Vẫn đôi quang gánh cũ kỹ có từ thời bà nội của chị Chín, thế hệ thứ ba bán món này vẫn ôm gọn nồi cháo nghi ngút khói như chứng tích lịch sử của một trong những gánh cháo lòng xưa nhất Sài Gòn.
Gánh cháo lòng đặc trưng Sài gòn
Chị Chín kể rằng: lúc trước gánh hàng cháo của bà và mẹ tôi đi vòng quanh chợ, sau năm 1975 mới ngồi bán cố định. Dù nhiều lần đổi vị trí bán nhưng vẫn chỉ quanh khu vực đường Cô Giang. Vì vậy nên gánh cháo lòng dần dà có "thương hiệu" riêng.
Cháo lòng hơn 80 năm tuổi vẫn giữ được cách nấu truyền thống mà người Sài Gòn xưa hay nấu món này đó là dùng hai chiếc thau nhôm úp ngược và hàn chúng lại để thành chiếc nồi. Nồi cháo lòng ở đây được chế biến khá cầu kỳ. Xương ống, xương vai mua về, rửa sạch, hầm lấy nước. Lòng làm sạch, luộc lấy nước. Nước hầm xương trộn với nước luộc lòng thành để nấu với gạo tẻ rang vào. Người nấu sẽ canh thời điểm cho huyết tươi đã được sơ chế vào. Nhờ vậy, cháo thơm, ngọt, béo, có độ sánh mịn đặc trưng cùng cục xương to khi dọn cho khách.
Bát cháo lòng mịn màng
Ngoài cháo, gan, huyết, lòng non, dạ dày,… được xử lý tốt không còn mùi. Nổi bật nhất là món dồi chiên. Dồi chiên ở đây rất đặc biệt về hương vị, thật khó tả bằng lời dù thành phần cơ bản thì không có gì khác biệt: thịt nạc, thịt mỡ, sụn, sả bằm... Có lẽ vị ngon của nó nằm ở tài phân chia tỉ lệ, tạo ra mùi thơm rất ấn tượng và vị vừa vặn. Đặc biệt, nước chấm chỉ khi nào khách kêu cháo lòng thì mới pha gồm đường, chanh, ớt…, bởi vậy nhiều thực khách rất “kết” nước chấm lòng ở đây. Chấm món lòng thập cẩm vào chén nước chấm mới là đầy đủ cung bậc hương vị của món ăn bình dân mà cực kỳ hấp dẫn này.
Mâm lòng với món dồi chiên dòn rụm
Giá mỗi tô cháo lòng ở đây giao động từ 10.000 -30.000 đồng, tùy vào sở thích và khẩu vị của thực khách.