Sử dụng điện thoại thông minh để quan trắc, quản lý và phân phối nước trong canh tác lúa tại đồng ruộng. |
Mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất lúa, thích ứng với BĐKH trên cơ sở ứng dụng công nghệ 4.0 nhằm nâng cao giá trị và hiệu quả lợi nhuận cho người sản xuất lúa góp phần thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang theo hướng giá trị tăng cao và bền vững. Cánh đồng chọn triển khai mô hình tại huyện Hòn Đất 102 ha và Gò Quao 132,7 ha, vụ HT thực hiện 47,7 ha, với 13 hộ nông dân tham gia.
Tại huyện Hòn Đất, mô hình thực hiện tại HTX Nông nghiệp Cây Trôm, xã Lình Huỳnh, sử dụng giống lúa OM 2517 và DS 1, mật độ gieo sạ 70kg/ha. Nông dân tham gia mô hình được tập huấn kỹ thuật, giúp nắm được quy trình “Canh tác lúa thông minh trên vùng đất phèn mặn”, như: kỹ thuật chủ yếu làm đất, quy trình bón phân Bình Điền, quản lý nước, phòng trừ sâu bệnh... Đặc biệt là cách sử dụng ứng dụng theo dõi các chỉ tiêu độ mặn, nhiệt độ, pH, mức nước... trên điện thoại thông minh.
Ông Phan Văn Tâm, Giám đốc Marketing Cty CP Phân bón Bình Điền cho biết, kinh phí thực hiện mô hình khoảng 1 tỷ đồng, lắp đặt 8 hệ thống trạm quan trắc môi trường nước tự động và các ống cảm biến ướt khô xen kẽ (AWD TUBE) trên đồng ruộng. Hệ thống ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, thiết bị internet của vạn vật (IoT) để quản lý và phân phối nước trong canh tác lúa tại mô hình. Giải pháp kết hợp thông số quan trắc mực nước, ống canh tác ướt khô xen kẽ (AWD TUBE) và trạm điều khiển bơm sẽ giúp người nông dân cung cấp nước ngọt vào ruộng đúng lúc, đúng thời điểm và tự động hóa thông qua điện thoại thông minh. Ngoài ra, mô hình này cũng rất hữu ích trong việc quan trắc môi trường nuôi trồng thủy sản.
Trong suốt vụ sản xuất, cán bộ kỹ thuật phối hợp với Ban Giám đốc HTX thường xuyên kiểm tra, tư vấn cho nông dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật theo quy trình canh tác lúa “1 phải 6 giảm”, xử lý các tình huống dịch bệnh thực tế ngoài đồng ruộng. Kiểm tra, hướng dẫn nông dân ghi chép sổ nhật ký đồng ruộng, làm cơ sở cho việc tổng hợp số liệu đánh giá hiệu quả mô hình.
Sử dụng cảm biến canh tác ướt khô xen kẽ (AWD TUBE) giúp giám sát mực nước trên bề mặt ruộng tự động nhằm tiết kiệm nước, nâng cao giá trị và hiệu quả lợi nhuận cho người sản xuất lúa góp phần thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng giá trị tăng cao và bền vững của tỉnh.
Về hiệu quả kinh tế, áp dụng quy trình canh tác lúa thông minh ứng phó với BĐKH có chi phí thấp hơn so với đối chứng khoảng 3 triệu đồng/ha, hạ giá thành (giảm được 666 đồng/1kg lúa), lợi nhuận thu về cao hơn so với đối chứng hơn 5,5 triệu đồng/ha.
Mô hình này cần nhân rộng ở các địa bàn, nhất là những vùng canh tác khó khăn bị nhiễm phèn mặn. Hơn nữa thường xuyên khuyến cáo nông dân nên sạ thưa với lượng giống từ 80-120 kg/ha là tốt và sử dụng cảm biến canh tác ướt khô xen kẽ (AWD TUBE) giúp giám sát mực nước trên bề mặt ruộng tự động nhằm tiết; sử dụng thuốc BVTV đảm bảo theo nguyên tắc 4 đúng mà ngành nông nghiệp đã khuyến cáo.