Theo thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam, lúc 11h38 ngày 25/4, chuyến bay VJ722 từ Đà Nẵng đi Hải Phòng đã bong ốp cánh khi hạ cánh xuống sân bay Cát Bi. Sau khi thực hiện hạ cánh tại sân bay Cát Bi, cơ trưởng của chuyến bay đã phát hiện và yêu cầu thợ máy kiểm tra kỹ thuật cánh trái tàu bay. Khi kiểm tra, thợ máy phát hiện tấm ốp bề mặt số 575AT ở mặt trên cánh trái máy bay bị bong hỏng.
Trong thông cáo phát đi vào chiều muộn cùng ngày, phía Cục Hàng không Việt Nam cho biết, tàu bay gặp sự cố là Airbus A321, xuất xưởng và được đưa vào khai thác từ tháng 11/2017, hiệu lực giấy chứng nhận đủ điều kiện bay đến ngày 28/5/2019.
“Căn cứ theo Nghị định 75/2007/NĐ-CP về điều tra sự cố tai nạn tàu bay và Quyết định số 399/QĐ-CHK về Quy chế báo cáo an toàn hàng không, sự cố này được phân loại sự cố uy hiếp an toàn cao (mức C),” lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho hay.
Ngay sau sự cố, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu đại diện Cảng vụ Hàng không miền Bắc tại sân bay Cát Bi niêm phong tàu bay để phục vụ công tác điều tra.
Bên cạnh đó, Cục Hàng không Việt Nam đã thành lập tổ điều tra để thực hiện công tác điều tra an toàn đối với sự cố này. Đồng thời, Cục thông báo cho nhà máy sản xuất tàu bay Airbus (Đức) để phối hợp điều tra, làm rõ nguyên nhân.
Trong thời gian gần đây, hãng hàng không Vietjet Air liên tục gặp các sự cố đáng tiếc. Trước đó, chuyến bay VJ982 của Vietjet Air ngày 30/10 khởi hành từ Hà Nội chở 198 hành khách đi Busan (Hàn Quốc) đã phải hạ cánh khẩn cấp tại Hồng Kông do phi hành đoàn phát hiện máy bay báo lỗi kỹ thuật.
Chưa đầy 3 tuần sau, chuyến bay VJ198 cũng của Vietjet Air khởi hành từ TP Hồ Chí Minh đi Hà Nội lúc 19h5 phút ngày 19/11 tiếp tục gặp sự cố. Sau khoảng 10 phút cất cánh, máy bay đã phải quay đầu hạ cánh khẩn cấp tại sân bay Tân Sân Nhất do tổ lái phát hiện lỗi cảnh báo kỹ thuật. Tiếp viên trên chuyến bay đã phải hướng dẫn hành khách chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.
Ngày 30/11/2018, hãng hàng không này tiếp tục gặp một sự cố nghiêm trọng khác khiến 6 hành khách bị thương. Tại sân bay Buôn Ma Thuật, máy bay số hiệu VJ356 từ TP Hồ Chí Minh với hơn 200 hành khách tiếp đất trong trạng thái mất cân bằng, bánh lốp trước bị rơi cách đường băng 100m, chỉ còn lại trục. Tất cả các hành khách được yêu cầu dùng cửa thoát hiểm để nhảy ra ngoài, 6 hành khách đã bị thương sau va chạm.
Đặc biệt, trong tháng cuối năm 2018, Vietjet Air gặp 2 sự cố liên tiếp trong ngày 24 và 25/12. Ngày 24/12/2018, chuyến bay VJ861 dự kiến hạ cánh tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất từ Incheon, Hàn Quốc bất ngờ hạ cánh sau 2 tiếng bay tại Đài Bắc, Đài Loan do phát hiện cảnh báo kỹ thuật tại buồng hàng sau. Sau khi dỡ hành lý, kiểm tra và xác định cảnh báo của truyền cảm báo khói là giả, tổ bay tiếp tục thực hiện hành trình.
Ngày 25/12/2018, chuyến bay VJ68 của hãng hàng không với hành trình Cam Ranh - TP Hồ Chí Minh đã gặp trục trặc kỹ thuật sau khi cất cánh nên phải quay đầu lại sân bay Cam Ranh. Máy bay sau đó lượn vòng 2 lần rồi hạ cánh nhầm xuống đường băng số 02, là đường băng chưa khai thác mặc dù đã có cảnh báo đầy đủ. Đây là sự cố được đánh giá nghiêm trọng, sau đó tổ bay đã bị Cục Hàng không ra quyết đình đình chỉ và thực hiện giám sát đặc biệt với hãng tại 4 cảng hàng không quốc tế là: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh và Đà Nẵng.
Gần đây nhất, vào 20 giờ ngày 26/3, tại Cảng hàng không quốc tế Vinh (Nghệ An), khi máy bay Vietnam Airlines chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Vinh thì một máy bay của hãng hàng không Vietjet Air di chuyển ra đường băng. Sự cố khiến máy bay Vietnam Airlines không thể hạ cánh, phải bay vòng thực hiện hạ cánh lần 2. Nguyên nhân ban đầu được xác định do cơ trưởng chuyến bay VJ255 của hãng Vietjet Air không thực hiện đúng lệnh của kiểm soát viên không lưu, đưa máy bay di chuyển ra đường băng làm cản trở quá trình hạ cánh của máy bay Vietnam Airlines.
Như vậy, chỉ chưa đầy 6 tháng (Từ 30/10/2018-24/4/2019), Vietjet Air đã để xảy ra 8 sự cố nghiêm trọng uy hiếp an toàn bay.
Trước đó, Bộ trưởng Giao thông đã yêu cầu Cục Hàng không tăng cường kiểm việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động khai thác tàu bay của hãng này, đặc biệt kiểm tra về bằng cấp, chứng chỉ tổ bay, nhân viên kỹ thuật, thời gian làm việc... Cục Hàng không cũng được chỉ đạo áp dụng quy chế giám sát đặc biệt với VietJet.
Cụ thể, Cục Hàng không đã lập 7 tổ công tác để giám sát đặc biệt hãng VietJet từ ngày 28/12/2018 đến 15/1/2019. Các tổ sẽ tập trung kiểm tra tàu bay, kiểm tra trên chuyến bay, kiểm tra công tác chuẩn bị chuyến bay, lập kế hoạch, phục vụ mặt đất, đảm bảo nguồn nhân lực bảo dưỡng tàu bay... Kết thúc đợt kiểm tra, nếu VietJet đáp ứng toàn bộ yêu cầu, đảm bảo tuyệt đối an toàn, việc kiểm tra sẽ được dỡ bỏ. Trường hợp ngược lại, Cục sẽ chuyển sang giám sát đặc biệt giai đoạn hai.