Tham dự kỳ họp thứ 7 có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM...
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết, theo thống kê cho thấy cán bộ công chức viên chức TP.HCM có năng suất lao động cao gấp 1,5 lần bình quân cả nước, nhưng thu nhập lại chưa tương xứng với công sức bỏ ra và mức sống ở TP.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu
Vì vậy, từ ngày 1/4/2018, cán bộ, công chức và viên chức ở TP.HCM được tăng thêm thu nhập.
Theo nghị quyết, hệ số điều chỉnh thu nhập tăng thêm được điều chỉnh theo lộ trình là năm 2018 tăng tối đa 0,6 lần, năm 2019 tăng tối đa 1,2 lần và năm 2020 tăng tối đa 1,8 lần so với tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ.
Điều kiện để được tăng thu nhập, căn cứ vào hiệu quả công việc, những công chức nào được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên mới được xem xét tăng thu nhập.
Giám đốc Sở Tài chính Phan Thị Thắng cho biết Sở Tài chính sẽ phối hợp với Sở Nội vụ có hướng dẫn cụ thể để triển khai thực hiện.
“Thu nhập tăng thêm cần thực hiện hàng tháng, hàng quý nhằm đảm bảo khuyến khích đối với cán bộ, công chức, viên chức”, bà Phan Thị Thắng chia sẻ và lưu ý đối với những cán bộ, công chức, viên chức bị khiếu nại, tố cáo và được xác định là đúng thì không được chi thu nhập tăng thêm.
Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến khẳng định, mức tăng tùy theo hệ số lương, mức lương của từng người chứ không cào bằng. Ngoài ra, thu nhập tăng thêm chỉ được thực hiện đối với những cán bộ, công chức, viên chức được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Thủ trưởng từng sở ngành, đơn vị phải chịu trách nhiệm trong việc đánh giá cán bộ.
Hiện nay ở TP.HCM có hơn 11.600 công chức, gần 122.160 viên chức và 6.440 cán bộ không chuyên trách xã - phường - thị trấn.
Theo tính toán, để tăng thu nhập trong năm 2018, TP.HCM cần hơn 2.340 tỷ đồng.
Đại biểu thông qua nghị quyết
Cũng trong buổi làm việc này, khi góp ý vào đề án thu phí đỗ xe tại lòng, lề đường một số đại biểu tỏ ra băn khoăn về cách thức và phân chia khu vực thu phí.
Theo đó, đại biểu Võ Thị Ngọc Thuý cho rằng việc tăng phí là cần thiết, tuy nhiên cần phải “vừa siết vừa tạo điều kiện” cho những người dùng ô tô.
Cụ thể, phải đưa ra giá phù hợp với khu vực và lưu lượng giao thông, nơi đông đúc cần thu phí cao và ngược lại.
Trong khi đó đại biểu Trương Trung Kiến lo ngại rằng: “Phải chăng chỉ những người biết dùng ứng dụng thông minh mới được đỗ xe?”. Cũng theo ông, khảo sát cho thấy khá nhiều lái xe hiện không thông thạo công nghệ.
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Bùi Xuân Cường nhận định thu phí theo hai khu vực là hợp lý.
Tuy vậy ông cũng cho biết sở đang cập nhật và công khai các bãi xe trong cao ốc, trung tâm thương mại để tiến tới thu phí theo tuyến đường.
Cũng theo ông, hiện nay tại quận 1, 3, 5 có 110 tuyến đường rộng trên 10m cho phép đậu xe không thu phí, nên tới đây sẽ sẽ xem xét đưa vào danh mục thu phí để tăng nguồn thu cho cộng đồng và kiểm soát nhu cầu giao thông.
Ông Cường còn thông tin rằng, thành phố đã triển khai thu phí điện tử trên một số tuyến đường tại quận 1 trong 3 tháng vừa qua và dự kiến sẽ nhân rộng ra toàn thành phố thời gian tới.
Theo tờ trình của UBND, mức thu phí dừng đỗ ôtô dưới lòng sẽ cao hơn 20%-25% so với giá giữ xe của các bãi giữ xe tại các trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng trên địa bàn TP.
Cụ thể, thu 25.000-30.000 đồng cho một giờ đậu xe. Những ô tô dừng, đỗ lâu sẽ phải đóng phí cao hơn. Cụ thể, mức phí cao nhất 170.000 đồng/ô tô trong 5 giờ đầu tiên.
Mức phí cũng tính tăng lũy tiến theo giờ chứ không theo lượt như hiện nay và áp dụng cho hai nhóm: ô tô đến 9 chỗ; xe tải dưới 1,5 tấn và ô tô từ 10 chỗ; xe tải trên 1,5 tấn đến dưới 2,5 tấn.
TP.HCM dự kiến chỉ thu phí dừng, đỗ xe ô tô từ 6 giờ sáng đến 24 giờ, ngoài khung giờ này sẽ không phải đóng phí.