Tết Hàn thực là ngày Tết vào mùng 3/3 Âm lịch, "hàn thực" nghĩa là "thức ăn lạnh". Phong tục cổ truyền này bắt nguồn từ một điển tích nổi tiếng của Trung Quốc được truyền tụng nhiều đời, câu chuyện vua nước Tấn thời Xuân Thu hạ lệnh đốt rừng ép trung thần Giới Tử Thôi phải ra khỏi nơi ở ẩn nhận thưởng.
Tuy có nguồn gốc như vậy nhưng Tết Hàn thực của các gia đình Việt Nam cũng mang những sắc thái riêng, mang đậm chất Việt. Trong Tết Hàn thực của người Việt, với phong tục kiêng nổi lửa, những món ăn nấu chín để nguội ngày này đều được cúng gia tiên với ý nghĩa con cháu đều hướng về tổ tiên, nguồn cội.
Trong Tết Hàn thực, các gia đình không thể thiếu món bánh trôi, bánh chay. Ngoài bánh trôi và bánh chay, các gia đình cũng có thể mua thêm hoa quả và các thứ bánh trái khác tùy điều kiện, sau đó bày lễ lên ban thờ, thắp hương tỏ tấm lòng thành kính nhất nhằm tưởng nhớ đến công ơn dưỡng dục của những người đã khuất.. Cùng học cách làm bánh trôi bánh chay nhé!
Trước tiên, gạo làm bánh trôi, bánh chay phải kén được nếp cái hoa vàng, dẻo. Ta cho ngâm lên, để ráo nước rồi mang đi xay ra thành bột. Cứ chín phần nếp cho một phần tẻ hoặc non hai phần tẻ.
Xay cho mịn ra, xong thì lấy túi vải phin bọc lại, treo lên 1 ngày, nước sẽ chảy xuống hết, lúc đó là còn lại bột.
Nhân bánh trôi bằng đường phên. Bánh nặn xong, được thả vào nồi nước sôi. Bánh chìm xuống rồi nổi lên, “ba chìm bảy nổi, chín lênh đênh” thì vớt ra và ngâm trong nước lã đun sôi để nguội cho săn trở lại rồi lại vớt ra bày vào đĩa. Đĩa bánh trôi được rắc thêm mấy hạt vừng trắng rang thơm.
Bánh chay cũng làm bằng bột nếp nhào nặn với nước và cũng có nhân, nhưng nhân bằng đậu xanh còn vỏ, đặc biệt là phải xanh loại đậu xanh xanh lòng. Như vậy nhân mới ngon và thơm, ít hạt hỏng.
Đậu để làm nhân bánh là giống đỗ tiêu, hạt nhỏ, thơm; được hấp chín tới, giã mịn, trộn với đường kính trắng.
Ta cho ngâm đậu xanh, đãi vỏ, ráo nước thì ta cho vào đồ. Khi đồ phải đồ to lửa, đậu mới bở và mềm. Sau đó cho ra giã, xào với đường. Dừa thì chọn loại dừa già, bào nhỏ, xào lẫn với đậu xanh, ta cho vani vào trộn.
Khi nặn bánh chay, ta lưu ý công thức 2 phần vỏ thì 1 phần nhân. Cuối cùng mang đi luộc. Vớt ra cho vào nước sôi để nguội, cuối cùng là vớt bánh chay ra đựng trong bát.
Bao giờ cho bánh chay vào bát ta cũng phải lấy ngón tay cái, ấn vào bát một cái, tạo thành vết lõm. Và công đoạn cuối là chan thêm một chút chè đường quấy với bột đao hay bột sắn dây ướp hoa bưởi.