Chủ nhật , 24/11/2024, 18:23 PM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Chính thức bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đối với giáo viên

Chính thức bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đối với giáo viên
(Tieudung.vn) - Việc bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là mong mỏi từ lâu của giáo viên nay đã được Bộ GD-ĐT thay đổi.

Thông tư này được ban hành trên cơ sở sửa đổi, thay thế các Thông tư liên tịch số 20,21,22,23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV do Bộ GDĐT và Bộ Nội vụ ban hành năm 2015 và có hiệu lực thi hành từ tháng 3/2021.

Chính thức bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đối với giáo viên

Ảnh minh hoạ: THUỶ NGUYÊN

Trong các Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, các trường phổ thông công lập mới được ban hành, Bộ GD-ĐT đã bỏ quy định về trình độ ngoại ngữ, tin học, chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của giáo viên các cấp và bỏ quy định về trình độ ngoại ngữ thứ hai đối với giáo viên dạy ngoại ngữ.

Yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, tin học của giáo viên các cấp, các hạng được điều chỉnh từ tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng sang tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ. Cụ thể, các yêu cầu về ngoại ngữ không còn quy định “cứng” là phải đảm bảo bậc 1 hay bậc 2, bậc 3 như trước đây mà chuyển thành “có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số trong một số nhiệm vụ cụ thể được giao”.

Yêu cầu về trình độ tin học không còn là đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin mà là “có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ” của giáo viên theo hạng chức danh nghề nghiệp.

Đối với giáo viên ngoại ngữ, nỗi lo về “ngoại ngữ 2” không còn làm khó giáo viên nữa, để dành thời gian và tâm huyết cho giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu mới.

Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở được điều chỉnh theo quy định của Luật Giáo dục 2019. Đồng thời, hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học được xác định thành 3 hạng, gồm hạng I, hạng II và hạng III (thay vì hạng II, hạng III, hạng IV như hiện hành để phù hợp với yêu cầu về trình độ đào tạo và mức độ phức tạp của công việc cũng như yêu cầu của công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo. Mã số hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở được cấp mới bởi Bộ Nội vụ. Riêng cấp trung học phổ thông giữ ổn định về mã số, hạng chức danh nghề nghiệp do không có thay đổi về trình độ đào tạo.

Quy định về nhiệm vụ và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông công lập được rà soát, cập nhật với những yêu cầu của thực tế hiện nay cũng như yêu cầu triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới (đối với cấp học phổ thông). Theo đó, các tiêu chuẩn cụ thể được quy định cũng chính là các năng lực cốt lõi giáo viên cần phải có để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông.

Lương khởi điểm của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở mới được tuyển dụng được xếp tương ứng với yêu cầu về trình độ đào tạo của vị trí việc làm được tuyển dụng. Đồng thời, bảng lương áp dụng đối với giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở ở hạng cao hơn cũng có sự điều chỉnh tăng tuần tự theo quy định. Các Thông tư đã quy định rõ việc bổ nhiệm và xếp lương đối với từng trường hợp cụ thể để đảm bảo các địa phương có thể thực hiện được ngay khi các Thông tư có hiệu lực thi hành.

Trước đó, ông Đặng Văn Bình, Phó cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, việc bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là mong mỏi từ lâu của giáo viên. Từng có nhiều phản ánh về những áp lực, cũng như tiêu cực khi giáo viên phải đi học để có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

Bên cạnh đó, trên thực tế, trong quá trình đào tạo các thầy cô đã được đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học ở những mức độ khác nhau, nên việc tiếp tục phải bồi dưỡng thêm để có chứng chỉ là hình thức, chưa thiết thực. Với những giáo viên chưa học hoặc chưa có các loại chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, tiếng dân tộc, ngoại ngữ 2 (với giáo viên dạy ngoại ngữ) hoàn toàn có thể yên tâm không cần đi học để “hợp thức hóa”.

Tags:
3.8 9 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Tin liên quan

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.21710 sec| 788.547 kb