Thứ 3, 26/11/2024, 02:57 AM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Tường thuật Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn: Không dùng tên "Trạm thu giá" thì chuyển về tên cũ

Tường thuật Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn: Không dùng tên "Trạm thu giá" thì chuyển về tên cũ
(Tieudung.vn) - Từ 8 giờ sáng nay 4/6, Quốc hội khoá XIV bắt đầu hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 5. Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể sẽ đăng đàn đầu tiên trong phiên chất vấn được áp dụng cách thức "hỏi nhanh, đáp gọn".

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể sẽ đăng đàn đầu tiên với nhóm nội dung về việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông và bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong cả nước, nhất là tại các thành phố lớn; giải pháp xử lý những vấn đề tồn tại đối với các giao thông đầu tư theo hình thức xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT).

Trước phiên chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc. Sau đó, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trực tiếp trả lời chất vấn. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch và , Tài chính, Công an; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Tổng Thanh tra Chính phủ và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ khác cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan (nếu có).Đại biểu Quốc hội chỉ được hỏi 1 phút thay vì 2 phút như trước đây. Bộ trưởng sẽ trả lời ngay sau khi có 3 đại biểu đặt câu hỏi. Thời gian cho câu trả lời là 3 phút, đi thẳng vào nội dung.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trực tiếp điều hành các phiên chất vấn. 

Có 2.100 kiến nghị của cử tri 

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội Hải cho biết: Thông qua gần 1.400 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 4, 63 đoàn đại biểu đã tổng hợp được 2.100 kiến nghị của cử tri có nội dung liên quan đến hoạt động của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan tư pháp. Các kiến nghị đã được chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đến nay toàn bộ các kiến nghị đã được xem xét, trả lời (đạt 100%).

Cử tri đánh giá cao nhiều đổi mới trong các hoạt động của Quốc hội, nhiều kiến nghị của cử tri đã được tiếp thu trong quá trình lựa chọn chuyên đề giám sát của Quốc hội, lựa chọn nhóm vấn đề cho các phiên chất vấn.

Cử tri kiến nghị Quốc hội cần tiếp tục tập trung giám sát những vấn đề bức xúc trong như: tình hình quản lý sử dụng đất đai, tài sản công; tai nạn giao thông; cháy nổ; bất cập tại một số dự án giao thông đầu tư theo hình thức BOT. Đặc biệt, cử tri An Giang kiến nghị giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện dự án sân bay quốc tế Long Thành.

Báo cáo của Bộ Giao thông gửi đến Quốc hội trước phiên chất vấn cho thấy, cơ quan này đã huy động được 70 dự án đầu tư theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư khoảng hơn 209.000 tỷ đồng trong thời gia qua; riêng lĩnh vực đường bộ có 68 dự án với tổng mức đầu tư gần 208.000 tỷ đồng. Đến nay 58 dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác với tổng mức đầu tư hơn 166.000 tỷ đồng.
Hiện có 17 trạm BOT những bất cập về vị trí cần có xử lý, bao gồm BOT Cai Lậy (đang tạm dừng thu). Bộ Giao thông đã tập trung nghiên cứu 2 phương án xử lý. Phương án một là giữ nguyên vị trí trạm như hiện nay, thực hiện chung cho tất cả các phương tiện và mở rộng tối đa phạm vi giảm giá cho người dân quanh trạm. Phương án hai, xây dựng thêm một trạm trên tuyến tránh, thu trên cả 2 trạm, phương tiện đi trên tuyến nào, doanh thu sẽ hoàn vốn cho tuyến đó.
“Trên cơ sở 2 phương án nêu trên, Bộ Giao thông và UBND tỉnh Tiền Giang sẽ thống nhất với các Bộ, ngành rà soát, lựa chọn phương án triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng”, Bộ Giao thông cho hay.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, mở đầu phiên chất vấn đã có 36 ĐB đăng ký chất vấn.
Không dùng "Trạm thu giá" thì quay về tên cũ

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể có 5 phút báo cáo trước khi trả lời chất vấn.

Tư lệnh ngành GTVT cho hay:  GTVT là ngành kinh tế đặc biệt, được người dân quan tâm. Giao thông vận tải phải thực hiện chức năng đi trước mở đường. Thời gian qua, Bộ nhận được rất nhiều câu hỏi của cử tri và đại biểu Quốc hội.

Trong thời gian vừa qua, Bộ luôn nỗ lực thực hiện nghị quyết của Đảng Nhà nước về kết cấu giao thông vận tải. Nhưng do nguồn ngân sách có hạn, công tác tổ chức, đảm bảo GTVT có nhiều bất cập. GTVT không phát triển đồng đều giữa các vùng miền, vùng núi còn khó khăn.

Giao thông vận tải luôn là nhu cầu rất lớn của địa phương nhưng nguồn vốn ít dẫn đến chỉ đáp ứng được một phần. Một số lĩnh vực như đường sắt trong một thời gian dài chưa được quan tâm đúng mức. Đường sắt đang kém phát triển nhất trong các loại hình giao thông.

Tình hình tai nạn giao thông diễn biến phức tạp. Ủy ban ATGT quốc gia, Bộ đã vào cuộc quyết liệt. Tai nạn giao thông giảm cả số vụ, số người chết và bị thương nhưng số người chết vì tai nạn giao thông còn cao. Năm 2017 là trên 8.000 người. Tôi cho rằng cần có biện pháp đột phá để giảm thiểu tai nạn giao thông.

Về vấn đề tên gọi "Trạm thu giá", Chủ tịch Quốc hội Nguyện Thị Kim Ngân nói, nếu không dùng "Trạm thu giá" thì quay về tên gọi cũ là được, vì nếu nghiên cứu tên mới rồi trình Chính phủ sẽ mất rất nhiều thời gian.Chủ trương phát triển giao thông BOT là đúng, vì ngân sách hạn chế, nợ công cao. Dự án BOT góp phần quan trọng phát triển kinh tế nhưng còn nhiều bất cập. Việc khai thác các dự án BOT được dự luận quan tâm vì tồn tại nhiều vấn đề. Bộ GTVT cùng nhiều bộ ngành tiếp thu và rà soát. Chúng tôi đang rà soát để thay đổi tên gọi trạm BOT cho đúng với bản chất. Chúng tôi sẽ cố gắng sớm nhất báo cáo Chính phủ tên mới. Với những yếu kém của ngành, thay mặt Bộ GTVT, chúng tôi thành thật xin nhận trách nhiệm.

Thu phí không dừng toàn bộ trạm BOT trong năm 2019

Mở đầu phiên chất vấn, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) nêu câu hỏi: Xin chia sẻ với Bộ trưởng mới nhậm chức nhưng đã nhận được rất nhiều ý kiến của cư tri. Xin Bộ trưởng nêu rõ tại sao lại có sự chênh lệch số chênh lệnh năm thu phí và kết quả kiểm toán đối với các dự án BOT. Việc thu phí BOT trên đường mở rộng, cải tạo sẽ khắc phục thế nào?

- Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Ngọc Phương, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết: Việc chênh lệch là do hợp đồng được ký ban đầu dựa trên tính toán về kinh phí đầu tư và kinh phí dự phòng; trước khi quyết toán Bộ GTVT đề nghị kiểm toán vào kiểm tra lại, dựa trên kết quả đó để điều chỉnh lại hợp đồng để đảm bảo quyền lợi chung của người dân, nhà nước và doanh nghiệp.

Về chênh lệch cao độ giữa đường và nhà dân sau khi nâng cấp, Bộ trưởng cho biết, luật pháp có quy định cốt, nền dự án giao thông ở đô thị, Bộ căn cứ vào đó để khống chế cốt tuyến đường. Tuy nhiên khu vực ngoài đô thị không quy định nên trong thời gian vừa qua có hiện tượng trên.

Bộ trưởng thừa nhận có trách nhiệm của Bộ GTVT và trách nhiệm địa phương và cho biết về lâu dài Bộ sẽ tiến hành thực hiện giải pháp cào bóc mặt đường cũ, sau đó tiến hành thảm mới để không nâng cốt quá cao.

Tiếp theo, ĐB Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đặt câu hỏi: Việc thu phí tự động không dừng, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt. Vậy quan điểm của quyết tâm của Bộ trưởng như thế nào? Đến bao giờ sẽ hoàn thành? Về giao thông vùng Tây Bắc, Việt Bắc còn khó khăn, người dân muốn Bộ trưởng vi hành lên đó để đầu tư phát triển đường có được không?

Trả lời chất vấn trên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, trong năm 2018, toàn bộ trạm BOT trên Quốc lộ 1 phải thu phí tự động không dừng và toàn bộ trạm còn lại phải hoàn thành năm 2019. Bộ trưởng nhấn mạnh: "Đây là giải pháp minh bạch, sắp tới khi vận hành, người dân sẽ giám sát được hoạt động của trạm BOT".

Với vùng Tây Bắc, Tư lệnh ngành GTVT với khó khăn của người dân và cho biết, bản thân đã tham gia khảo sát, đi thực tế tại Hà Giang. Trách nhiệm của Bộ Giao thông là tham mưu và thực hiện tốt các dự án, song ngân sách chỉ bố trí được 30% nhu cầu thực tế nên nhiều công trình chưa thể bố trí vốn.

Bộ trưởng hứa: "Bản thân tôi cùng lãnh đạo Bộ sẽ tiếp tục có những chuyến công tác tới Tây Bắc để tìm hiểu, nắm tình hình".

Kết thúc phần trả lời chất vấn câu hỏi 3 đại biểu đầu tiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khen Bộ trưởng Thể đã "đi thẳng vào vấn đề và vẫn còn dư thời lượng 2 phút".

 

 

Xử lý nghiêm tiêu cực trong các dựa án BOT

ĐB Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) hỏi về giải pháp căn cơ để hoàn thiện thể chế BOT, giám sát thực hiện dự án để tránh sai phạm, hài hòa lợi ích? 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, thời gian qua, thể chế chúng ta thực sự là chưa hoàn chỉnh, nhất là Luật Đầu tư công. Một số biểu hiện sai phạm khi thực hiện các dự án BT, BOT thì vừa qua được các đoàn thanh tra, kiểm tra ngoài Bộ GTVT chỉ ra, chúng tôi đang khắc phục một cách triệt để. Việc lợi dụng để trục lợi, Đảng, Chỉnh phủ sẽ giao Tổng thanh tra Chính phủ, Bộ Công an xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân lợi dụng chủ trưởng làm ảnh hưởng người dân.

Với Bộ GTVT, chúng tôi quán triệt lấy tâm làm việc để phục vụ người dân. Nếu có trường hợp chỉ ra rõ sai phạm, với trách nhiệm của mình, tôi sẽ xử lý cán bộ thuộc quyền một cách nghiêm túc nhất.

Việc tranh chấp cũng xảy ra do một số trạm hoạt động không hiệu quả gây tâm tư cho . Rồi tranh chấp liên quan đến đền bù, tái định cư và chính sách khác cũng diễn ra nhưng làm dự án không tránh được bất cấp do hệ thông chúng ta chưa hoàn chỉnh Để đảm bảo hài hòa lợi ích người dân và doanh nghiệp, chúng tôi tập trung nắm dư luận các dự án BOT có vấn đề. Có dự luận sẽ phối hợp với địa phương giải quyết ngay. Lâu dài, chúng tôi thực nghiêm Nghị quyết 437 của UBTVQH, chúng tôi không triển khai 14 dự án BOT trên đường hiện hữu, đảm bảo chỉ triển khai trên đường song hành để người dân có sự lựa chọn.

Liên quan đến BOT, ĐB Trương Trọng Nghĩa nói: Một số cử tri cho biết một số doanh nghiệp tại các địa phương được chỉ định thầu hoặc đấu thầu cho có. Điều này dẫn đến độc quyền, đội vốn. Thực tế, có dự án đội vốn 36 lần. Tôi xin hỏi Bộ trưởng có tình trạng này không?

Trả lời câu hỏi của ĐB Trương Trọng Nghĩa, Tư lệnh ngành GTVT cho hay: Tôi khẳng định không có dự án BOT nào không đấu thầu và công khai. Bộ công khai trên trang web 1 tháng theo đúng quy định. Trong 1 tháng đó, các nhà đầu tư quan tâm sẽ nghiên cứu hồ sơ để đấu thầu.

Thực tế cho thấy, với dự án có 2 nhà đầu tư trở lên thì sẽ đấu thầu. Nhưng nhiều dự án BOT, các nhà đầu tư chưa quan tâm. Bởi có 1 nhà đầu tư quan tâm, nộp hồ sơ nên không thể đấu thầu. Có nhiều dự án chúng tôi kéo dài thời gian nhưng không có thêm nhà đầu tư. Quy định cho phép được chỉ định thầu khi có 1 nhà đầu tư. Việc này đã được Thanh tra Chính phủ, Bộ Kế hoạch Đầu tư kiểm tra.

Luật đấu thầu của chúng ta rất chặt chẽ. Nếu phát hiện thông thầu, vi phạm luật sẽ xử lý. Tôi thừa nhận một số dự án được chỉ định thầu, tiến độ kéo dài gây lãng phí là có. Các nhà thầu tham gia nhiều dự án, trúng nhiều dự án ở các địa phương dẫn đến yếu kém năng lực tài chính 1 thời điểm, dẫn đến dự án chậm, lãng phí.

Bộ GTVT họp giao ban hàng tháng, hàng quý với các nhà thầu để đốc thúc. Về việc thực hiện quyết toán các dự án, tôi cho rằng Bộ GTVT đã làm đúng theo quy định của phát luật. Chúng tôi nhận thức các dự án PPP, dư luận sẽ rất quan tâm.

Vì thế, Bộ GTVT đã đề nghị Bộ Xây dựng thẩm tra dự toán. Khi triển khai về vị trí, mức thu đều có sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan chức năng. Hiện nay, cao tốc Bắc - Nam, chúng tôi thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội để lập nghiên cứu dự án tiền khả thi, khả thi… Làm sao để tránh đội vốn, không bị chậm tiến độ.

ĐB Trương Trọng Nghĩa tranh luận và nêu ví dụ về bài báo trên Dân Trí: “Kiểm toán 30 dự án BT, kiến nghị xử lý 4.500 tỷ đồng”. Bài báo nói rõ hầu hết trong số 17 dự án BT năm 2017 lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu làm giảm sự cạnh tranh, tiềm ẩn rủi ro do chọn nhà đầu tư không đủ năng lực. Một số dự án rất lớn, người ta nói công trình giao thông chỉ phục vụ cho dự án mà nhà đầu tư được đánh đổi. Những con đường đó cực kỳ đắt bởi sự đánh đổi ấy. Điều tôi muốn nói là kiểm toán nêu rồi thì xin Chính phủ, bộ trưởng cho biết giờ chúng ta xử lý việc này thế nào, bao giờ xử lý vì liên quan hàng nghìn tỷ đồng của ngân sách và nhân dân?

- Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trao đổi lại: Về việc chỉ định thầu, chúng tôi làm đúng luật, cái gì cho phép, Bộ sẽ làm. Có những dự án chúng tôi sẽ xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ mới triển khai. Do đó xin báo cáo Quốc hội, việc làm này rất là công khai, minh bạch, các cơ quan nhà nước có thể kiểm tra, xử lý các sai phạm.

Ùn tắc do quy hoạch không sát thực tiễn

Một vấn đề khác được ĐB Nguyễn Thị Xuân Thu nêu và chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT là: Theo báo cáo của Bộ GTVT tai nạn mỗi năm cướp đi 8.000-10.000 người sinh mạng và trên 20.000 người tàn phế. Tính ra, mỗi ngày cả nước có khoảng 25 người chết và 50 người tàn phế. Cộng thêm 3.500 trẻ em đuối nước mỗi năm thì số người chết do tai nạn giao thông và đuối nước bằng với tai nạn thiên tai mỗi năm. Trong khi việc tai nạn giao thông là có thể kiểm soát được, vậy giải pháp của Bộ là gì để khắc phục tình trạng này?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết: Năm 2017 cả nước có 8.700 người chết về TNGT, năm 2012, số người chết vì TNGT khoảng 11.500 người. Có nghĩa là trong thời gian qua chúng ta đã thực hiện một cách quyết liệt các giải pháp, huy động cả hệ thống chính trị. Chúng ta thường xuyên ban hành các chỉ thị, đi làm việc với các địa phương, chúng ta đều quán triệt để bảo vệ tính mạng người dân. Một số số liệu cho thấy tình TNGT thời gian qua chuyển biến tích cực nhưng còn ở mức cao. Chúng ta phấn đấu nhiều hơn nữa để giảm tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng.

Chúng tôi xin tiếp thu ý kiến đại biểu, trong thời gian tới sẽ cùng Ủy ban ANGT Quốc gia và lực lượng liên quan tăng cường kiểm tra, cưỡng chế, xử lý nghiêm các vi phạm, giáo dục việc chấp hành luật giao thông để giúp người dân đi lại an toàn, chứ không phải phát triển đường giao thông dẫn đến tai nạn giao thông. Và cũng mong rằng bà con khi tham gia giao thông phải chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ.

Đặt câu hỏi chất vấn, ĐB Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, tình trạng ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp ở nhiều thành phố lớn gây thiệt hại lớn cho kinh tế, môi trường và con người. Nhiều giải pháp đã được thực hiện như hạn chế xây dựng nhà cao tầng, xây dựng đường sắt đô thị, xe buýt nhanh, di dời trường học, bệnh viện ra khỏi trung tâm,… nhưng tiến độ các giải pháp trên còn rất chậm, hiệu quả chưa cao. Cử tri cho rằng đến nay vẫn chưa có giải pháp rõ ràng, thiếu quyết tâm, xin Bộ trưởng cho biết giải pháp cụ thể để khắc phục tình trạng trên?

Trả lời chất vấn trên, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, các đô thị của Việt Nam có lịch sử hàng trăm năm, nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, tuy nhiên có những quy hoạch và triển khai trong thực tế không sát với thực tiễn phát triển đô thị nên đã dẫn đến tình trạng ách tắc. Các địa phương và bộ ngành rất quyết tâm giải quyết vấn đề này. Cụ thể, Uỷ ban an toàn giao thông quốc gia đã được thành lập, hàng tháng, quý các bên liên quan đều họp để xem xét, giải quyết các vấn đề liên quan.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, để giải quyết triệt để tình trạng ùn tắc giao thông ở các đô thị, cần điều chỉnh tổng thế quy hoạch để có giải quyết căn cơ, giám sát chặt chẽ quy hoạch mới.

Tranh luận về xe quá tải

ĐB Nguyễn Sỹ Cương đặt câu hỏi: Tình trạng phương tiện không đủ tiêu chuẩn vẫn tham gia giao thông liệu có xử lý được không? Việc vi phạm giao thông tràn lan nhưng xử phạt chỉ được 15%, còn lại là cho đi hoặc chung chi, vậy Bộ có giải quyết được việc này không?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời: Hiện tượng xe hết thời hạn kiểm định vẫn lưu thông là có. Bộ đã giao Cục Đăng kiểm triển khai các giải pháp để xử lý tình trạng này.

Về vấn đề xử lý xe quá tải, tôi cho rằng giải pháp căn cơ là các cơ quan chức năng sẽ ghi lại hình ảnh, kích thước của các thùng xe tải. Khi các cơ quan chức năng xử lý, căn cứ vào thùng xe được kiểm định và thùng xe thực tế xem xét xử phạt. Bên cạnh đó, Cục Đăng kiểm cũng phải tìm ra phương án xử lý làm sao để tránh tình trạng, khi đi đăng kiểm dùng dùng xe nhỏ, khi chở hàng dùng thùng xe lớn. Vấn đề này, Bộ GTVT sẽ phối hợp tốt với địa phương kiểm tra, xử lý.

Việc vi phạm giao thông đường bộ phổ biến. Về tỷ lệ cảnh sát giao thông chỉ xử phạt 15-20% còn lại là cho đi, bản thân tôi không thể xác định được. Tôi xin không bình luận về con số này. Nhưng về việc vi phạm luật giao thông đường bộ, Bộ và Ủy ban ATGT quốc gia xin tiếp thu. Chúng tôi sẽ chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra xử lý.

ĐB Nguyễn Sỹ Cương tranh luận: Tôi không thỏa mãn với câu trả lời của Bộ trưởng về xe quá tải. Việc đăng kiểm của Cục đăng kiểm là có nhưng tại sao xe quá tải vẫn lưu thông. Bộ nên xem xét có cần thiết phải thu hồi đăng kiểm không.

Về việc 15-20% vi phạm giao thông bị bỏ qua không xử lý, nếu Bộ trưởng không bận thì buổi trưa nay tôi dẫn ông ra một ngã tư đường. Bộ trưởng chỉ cần đứng một lúc thôi có thể thấy con số tôi đưa ra còn thấp.

Một vấn đề nữa là mới đây cây quái thú lọt qua các trạm kiểm soát giao thông của 16 tỉnh khiến dư luận quan tâm. Tôi cho rằng trong sự việc này, lực lượng giao thông có vấn đề. Tôi có tiếp xúc với một vài cán bộ tại các trạm thì họ nói là: “Sếp có bảo bọn tôi bỏ qua nhưng khi xảy ra vấn đề thì lại phủi tay”. Vậy vấn đề này như thế nào?

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay: Việc dùng hình ảnh, kích thước để kiểm tra xe quá tải bộ giao thông đang triển khai. Tôi cho rằng để xử lý triệt để cần có chế tài mạnh như chủ phương tiện không thực hiện nghiêm cơ quan chức năng thu hồi giấy phép, xử lý hành chính. Trong vấn đề này, cả hệ thống chính trị vào cuộc, tăng cường kiểm tra quốc lộ, huyện lộ, khu dân cư chắc chắn xử lý được.

Về việc cảnh sát giao thông không xử lý vi phạm tôi đã trả lời rồi. Có thể ở các thành phố lớn lực lượng chức năng bỏ qua xử lý vi phạm không đội mũ bảo hiểm. Bởi trong khi giao thông đang trong giờ cao điểm, nếu cảnh sát giao thông gọi lại xử lý có thể gây tắc đường. Nhưng tôi không đồng ý với việc bỏ qua, không xử lý sai phạm. Còn vụ vận chuyển cây lớn qua 16 tỉnh, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã có chỉ đạo xử lý đúng người đúng tội. Ai sai sẽ phải chịu trách nhiệm.

Đường sắt Bắc Nam vô cùng lạc hậu

Một vấn đề khác được hai ĐB Tô Bích Châu và ĐB Dương Trung Quốc cùng chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể liên quan đến tình trạng đường sắt lạc hậu, dẫn tới tai nạn xảy ra liên tiếp vừa qua.

ĐB Dương Trung Quốc hỏi: "Phải chăng làm đường bộ thì dễ chia sẻ lợi ích hơn làm đường sắt, nên Bộ Giao thông để cho lĩnh vực đường sắt lạc hậu".

Trả lời chất vấn , Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói nếu giao thông đường sắt phát triển tốt thì sẽ giảm tải cho đường bộ và không phải đầu tư nhiều tiền cho đường bộ Bắc Nam như hiện nay. Ông cho hay, đường sắt Bắc Nam hiện ở giai đoạn 2 sử dụng dầu diesel, nghĩa là vô cùng lạc hậu; có những đoạn đường sắt hình thành 70-80 năm vẫn chưa có giải pháp nâng cấp để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Tư lệnh ngành GTVT khẳng định: "Tôi xin nhận trách nhiệm của ngành trong tham mưu vấn đề này".

Trước thực tế tai nạn đường sắt gia tăng, trưởng ngành giao thông giải thích, hiện vẫn còn 5.719 đường giao cắt trên toàn tuyến đường sắt, trong đó 1.519 đường giao cắt do Tổng công ty Đường sắt tổ chức có gác chắn, quản lý tương đối tốt. Còn lại hơn 4.200 đường giao cắt dân sinh là đường nhỏ, kết nối cụm dân cư, có gờ cảnh báo, biển cảnh báo tai nạn, song việc chấp hành tham gia giao thông không nghiêm nên phương tiện qua khu vực này tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Bộ đang tập trung xử lý để chấn chỉnh tình trạng trên, cùng với địa phương tăng cường quản lý và dứt khoát không để phát sinh thêm đường giao cắt. Về lâu dài, Bộ chuẩn bị đề án xây dựng đường sắt tốc độ cao, sẽ trình cấp có thẩm quyền trong năm 2019.

Bộ trưởng nói: "Bộ Giao thông rất quan tâm tới đường sắt. Bản thân lãnh đạo Bộ, các đơn vị đã nhận trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và xin lỗi người dân về các vụ tai nạn vừa qua. Chúng tôi xác định trách nhiệm rất cao trước người dân vấn đề này".

Cũng theo Tư lệnh ngành GTVT, dự án đường sắt có suất đầu tư rất lớn, có những dự án hàng chục tỷ đô la. Cách đây 8 năm dự án đường sắt Bắc Nam đã trình ra Quốc hội nhưng sau đó không được thông qua do nguồn huy động đầu tư quá lớn.

"Nếu làm thì phải xây tuyến mới chứ không thể chắp vá trên đường hiện nay. Nếu Quốc hội thống nhất chủ trương, Chính phủ chỉ đạo sẽ tiến hành triển khai các dự án đường sắt mới", Bộ trưởng chia sẻ thêm.

Chủ tịch Quốc hội Kim Ngân nhắc nhở, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đồng ý dùng khoản dự phòng đầu tư công trung hạn 5 năm là 15.000 tỷ đồng để phát triển các dự án giao thông, trong đó có 7.000 tỷ dành cho đầu tư đường sắt, 8.000 tỷ dành cho đường bộ quan trọng tạm dừng thi công. "Tới nay việc này cũng chậm, Bộ trưởng nhanh chóng chỉ đạo để sớm trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.

Các nhóm vấn đề trả lời chất vấn của Phó thủ tướng và 4 bộ trưởng

Sáng 4/6, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể mở màn phiên chất vấn, trả lời về giải pháp hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông và bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong cả nước, nhất là tại các thành phố lớn. Người đứng đầu Bộ GTVT cũng sẽ nói về giải pháp xử lý những vấn đề tồn tại đối với các dự án giao thông BOT.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, các bộ trưởng Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Tổng Thanh tra Chính phủ và các thủ trưởng cơ quan ngang bộ khác cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình những vấn đề liên quan. Chiều cùng ngày, Bộ trưởng GTVT có thêm một giờ (từ 14h đến 15h) trả lời.

Tiếp đó, Quốc hội chất vấn nhóm vấn đề công tác quản lý đất đai tại các thành phố lớn, các địa phương có nhiều khiếu nại, tố cáo.

Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà sẽ chịu trách nhiệm trả lời các nội dung: tình trạng ô nhiễm môi trường và kiểm soát hoạt động xả thải của các doanh nghiệp; biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu tại các vùng, địa phương, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long. Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, bộ trưởng Tài chính, Xây dựng, Công an và Tổng Thanh tra Chính phủ trả lời, làm rõ các vấn đề liên quan.

Ngày 5/6, "tư lệnh" ngành TN&MT có thêm 2,5 tiếng (từ 8h đến 10h30) để tiếp tục trả lời chất vấn. Sau đó, Quốc hội sẽ dành trọn thời gian còn lại trong ngày để chất vấn Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung sẽ nói về thực trạng lao động, vấn đề giải quyết việc làm trong nước và đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng. Các giải pháp nâng cao chất lượng dạy nghề, dạy nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và theo nhu cầu xã hội. Công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, giải pháp khắc phục tình trạng bạo hành và xâm hại trẻ em cũng là nội dung các đại biểu chất vấn.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, bộ trưởng GD&ĐT, và Truyền thông, Ngoại giao, Công an cùng "chia lửa" với người đứng đầu Bộ LĐTB&XH.

Sáng 6/6, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ ngồi lên "ghế nóng" trả lời về thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giáo dục phổ thông; công tác quản lý giáo dục mầm non, nhất là giáo dục mầm non ngoài công lập. Ngoài ra, ông Nhạ sẽ được chất vấn về giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp đạo đức, lối sống của giáo viên và học sinh trong nhà trường.

Từ 14h30 đến hết ngày, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ thay mặt Chính phủ báo cáo làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn. Cuối cùng, Chủ tịch Quốc hội sẽ phát biểu bế mạc phiên chất vấn.

Sau đó, trong thời gian còn lại của tuần thứ 3 (kỳ họp thứ 5), Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về Luật Công an nhân dân (sửa đổi), Luật Chăn nuôi và thảo luận tại hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019, dự án Luật Cảnh sát biển, Luật Trồng trọt.

Nội dung quan trọng khác là Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Quốc phòng (sửa đổi), Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018. 

Tags:
3.8 19 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Tin liên quan
Tỷ giá

Pháp luật

Mạo danh cán bộ ngân hàng tuyển dụng người nhân viên để lừa đảo
(Tieudung.vn) Công an TP Hà Nội thông tin, thời gian qua, địa phương có hiện tượng lừa đảo qua...
 
Cẩn trọng với lời mời cho vay lãi suất thấp qua tin nhắn
(Tieudung.vn) Gần đây, các thủ đoạn lừa đảo tài chính trực tuyến đang gia tăng, đặc biệt là hình...
 
Một viên chức ở Bình Dương xin phép xây nhà cho người ở...khi xây lại
(Tieudung.vn) Tháng 10/2020, HĐND tỉnh Bình Dương đã ban hành Nghị quyết về quy định xây nhà nuôi chim...

Muôn màu

Tử vi ngày 26/11/2024 của 12 cung hoàng đạo: Bảo Bình hãy chú ý nghỉ ngơi
(Tieudung.vn) Tử vi hàng ngày Thứ ba ngày 26/11/2024 của 12 cung hoàng đạo, Bảo Bình hãy chú...
 
Lễ hội Hoa hướng dương
(Tieudung.vn) Trong mùa lễ hội của những tháng cuối năm để chào đón năm mới sắp đến, du khách...
 
Tử vi ngày 25/11/2024 của 12 cung hoàng đạo: Song Ngư có cơ hội để gia tăng thu nhập
(Tieudung.vn) Tử vi hàng ngày Thứ hai ngày 25/11/2024 của 12 cung hoàng đạo, Song Ngư sẽ có...

Du lịch - Ẩm thực

Việt Nam tiếp tục được vinh danh là
(Tieudung.vn) Việt Nam vừa được Tổ chức Giải thưởng Golf thế giới (World Golf Awards) lần thứ 11 vinh...
 
Phở bò Việt Nam lọt top 20 món súp ngon nhất thế giới
(Tieudung.vn) Món phở bò của Việt Nam tiếp tục ghi danh trong danh sách 20 món súp ngon nhất...
 
3 điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống
(Tieudung.vn) An toàn thực phẩm là yếu tố quan trọng hàng đầu trong ngành kinh doanh dịch vụ ăn...
Giá nông sản
Nguồn: Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Xem thêm »

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
2.30962 sec| 1101.086 kb