Hiệp định CPTPP đã chính thức có hiệu lực từ ngày 30/12/2018 đối với Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, New Zealand và Singapore - 6 quốc gia đầu tiên thông qua CPTPP.
Đối với Việt Nam, ngày 12/11/2018, tại Kỳ họp thứ VI Quốc hội khóa XIV, với 100% các vị đại biểu Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan. Theo đó, Hiệp định sẽ có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/1/2019.
Đại diện 11 nước thành viên ký CPTPP tại Chile vào tháng 3/2018.
Hiệp định CPTPP tạo nên một khu vực kinh tế tự do khổng lồ, có phạm vi thị trường khoảng 500 triệu người dân và chiếm 13% GDP toàn cầu. CPTPP thống nhất các quy định về đầu tư và dịch vụ đối với rất nhiều lĩnh vực, từng bước bãi bỏ thuế quan đối với các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp.
Thị trường của các nước tham gia CPTPP có quy mô lớn với GDP của cả khối chiếm 13,5% GDP toàn cầu, bao gồm Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới. Vì vậy, việc tham gia CPTPP về tổng thể là có lợi cho Việt Nam.
Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), các nước trong CPTPP cam kết xóa bỏ hoàn toàn từ 97 - 100% số dòng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam.
Ví dụ, 100% kim ngạch xuất khẩu thủy sản và 100% kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam được xóa bỏ thuế quan ngay khi xuất khẩu vào Canada. Hay Singapore xóa bỏ hoàn toàn thuế quan đối với tất cả mặt hàng của VN ngay khi thực hiện.
Nhật Bản lần đầu tiên xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu cho đại đa số nông, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam...
Ngược lại, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 66% số dòng thuế ngay khi CPTPP có hiệu lực và 86,5% số dòng thuế sau 3 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Đối với các mặt hàng đặc biệt nhạy cảm, Việt Nam có lộ trình trên 10 năm như bia, rượu, thịt gà, sắt thép, ô tô con động cơ dưới 3.000 phân khối.
Riêng sản phẩm đường, trứng, muối và ô tô đã qua sử dụng, VN áp dụng hạn ngạch thuế quan... Với mức độ cam kết như vậy, theo nghiên cứu chính thức của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ tăng thêm 4,04% đến năm 2035.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó đáng chú ý là việc hoàn thiện khung khổ pháp luật, thể chế.
Để thực thi cam kết trong CPTPP, sẽ phải điều chỉnh, sửa đổi một số quy định pháp luật về thương mại, hải quan, sở hữu trí tuệ, lao động, công đoàn... để tuân thủ những chuẩn mực mới của hiệp định.
CPTPP được kỳ vọng sẽ mang đến cơ hội cho hàng Việt xuất sang các nước đã phê chuẩn CPTPP với nhiều ưu đãi thuế quan, nhưng cũng kèm theo các điều kiện chặt chẽ.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi các Bộ: Công Thương, NN-PTNT, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Tư pháp, Ngoại giao, Kế hoạch và Đầu tư về hoàn thiện Kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP.
Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ: NN-PTNT, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Tư pháp và các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng “Luật sửa một số Luật để thực thi Hiệp định CPTPP” để trình Quốc hội cho phép thực hiện theo trình tự, thủ tục rút gọn và trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 5/2019.
Hiệp định CPTPP được 11 nước thành viên sáng lập gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Singapore, New Zealand, Peru và Việt Nam ký kết hồi tháng 3/2018 tại Chile.