|
Phóng viên Báo Kinh tế và Đô thị có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Đình Dũng (Trung tâm tư vấn pháp luật TP Hồ Chí Minh – Trung ương Hội luật gia Việt Nam) về các yếu tố pháp lý của thương vụ đang ồn ào dư luận này.
PV: Trong thương vụ mua bán dự án diện tích đất 32 ha tại Phước Kiển giữa Công ty Tân Thuận và Công ty Quốc Cường Gia Lai nhiều người lên tiếng cho rằng đây là đất công nên không thể mang ra bán dự án cho Quốc Cường Gia Lai như vậy được, luật sư nghĩ sao?
Luật sư Trần Đình Dũng: Phần đất hơn 32ha ở Phước Kiển đang gây tranh cãi trên truyền thông báo chí, trên các diễn đàn xã hội, có phải là đất công hay không, muốn xác định rõ thì chúng ta cần phải biết thế nào là đất công.
Đất công là một khái niệm pháp lý của luật đất đai. Đất công được hiểu là loại đất được giao cho cơ quan nhà nước quản lý, gồm UBND cấp xã, UBND cấp huyện và một số cơ quan khác, để nhằm mục đích sử dụng công cộng gồm đất giao thông (gồm cảng hàng không, sân bay, cảng đường thủy nội địa, cảng hàng hải, hệ thống đường sắt, hệ thống đường bộ và công trình giao thông khác); thủy lợi; đất có di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh; đất sinh hoạt cộng đồng, khu vui chơi, giải trí công cộng; đất công trình năng lượng; đất công trình bưu chính, viễn thông; đất chợ; đất bãi thải, xử lý chất thải và đất công trình công cộng khác (Điều 7, Điều 10, Điều 141, Điều 164 Luật đất đai 2013).
Chiếu theo qui định về đất công thì phần đất hơn 32ha này không phải đất công như luật định. Tuy nhiên chúng ta cần phải thông hiểu dư luận có “độ chênh” giữa khái niệm pháp lý đất công của luật và đất công của xã hội.
PV: Luật sư có thể diễn giải rõ hơn về đất công theo nghĩa xã hội là sao?
Luật sư Trần Đình Dũng: Chúng ta lưu ý, 32ha đất này nằm trong số 55ha Công ty Tân Thuận xin chấp thuận dự án và bỏ kinh phí ra bồi thường cho người dân sử dụng đất để lấy mặt bằng. Nhưng Công ty Tân Thuận là đơn vị của Thành ủy TP Hồ Chí Minh, nên tài sản là quyền sử dụng đất trong dự án không phải của tư riêng cá nhân hay doanh nghiệp này mà nó là tài sản thuộc về của công. Đó cũng chính là vấn đề gây nhầm lẫn đối với khái niệm đất công trong vụ việc này trên các diễn đàn.
PV: Việc chuyển nhượng dự án 32ha đất giữa Công ty Tân Thuận và Công ty Quốc Cường Gia Lai có đúng pháp luật không?
Luật sư Trần Đình Dũng: Đây là một câu hỏi khó có thể trả lời cho chính xác. Chỉ có thể nói, quan hệ giao dịch giữa hai pháp nhân thương mại Công ty Tân Thuận – Công ty Quốc Cường Gia Lai được pháp luật bảo hộ theo qui định nói chung. Ngoài ra do Công ty Tân Thuận là đơn vị kinh tế của Thành ủy TP Hồ Chí Minh nên phải chịu điều chỉnh bởi một số qui định riêng.
|
Khu đất hơn 32 ha ở xã Phước Kiển (Nhà Bè) được Công ty Tân Thuận bán cho Công ty Quốc Cường Gia Lai với giá hơn 1 triệu đồng/m2 (Ảnh: Internet) |
Theo qui định chung của pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, Công ty Tân Thuận là một pháp nhân thương mại nên việc Công ty Quốc Cường Gia Lai nhận chuyển nhượng lại dự án của Công ty Tân Thuận là một hoạt động thương mại bình thường trên thị trường.
Tuy nhiên, một số qui định riêng đối với tổ chức kinh doanh của cơ quan Đảng mà các bên tham gia giao dịch cần phải biết để tuân thủ. Do Công ty Tân Thuận là công ty có 100% vốn cùa Thành ủy nên việc chuyển nhượng dự án có doanh số lớn phải được Thường trực, Thường vụ Thành ủy chấp thuận bằng văn bản. Nếu như không chấp hành theo các qui định này là vi phạm các qui định đối với doanh nghiệp nhà nước, tổ chức chính trị xã hội sở hữu 100% vốn.
Tôi cho rằng trong trường hợp Công ty Quốc Cường Gia Lai là chủ thể tham giao giao dịch phía bên mua mà không vi phạm các qui định pháp luật thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần phải bảo vệ hoạt động thương mại được phép của doanh nghiệp.
PV: Nhiều ý kiến trên các diễn đàn dư luận cho rằng, trong thương vụ chuyển nhượng dự án 32ha đất này, phía Công ty Quốc Cường Gia Lai dự kiến hoạch toán được khoản lợi nhuận lớn do phía Công ty Tân Thuận “dễ dãi” trong giao dịch, luật sư nghĩ sao?
Luật sư Trần Đình Dũng: Doanh nhân, doanh nghiệp hoạt động thương mại là nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận. Nói thực, bất kỳ doanh nhân nào đều mong muốn kiếm lợi nhuận càng cao càng tốt.
Thương vụ chuyển nhượng dự án 32ha đất này phía Công ty Quốc Cường Gia Lai có thu được lợi lớn hay không thì còn phụ thuộc vào giá chuyển nhượng (là 1.944.800đ/m2). Việc đánh giá có lợi nhuận như thế nào dành cho các chuyên gia kinh tế. Riêng việc Công ty Tân Thuận có “xé rào” qui định để bán dự án hay không, hiện Thành ủy TP Hồ Chí Minh đang chỉ đạo kiểm tra làm rõ. Như trên tôi đã nói, không có văn bản chấp thuận của Thường vụ Thành ủy thì khó mà nói Công ty Tân Thuận làm đúng.
PV: Có thể có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự trong giao dịch này hay không?
Luật sư Trần Đình Dũng: Tôi cho rằng có hai vấn đề trong thương vụ này để xem xét trách nhiệm cá nhân có vi phạm pháp luật hình sự hay không để xử lý.
Thứ nhất là mức giá chuyển nhượng có tương đồng với giá quyền sử dụng đất trong khu vực vào cùng thời điểm hay không, để xác định thiệt hại mà Thành ủy TP Hồ Chí Minh phải gánh chịu.
Thứ hai, lãnh đạo Công ty Tân Thuận là cán bộ, công chức chuyên trách do Thành ủy bổ nhiệm theo qui định tại Nghị định số 06/2010/NĐ-CP ngày 25 tháng 01 năm 2010 của Chính phủ, là người có chức vụ. Nên nếu cá nhân họ bỏ qua các qui định dẫn đến gây thiệt hại khi giao dịch, thì có thể bị xem xét bởi tội danh thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng qui định tại Điều 360 BLHS 2015 (Điều 285 BLHS 1999).
Nếu như khi xác định có thiệt hại xảy ra, tôi cho rằng khó mà tránh khỏi một vụ án hình sự.
Xin cảm ơn luật sư!
Hà Nam (thực hiện)