Sáng nay 28/3/2018, TAND huyện Củ Chi (TP Hồ Chia Minh) hoãn phiên tòa xét xử lưu động vụ án cố ý gây thương tích tại Nhà văn hóa xã An Nhơn Tây theo quyết định đưa vụ án ra xử lưu động số 43/2018/QĐ-XXST-HS của tòa này.
Luật sư Trần Đình Dũng. |
Theo Luật sư Trần Đình Dũng (Trung tâm tư vấn pháp luật TP Hồ Chia Minh – Trung ương Hội luật gia Việt Nam), người bào chữa cho một trong hai bị cáo cho biết, tòa án đã hoãn phiên xử lưu động theo đề nghị của đại diện VKSND huyện Củ Chi.
Trước đó, ngày 22/3/2018 Luật sư Trần Đình Dũng đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng để phản đối việc đưa các bị cáo ra xử lưu động. Vị luật sư này cho rằng “Đưa bị cáo ra trước đông đảo lối xóm bà con là tạo cho họ cảm giác bị làm nhục, xấu hổ và tội lỗi mà họ mang theo suốt đời. Không chỉ bị cáo mà ngay cả người nhà bị cáo như cha, mẹ, vợ, con, anh, chị… cũng bị cảm giác bị làm nhục về nhân phẩm. Xử lưu động rõ ràng là đi ngược lại sự nhân đạo, một yếu tố mà nền pháp luật tiến bộ luôn chú trọng và được luật hóa thành nguyên tắc “Đảm bảo tôn trọng và bảo vệ quyền con người” được qui định tại Điều 8 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015”.
Trong một cuộc họp tổng kết ngành tòa án hồi cuối năm 2017, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình đã có phát biểu chỉ đạo dừng việc xét xử lưu động bắt đầu từ năm 2018. Việc TAND huyện Củ Chi đưa vụ án ra xét xử lưu động đã gây nên nhiều dư luận trái chiều trong mấy ngày qua.
Một phiên tòa xét xử lưu động - Ảnh: Zing.vn |
Phát biểu về việc xét xử lưu động, ĐBQH Nguyễn Đức Sáu (nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND TP Hồ Chí Minh) các tòa án nên chủ động, thấy quan điểm của Chánh án tối cao là một quan điểm thực tế mang tính khách quan để từ đó bỏ hẳn việc xét xử lưu động. Thực tiễn việc xét xử lưu động đã để lại nhiều hệ quả. Xét xử lưu động không chỉ gây áp lực đối với những người tiến hành tố tụng mà còn với bị cáo, gia đình bị cáo và cả bị hại... Về chuyên môn, xét xử tại trụ sở sẽ giúp HĐXX tâm lý thoải mái, bình tĩnh, đưa ra phán quyết chính xác hơn. Trong khi xử lưu động không có lợi cho việc xét hỏi điều tra công khai tại tòa. Giả sử xuất hiện chứng cứ mới mà trong quá trình nghiên cứu hồ sơ HĐXX không phát hiện, nếu cứ tuyên án thì sẽ bị hủy sửa, còn hoãn xử thì tốn kém đã phải huy động lực lượng.
Trao đổi với phóng viên, LS Dũng nhấn mạnh thêm “Có ai chắc rằng những bản án sơ thẩm lưu động này khi lên phúc thẩm có được tòa trên chấp nhận không. Nếu họ được tòa trên hủy án, hoặc minh oan thì giải quyết vấn đề đưa bị cáo ra xử lưu động ra sao?”.
Thông tin từ TAND huyện Củ Chi cho biết, hiện tòa này chưa có kế hoạch về việc mở lại phiên tòa đối với vụ án này.