Tại buổi làm việc của Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội chiều 6/4, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc sở GTVT Hà Nội đề nghị bộ GTVT chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành tuyến đường sắt đô thị số 2A (Cát Linh – Hà Đông).
Đồng thời đẩy nhanh việc hoàn thiện các thủ tục để có thể khởi công dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (Yên Viên – Ngọc Hồi) vào cuối năm 2018.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ vận hành vào tháng 10
Theo báo cáo của Bộ GTVT, hiện nay dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn đang vướng mặt bằng thi công hạng mục thoát nước đoạn Hoàng Cầu - Yên Lãng.
Bộ GTVT cho biết, BQL dự án đường sắt cũng nhiều lần làm việc và có công văn gửi Sở Xây dựng Hà Nội, Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị và công ty TNHH MTV công viên cây xanh Hà Nội khẩn trương bàn giao mặt bằng.
Tuy nhiên, đến nay Bộ vẫn chưa nhận được mặt bằng để thi công làm ảnh hưởng đến tiến độ của dự án. Bộ GTVT kiến nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các đơn vị nêu trên khẩn trương thực hiện và bàn giao mặt bằng.
Nói rõ tiến độ của dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, ông Vũ Hồng Phương - Phó Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho hay, trong năm 2017 có những vướng mắc nhất định về vốn của dự án.
“Gần đây nhất, Bộ trưởng Bộ GTVT cũng đã có văn bản trình Thủ tướng đề nghị điều chỉnh tiến độ dự án đến cuối năm 2018 thì sẽ hoàn thành và năm 2021sẽ kết thúc”, ông Phương nói.
Theo ông Phương, đến nay đơn vị này đã đề nghị các đơn vị liên quan tăng cường lực lượng thi công đồng bộ tất cả các hạng mục còn lại của dự án Cát Linh – Hà Đông. Về phần xây dựng, hiện chỉ còn 4% khối lượng dự án. 90% thiết bị liên quan đến dự án đã được mua sắm xong, 76% lượng thiết bị đã được lắp đặt.
Bộ trưởng Giao thông Nguyễn Văn Thể chỉ đạo: “Thời điểm này đã có tiền, tiến độ dự án nhà thầu cũng đang làm, mặt bằng không vướng mắc, lắp đặt thiết bị đã cơ bản. Do vậy, tôi chốt lại tháng 10 phải vận hành kỹ thuật tuyến đường sắt, tháng 12 phải vận hành thương mại. Và nếu các anh làm trễ thì phải chịu trách nhiệm”. Ông lưu ý các đơn vị liên quan phải xem xét kỹ quy trình vận hành, đặc biệt quan tâm giải quyết với những sự cố có thể xảy ra.
Trước thời điểm khai thác thương mại tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông vào dịp cuối năm, ông Thể lưu ý các đơn vị liên quan phải xem xét kỹ quy trình vận hành tuyến đường sắt, trong đó có vấn đề về đội ngũ cán bộ, công nhân viên và việc ứng xử với những sự cố có thể xảy ra.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông dài 13 km trên cao, điểm đầu tại ga Cát Linh, điểm cuối tại ga Yên Nghĩa (Hà Đông), toàn bộ 12 nhà ga trên cao và khu Depot dưới mặt đất, đường ray đôi khổ 1.435 mm. Dự án có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn 4 toa. Thời gian khai thác 3-5 phút/chuyến, tương lai 2 phút/chuyến; tốc độ thiết kế tối đa 80 km/h, tốc độ khai thác bình quân là 35 km/giờ.
Dự án có tổng mức đầu tư gần 553 triệu USD vào năm 2008, đến năm 2016, được điều chỉnh tổng mức đầu tư là hơn 868 triệu USD (tăng 315 triệu USD). Trong đó, phần vốn vay Trung Quốc là 669 triệu USD, vốn đối ứng Việt Nam là 198 triệu USD.