Đó là ý kiến của TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông trước phản hồi của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) trong vụ "lùm xùm" xảy ra tại trạm thu phí BOT Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang những ngày qua.
Tại cuộc họp ngày 16/8, Bộ GTVT đã họp với Công ty TNHH BOT Cai Lậy (chủ đầu tư trạm thu phí), UBND tỉnh Tiền Giang để đưa ra quyết định giảm giá vé cho ô tô qua trạm từ loại 1 đến loại 5.
Tiếp đó, tại cuộc họp báo ngày 17/8, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, vị trí đặt trạm Cai Lậy là phù hợp nên quyết không đổi vị trí trạm. Người phát ngôn của Bộ GTVT cho rằng, hiện nay trên cả nước có rất nhiều trạm thu phí. Nếu cứ vì người dân phản đối, phản ứng mà thay đổi vị trí trạm thu phí là không ổn...
Khi lãnh đạo Bộ GTVT tỏ ra cương quyết thì người dân, nhất là tài xế có lộ trình đi qua trạm thu phí Cai Lậy, Tiền Giang tiếp tục chuẩn bị khối lượng lớn tiền lẻ mệnh giá 200, 500 đồng và chai nhựa để thanh toán khi qua trạm. Dự liệu những bất ổn tại trạm thu phí BOT này còn kéo dài, phức tạp.
Lối ra nào để có kết quả êm đẹp vụ việc này, theo TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông tại TPHCM cho rằng: "Quan điểm tôi thì không thể để trạm thu phí ở vị trí này được. Không hợp lý chút nào. Quá trình này kéo dài mấy đời bộ trưởng, mấy đời thứ trưởng... nên thành ra dính đến lợi ích nhóm. Phải thành lập các đoàn giám sát, kiểm tra, thanh tra, thậm chí điều tra làm sáng tỏ vụ việc", TS Phạm Sanh nói.
Dưới góc nhìn của chuyên gia giao thông, TS Phạm Sanh cho rằng, vụ trạm thu phí Cai Lậy, Tiền Giang nếu không lấy làm điểm thì cả nước sẽ thất bại mạng lưới BOT. "BOT thất bại thì mình không có cơ hội đầu tư hạ tầng, không đầu tư hạ tầng thì không có cơ hội phát triển", ông giải thích.
Theo chuyên gia giao thông này, về nguyên tắc đặt trạm thu phí, việc làm mới đường tránh tại đâu thì phải đặt trạm thu tại đó. Công tác duy tu, sửa chữa Quốc lộ 1 đã có vốn từ nguồn bảo trì đường bộ, không dùng vốn BOT nên việc để Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang (BOT Tiền Giang) tăng cường mặt đường trên Quốc lộ 1 đoạn dài hơn 26 km rồi đặt trạm thu phí tại đây là trái nguyên tắc.
Ngoài bất cập về vị trí đặt trạm, việc quy định giá vé thu đối với các loại phương tiện qua trạm cũng... có vấn đề.
TS Phạm Sanh cho rằng, vấn đề vị trí đặt trạm là trách nhiệm, thẩm quyền chính của Bộ GTVT, còn giá vé và phương án thu chi của trạm là trách nhiệm, thẩm quyền chính của Bộ Tài chính. Giám đốc BOT Tiền Giang cho rằng, đơn vị không tự áp đặt mà do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cùng Bộ Tài chính ban hành là chưa thỏa đáng. Bởi khi lập dự án BOT, đơn vị này phải báo cáo cụ thể về mức giá sẽ áp dụng trên cơ sở tính toán sát với thực tế để cơ quan có thẩm quyền xem xét, ấn định khung thời gian thu phí nhằm thu hồi vốn cho nhà đầu tư.
Khi lãnh đạo Bộ GTVT tỏ ra cương quyết thì người dân, nhất là tài xế có lộ trình đi qua trạm thu phí Cai Lậy, Tiền Giang tiếp tục chuẩn bị khối lượng lớn tiền lẻ mệnh giá 200, 500 đồng và chai nhựa để thanh toán khi qua trạm.
TS Phạm Sanh cũng không đồng tình khi Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, hiện nay trên cả nước có rất nhiều trạm thu phí, nếu cứ vì người dân phản đối, phản ứng mà thay đổi vị trí trạm thu phí là không ổn... tạo tiền lệ xấu.
"Ở đây không có vấn đề nhún nhường giữa Bộ và người dân (tài xế), mà phải làm theo luật. Đâu thể nào nhập nhằng bảo trì đường bộ với đầu tư BOT. Hai cái này khác nhau. Anh cứ làm đúng luật đi. Thuế, BOT, có nghị định BOT. Người dân hưởng dịch vụ thì có trách nhiệm trả thuế", TS Sanh khẳng định.
"Mời ông Thứ trưởng và Bộ trưởng coi lại luật thuế, phí và lệ phí. Chứ không phải thu cho đầy xong đi chỗ khác. Người dân không phải là con nít, không phải là mẫu giáo. Quan điểm của tôi là đề nghị ông Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông phải xin lỗi trong vụ việc này", TS Phạm Sanh bộc trực nói.