống lũ” vào chiều 5/12/2020, giao dịch tại ngân hàng Vietcombank. Điều này khiến dư luận càng nghi ngờ vì nhân viên của “Đường dây nóng” ngân hàng Vietcombank khẳng định với phóng viên báo Kinh tế và Đô thị, số tiền tối đa khách hàng được chuyển khoản online trong một ngày là 6 tỷ đồng, kể cả làm từ thiện. Và như vậy, có thể khẳng định hình ảnh chuyển khoản thành công của danh hài Hoài Linh gửi đến UBMTTQ Việt Nam số tiền 14 tỷ đồng là giả mạo.

Luồng dư luận khác khẳng định danh hài Hoài Linh đã vi phạm Nghị định 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ về “Vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bện nhân mắc bệnh hiểm nghèo”. Cụ thể tại khoản 3 điều 7 (Thời gian vận động đóng góp, tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ), quy định: “Thời gian phân phối tiền, hàng cứu trợ được thực hiện ngay trong quá trình vận động đóng góp và kết thúc chậm nhất không quá 20 ngày, kể từ ngày kết thúc thời gian vận động đóng góp…”.

Còn tại điều 5 Nghị định 64/2008 (Các tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ), quy định: “1 - UBMTTQ Việt Nam; Hội chữ thập đỏ Việt Nam; Cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương; UBMTTQ Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương. 2 - Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện quy định tại Nghị định số 148/2007/NĐ-CP ngày 25/9/2007 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện. 3 - Các tổ chức, đơn vị ở Trung ương được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho phép; Các tổ chức, đơn vị ở địa phương được UBMTTQ Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép. Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ. 4 - Đối với các cơ quan, tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ của tập thể, cá nhân thuộc đơn vị mình đóng góp để cứu trợ đồng bào, các địa phương bị thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 điều 9 Nghị định này”.

Danh hài Hoài Linh có vi phạm pháp luật khi “ngâm” tiền quyên góp từ thiện?

Hình ảnh thể hiện nghệ sỹ Hoài Linh chuyển khoản 14 tỷ đồng được lan truyền trên mạng xã hội là giả mạo.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về sự việc danh hài Hoài Linh sau khi nhận tiền hỗ trợ từ các mạnh thường quân đã không chuyển cứu trợ, có vi phạm pháp luật hay không? Có dấu hiệu lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hay không? Luật sư Dương Vĩnh Tuyến - Trưởng Văn phòng Luật sư Dương Chí (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước), nói: “Về việc phát động, kêu gọi cứu trợ, hỗ trợ các nạn nhân gặp thiên tại dịch họa, hiện nay được điều chỉnh bởi Nghị định 64/2008. Tuy nhiên Nghị định 64/2008 không áp dụng đối với các trường hợp kêu gọi quyên góp làm từ thiện do cá nhân thực hiện. Do đó, việc Hoài Linh sau khi nhận tiền hỗ trợ cứu trợ từ các mạnh thường quân, đã không kịp thời chuyển đến những nơi cần cứu trợ, là không vi phạm Nghị định 64. Và việc nghệ sỹ Hoài Linh ngâm tiền cứu trợ cũng không có dấu hiệu lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Bởi theo điều 175 Bộ luật năm 2015, thì tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có các hành vi “Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt hoặc đến hạn trả lại tài sản dù có điều kiện nhưng không trả; Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và sử dụng tài sản dó vào mục đích bất hợp pháp dẫn dến không có khả năng trả nợ”. Ở đây, số tiền hơn 13 tỷ đồng mà nghệ sỹ Hoài Linh có được không phải do vay, mượn, thuê…, mà do các nhà hảo tâm, mạnh thường quân gửi để làm từ thiện. Khi các nhà hảo tâm, mạnh thường quân gửi (ủy thác) cho Hoài Linh, đồng nghĩa họ đã cho người khác”.

Cũng theo Tuyến, hiện nay không có văn bản pháp luật nào cấm cá nhân nhận sự ủy thác chuyển tiền (trừ trường hợp tiền không rõ nguồn gốc, hoặc hoạt động phi pháp). Đây là một quan hệ dân sự, nghệ sỹ Hoài Linh tự chịu trách nhiệm với các khoản giao - nhận, và công khai tài chính nếu những người ủy thác có yêu cầu.

Danh hài Hoài Linh có vi phạm pháp luật khi “ngâm” tiền quyên góp từ thiện?

Dân miền Trung bị thiệt hại do lũ lụt có cần...nhưng Hoài Linh chưa vội...!

Cùng vấn đề này, Luật sư Lê Ngô Trung, Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh, cho biết: Tuy nghị định 64/2008/NĐ-CP có quy định về “thời gian vận động đóng góp, tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ”. Theo đó, việc phân phối tiền, hàng cứu trợ được thực hiện ngay trong quá trình vận động đóng góp và kết thúc chậm nhất không quá 20 ngày, kể từ ngày kết thúc thời gian vận động đóng góp; đồng thời cũng quy định nghiêm cấm sử dụng nguồn tiền-hàng này sai mục đích dưới bất kỳ hình thức nào. Thế nhưng, nghị định này không áp dụng cho trường hợp cá nhân đứng ra kêu gọi quyên góp.

Do đó, việc cá nhân đứng ra kêu gọi để quyên góp này phải được hiểu là giao dịch dân sự, trong đó người dân thông qua và ủy quyền cho cá nhân để thực hiện việc chuyển tiền và hàng đến người dân bị lũ lụt. Ngược lại, trong trường hợp một phần (hoặc toàn bộ) số tiền này đã bị sử dụng vào mục đích khác thì hoàn toàn có căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự theo Điều 174 Bộ luật hình sự về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Lúc này, cho dù số tiền sử dụng sai mục đích đã được hoàn trả lại thì cũng chỉ xem là việc khắc phục hậu quả của hành vi trên.

Bên cạnh đó, Luật sư Trung cũng lưu ý thêm, bản chất của việc cứu trợ là nhanh chóng, kịp thời với nhu cầu cấp thiết của nạn nhân. Nếu thiên tai, bão lụt … đã xảy ra quá lâu, hậu quả về vật chất cơ bản đã được và khắc phục, đã bình ổn trở lại, thì việc cứu trợ sẽ không còn ý nghĩa như ban đầu, người bị nạn cũng khó để tiếp nhận. Vì vậy, qua sự việc này, Nhà nước cũng cần ban hành quy định về thời gian thực hiện sau khi kết thúc vận động đối với cá nhân để tránh sự việc đáng tiếc hoặc hành vi trục lợi (nếu có) xảy ra.

Tags:
4.1 23 5 Nhấn vào đây để đánh giá

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.05001 sec| 824.211 kb