Trước đó, ngày 24-6, tại thành phố Đồng Hới, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình tổ chức diễn đàn “Phát triển bền vững nuôi tôm trên cát theo hướng an toàn dịch bệnh”.
Mô hình nuôi tôm trên cát sẽ mang lại hiệu quả kinh tế. |
Theo kết quả khảo sát của Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản, tiềm năng đất cát ở các tỉnh khu vực miền Trung là rất lớn (khoảng gần 100.000ha), trong đó diện tích có thể đưa vào nuôi trồng thuỷ sản gần 15.000ha, tập trung ở một số tỉnh như: Quảng Bình 4.500ha, Quảng Trị 4.000ha, Quảng Ngãi 4.000ha…
Ngay từ những năm 2000, phong trào nuôi tôm trên cát đã được hình thành ở một số địa phương. Tuy vậy, việc phát triển thời kỳ đầu còn chậm do gặp những vướng mắc, băn khoăn về tác động tiêu cực của nuôi tôm trên cát như phá rừng, cạn kiệt nước ngầm. Sau khi áp dụng công nghệ nuôi tôm thâm canh ít thay nước, hiệu quả cao, diện tích nuôi trên vùng cát phát triển mạnh, đối tượng nuôi chính là tôm thẻ chân trắng.
Thống kê cho thấy, diện tích nuôi tôm trên cát ở các tỉnh miền Trung giai đoạn 2010 - 2014 tăng đáng kể (từ 2.381ha lên 3.018ha); sản lượng tăng từ 30.844 tấn lên đến 37.030 tấn. Năng suất các vùng nuôi tôm trên cát khá cao, trung bình khoảng 13-14 tấn/ha, cá biệt có nơi đạt 17 - 20 tấn/ha (Quảng Nam, Quảng Ngãi). Những tỉnh có diện tích nuôi tôm trên cát lớn là: Bình Thuận (chiếm 28% tổng diện tích nuôi tôm trên cát toàn vùng), Ninh Thuận (18%), Phú Yên (16%), Thừa - Thiên Huế (14%). Trong giai đoạn này, nuôi tôm trên cát được tiến hành theo hình thức nuôi tôm công nghiệp, chủ yếu với quy trình kỹ thuật nuôi thâm canh, thả nuôi với mật độ cao. |
Riêng tại Quảng Bình, diện tích có khả năng chuyển đổi phát triển nuôi thuỷ sản trên cát là 4.000 ha. Từ khi nghề nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát mang lại hiệu quả kinh tế cao, phong trào nuôi tôm trên cát đã trở thành “luồng gió mới” trong cơ cấu sản xuất và phát triển thủy sản của tỉnh.
Kể từ năm 2006 mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát mới bắt đầu được thử nghiệm với diện tích một ha, đến năm 2015, toàn tỉnh Quảng Bình đã có 1.087 ha nuôi tôm mặn, lợ, trong đó diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát là 260 ha với sản lượng 2.330 tấn, chiếm 23,9% diện tích và chiếm 52.3% sản lượng tôm nuôi toàn tỉnh.
Nhờ mô hình nuôi tôm trên cát, nhiều vùng đất “chết” dọc các tỉnh miền Trung đã được đánh thức. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, nhiều bất cập đã nảy sinh. Tại Diễn đàn, nhiều ý kiến cho rằng, khi triển khai các mô hình nuôi tôm trên cát, các địa phương phải đặt vấn đề thân thiện với môi trường lên hàng đầu để đảm bảo tính bền vững.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã trình bày tham luận về những tiềm năng và hiện trạng của việc phát triển nuôi tôm trên cát của các tỉnh trong khu vực miền trung, qua đó trao đổi kinh nghiệm và tìm ra những giải pháp tối ưu cho người nuôi tôm.
Đây cũng là dịp để các đại biểu, cùng đại diện các cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp và bà con nông dân tọa đàm hỏi - đáp, chia sẻ những thắc mắc của mình về phát triển nuôi tôm trên cát bền vững và an toàn dịch bệnh.
Nghề nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát mang lại hiệu quả kinh tế cao, phong trào nuôi tôm trên cát cũng đã trở thành “luồng gió mới” trong cơ cấu sản xuất và phát triển thuỷ sản của tỉnh.
Với diện tích có khả năng chuyển đổi phát triển nuôi thuỷ sản trên cát là 4.000ha, trong những năm qua, phong trào nuôi tôm trên cát đã giúp rất nhiều nông dân ở các địa phương ven biển Quảng Bình nhanh chóng thoát nghèo, vươn lên làm giàu.