Bánh tráng nướng một thời gây "sốt" giới trẻ Sài Gòn |
Món ăn "hot" nhờ... facebook
Chưa cần biết món ăn đó như thế nào, nhưng bỗng một ngày khắp facebook, người người nói về món ăn đó, nhà nhà đăng ảnh món ăn đó lên trang cá nhân, thế là nhiều người trẻ lập tức lùng sục địa điểm, "lập team" đi ăn món mới. Sau khi đến địa điểm ăn vặt đó, họ lại tiếp tục chụp hình rồi đăng lên trang cá nhân facebook. Cứ như thế, nhiều món ăn vặt đột nhiên nở rộ, được săn đón nhiệt tình.
5 năm trước, khi trà sữa trân châu dần bão hòa, trà chanh chém gió lên ngôi gây nên cơn sốt trong giới trẻ. Khắp các tuyến đường ở Sài Gòn, đâu đâu cũng thấy trà chanh chém gió, thời điểm đó, bún đậu mắm tôm cũng lăm le tung hoành ngang dọc phố phường, người kinh doanh có thể kiếm tiền triệu mỗi ngày. Thế nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, những trào lưu ăn vặt đó lại lặn mất tăm để nhường chỗ cho một "cơn sốt" mới của giới trẻ: là bánh tráng nướng, phô mai que, sau đó lại đến "thời" của trái cây xô, "tùm lum lắc" (xoài lắc, cóc lắc, phô mai lắc...).
Xoài lắc là món ăn lạ đã từng làm mưa làm gió một thời gian. |
Chỉ mới 3 tháng trước, những món ăn họ nhà "lắc" đã từng "làm mưa làm gió" khuấy đảo thị trường. Con đường Đặng Văn Ngữ và khu vực bờ kè đường Trường Sa (phường 14, quận Phú Nhuận) luôn chật kín người mua xoài lắc. Cứ thấy xe xoài lắc của anh chủ Hải (cha đẻ món xoài lắc) vừa tới con hẻm trên đường này thì hàng chục người vây kín để mua xoài.
Rồi món ăn này lan rộng ra khắp Sài Gòn, từ quận 1 đến Bình Chánh, Bình Tân, đâu đâu người ta cũng bán xoài lắc.
Chưa dừng lại, họ nhà "lắc" lại tiếp tục "đẻ" thêm cóc lắc, khoai tây lắc. Tuy nhiên món "lắc" bây giờ đã không còn được quan tâm nữa. Theo "cha đẻ" của xoài lắc, hiện tại số lượng xoài bán ra mỗi ngày cũng chỉ tương tương, có khi thấp hơn thời điểm lúc trước, thậm chí thời gian bán phải kéo dài hơn nhiều so với lúc còn "hot".
Trào lưu đám đông nhất thời của giới trẻ
Theo ghi nhận của chúng tôi, "cơn sốt" ăn vặt hiện tại có lẽ là món bánh mì nướng muối ớt. Món ăn có nguồn gốc từ An Giang này du nhập vào Sài Gòn từ 3 tháng trở lại đây và bất ngờ nổi lên thành món ăn vặt đường phố "hot" nhất hiện nay của giới trẻ Sài Gòn.
Ngoài địa điểm bán nhiều nhất ở đường Lê Quang Sung (quận 6) thì hầu như ở các quận huyện khác trong thành phố đã bắt đầu bày bán bánh mì nướng muối ớt. Thậm chí có con đường chỉ cách vài chục mét đã có quầy bán bánh mì kiểu này như đường Phan Văn Trị, Phạm Văn Đồng (quận Bình Thạnh), Lê Văn Thọ (quận Gò Vấp)…
Từ khi "đổ bộ" lên Sài Gòn, bánh mì nướng muối ớt đã biến tấu để hợp khẩu vị với người dân nơi đây nên các tiệm đều luôn đông khách mỗi khi mở bán. Bạn Nguyễn Đức Viễn (sinh viên, quận Bình Thạnh) chia sẻ: "Trong tất cả các món ăn vặt thì tôi thấy bánh mì nướng muối ớt lạ và thú vị nhất. Bánh mì nướng với muối ớt sau đó được thêm các gia vị làm cho bánh vừa ngọt, vừa mặn rất hấp dẫn. Hiện tại tôi đi đâu cũng thấy bán bánh mì nướng muối ớt, không những người lớn tuổi mà còn có các bạn trẻ cũng mở bán món ăn đang "hot" này".
Bánh mì tỏi ớt vẫn còn sốt, tuy nhiên đã bão hào do lượng khách hàng nhiều. |
Mặc dù đang nở rộ và buôn bán có lời như vậy nhưng nghề kinh doanh theo phong trào nhất thời này chỉ để kiếm lời trong thời gian ngắn chứ không thể lâu dài được. Bên cạnh đó, có thể nói trào lưu ăn vặt hầu hết nằm ở giới trẻ nên cũng chính họ là người quyết định tất cả "độ hot" của món ăn nên cũng kéo theo sự lên xuống thất thường của các trào lưu này.
Thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An – Giám Đốc chiến lược Trung tâm đào tạo Kỹ năng sống và Chăm sóc tinh thần Ý Tưởng Việt đã chia sẻ rằng, hầu hết do tâm lý đám đông của một bộ phận giới trẻ mới tạo ra những trào lưu ăn vặt "sớm nở, chóng tàn" như thế.
"Tâm lý giới trẻ thường thích cái mới, muốn trải nghiệm thử một lần nên việc hành động theo đám đông là điều dễ hiểu. Ví dụ gần đây, những người bạn hỏi mình đã ăn mì cay chưa, nếu chưa thì ăn thử đi. Như vậy tâm lý của giới trẻ bị kích thích bởi những món ăn mới lạ vì lối suy nghĩ của lứa tuổi này thích thể hiện điều gì đó để chứng minh bản thân mình đã từng trải qua", Ths. Hòa An phân tích.
Mặc dù biết những dạng trào lưu này chỉ là hiệu ứng đám đông đa phần đến từ mạng xã hội nhưng cũng là sự phản ánh gu ẩm thực đa dạng của đa phần giới trẻ và họ cũng đang hứng thú chờ đợi món ăn "lên ngôi" kế tiếp là gì.