Luật sư Trần Đình Dũng |
Dưới gốc độ của một chuyên gia pháp luật hình sự, Luật sư Trần Đình Dũng (Trung tâm Tư vấn Pháp luật TP Hồ Chí Minh – Trung ương Hội Luật gia Việt Nam) cho rằng, trong trường hợp này nếu chấp nhận kiến nghị của vị kiểm sát viên công tố thì Hội đồng xét xử phúc thẩm buộc phải hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND TP Hồ Chí Minh để giao hồ sơ cho Cơ quan điều tra điều tra lại.
Luật sư Dũng phân tích, nội dung kiến nghị của của phía viện kiểm sát tại phiên tòa có xem xét yếu tố đồng phạm với vai trò giúp sức của hai cha con ông Trần Quí Thanh và Trần Ngọc Bích, đối với việc ông Phạm Công Danh gây thiệt hại 9.000 tỷ đồng của Ngân hàng. Do kiến nghị vai trò đồng phạm nên không thể tách ra thành vụ án khác vì vai trò này có hệ quả dẫn tới mức lượng hình đối với ông Phạm Công Danh. Tức khi làm rõ vai trò đồng phạm (nếu có) của những người khác, có thể mức án đối với ông Danh không như hiện nay. Cho nên để đảm bảo đúng thủ tục tố tụng hình sự, tòa án buộc phải hủy toàn bộ bản án sơ thẩm nếu chấp nhận kiến nghị của đại diện Viện KSND Tối cao giữ quyền công tố tại phiên tòa phúc thẩm, để yêu cầu điều tra lại theo qui định tại các Điều 248 và 250 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003.
Như vậy, trong trường hợp hủy án sơ thẩm điều tra lại, vụ đại án tham nhũng này sẽ còn kéo dài và nhiều cá nhân khác nằm trong “tầm ngắm” của cơ quan điều tra.
Liệu hai cha con ông Dr Thanh có bị xử lý hình sự hay không là câu hỏi mà dư luận mấy ngày qua đặc biệt quan tâm, được Luật sư Trần Đình Dũng phân tích thêm. Ông Danh bị truy tố hai tội danh “Cố ý làm trái quy định trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Vai trò đồng phạm với hai tội danh này, nếu có, còn phụ thuộc rất nhiều tình tiết liên quan đến lỗi cố ý trực tiếp. Chứ không thể đơn thuần tạo điều kiện cho người thực hành chiếm đoạt là đồng phạm. Nó tùy vào loại tội phạm. Có những tội danh như “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Cưỡng đoạt tài sản”… thì những người khác liên quan tới hành vi của người thực hành chiếm đoạt rất dễ “dính vào” đồng phạm. Nhưng đối với nhóm tội phạm tham nhũng khó trở thành đồng phạm khi chủ thể không phải là người có chức vụ, quyền hạn và không trục lợi từ số tiền tham nhũng.
Ngoài ra, Luật sư Dũng cũng nhận xét thêm, rất nhiều kiến nghị tại phiên tòa, khi điều tra đã xử lý hình sự thêm nhiều người. Trong vụ án này, VKS đã tham gia kiểm sát điều tra từ ban đầu, chính VKS ra cáo trạng truy tố mà không yêu cầu điều tra vai trò đồng phạm, cho đến khi xét xử mới kiến nghị là thể hiện có vấn đề khuất tất trong quá trình công tố tội phạm.
Bà Trần Ngọc Bích trả lời tại toà. |
Như Tieudung24h.vn đã đưa tin, ngày 10/1, phiên tòa phúc thẩm xét xử Phạm Công Danh (nguyên chủ tịch Ngân hàng Xây dựng - VNCB) và các đồng phạm gây thiệt hại 9.000 tỷ đồng bước vào phần tranh luận.
Đại diện VKS nhận định liên quan đến việc rút số tiền 5.190 tỷ đồng không có chữ ký của chủ tài khoản, rút 300 tỉ đồng không có hồ sơ vay gây thiệt hại 5.490 tỷ liên quan đến cha con Trần Quý Thanh, Trần Ngọc Bích.
Công tố viên phân tích, số tiền 5.190 tỷ đồng là việc rút tiền bằng các hành vi vay giả tạo, gây thiệt hại cho VNCB. Hành vi này, Phạm Công Danh cũng được xác định là đúng vai trò chỉ đạo. Liên quan đến hành vi có các khách hàng là bà Trần Ngọc Bích, ông Trần Quý Thanh và một số khách hàng.
Theo VKS, họ đã không thực hiện đúng mục đích tiền vay, cho Danh vay tiền. Số tiền này thực chất là thực hiện theo thỏa thuận vay giữa Danh và ông Thanh.
VKS khẳng định, án sơ thẩm khẳng định vai trò chỉ đạo của Phạm Công Danh và các đồng phạm, đồng thời khởi tố Phạm Thị Trang (Trang Phố núi) là có căn cứ. Nhưng tòa sơ thẩm chưa xem xét vai trò của khách hàng liên quan hành vi này là bỏ lọt người phạm tội. Ông Thanh, bà Bích giúp sức tích cực cho Danh đạt được mục đích rút tiền khỏi ngân hàng. Ngoài ra bà Bích và bà Trang có quan hệ vay nhận lãi nhiều lần...
Từ đó VKS đề nghị bác kháng cáo của nhóm ông Thanh và bà Bích liên quan đến việc không tịch thu số tiền 5.190 tỉ, trả lại sổ tiết kiệm, giải tỏa tài sản kê biên... Và chấp nhận một phần kháng cáo của Danh sửa án trong việc thu hồi đối với khoản gốc lãi liên quan.
Đặc biệt, công tố kiến nghị xem xét trách nhiệm hình sự của ông Thanh và bà Bích cùng một số cán bộ ngân hàng giúp sức cho Danh rút 5.190 khỏi ngân hàng.
Cạnh đó cần làm rõ truy thu thuế thu nhập cá nhân và xem xét hành vi trốn thuế của nhóm bà Bích hơn 16.000 tỉ từ việc vay mượn. Cấm xuất cảnh với các đối tượng có liên quan bị án sơ thẩm khởi tố và những người bị VKS đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự tại phiên xử này...
Đại án 9.000 tỷ: Cha con ông Thanh là đồng phạm giúp sức cho Phạm Công Danh
(Tieudung24h.vn) - Đó là nhận định của Viện Kiểm sát đối với ông Trần Quý Thanh, bà Trần Ngọc Bích giúp sức tích cực cho Phạm Công Danh đạt được mục đích rút tiền khỏi ngân hàng |