Quy định mới về tính lãi tiền gửi với khách hàng
Từ ngày 1/1/2018, phương pháp tính lãi trong hoạt động nhận tiền gửi, cấp tín dụng giữa tổ chức tín dụng với khách hàng được thực hiện theo quy định tại Thông tư 14/2017/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước ban hành.
Quy định mới về tính lãi tiền gửi với khách hàng
Điểm nổi bật trong thông tư mới này là quy định về tính lãi. Theo đó, lãi suất tính lãi được quy đổi theo lãi suất năm, một năm được xác định là 365 ngày.
Thời gian qua, cách tính lãi nói trên thực hiện theo Quyết định số 652/2001/QĐ-NHNN từ năm 2001, có những vướng mắc, cũng như có thay đổi trong các văn bản pháp lý mới ban hành. Trong đó, vướng mắc chính là quy định về số ngày trong một năm tại Quyết định 652 chưa thống nhất với Luật Dân sự hiện hành và số ngày thực tế trong năm.
Ngoài ra, thông tư mới cũng quy định tổ chức tín dụng được thỏa thuận với khách hàng xác định thời hạn tính lãi theo một trong hai phương pháp: phương pháp bỏ ngày đầu, tính ngày cuối của thời hạn tính lãi (theo quy định tại Điều 147 và Điều 148 Bộ Luật Dân sự) hoặc phương pháp tính ngày đầu, bỏ ngày cuối của thời hạn tính lãi.
Tổ chức tín dụng và khách hàng được thỏa thuận về mức lãi suất, phương pháp tính lãi phù hợp với quy định của pháp luật về nhận tiền gửi, cấp tín dụng và quy định tại thông tư này.
Ngoài ra, một số quy định, chính sách mới về mức tiền pháp nhân thương mại phải nộp để bảo đảm thi hành án; Quản lý cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam; Nguyên tắc niêm phong, mở niêm phong vật chứng; Quy định chế độ báo cáo về điều tra hình sự; Tổ chức và hoạt động của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước…cũng sẽ có hiệu lực từ tháng 1/2018.
Năm tội bỏ án tử hình từ 2018
9 tội danh mới trong Bộ luật Hình sự 2015 sẽ thay thế tội Cố ý làm trái quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.Đồ hoạ: Việt Chung
9 tội danh mới thay thế tội Cố ý làm trái quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.Đồ hoạ: Việt Chung
Từ ngày 1/1/2018, Bộ luật Hình sự 2015 chính thức có hiệu lực, theo đó 11 tội danh tại Bộ luật Hình sự 1999 không còn gồm Kinh doanh trái phép; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Báo cáo sai trong quản lý kinh tế; Tảo hôn; Đăng ký kết hôn trái pháp luật. Trong đó, tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng được thay thế bằng 9 tội danh mới.
Nhiều tội danh khác bỏ án tử hình gồm Cướp tài sản, Đầu hàng địch, Chống mệnh lệnh, Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, Phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia.
Ngoài Luật này, từ tháng 1/2018, nhiều Luật khác cũng có hiệu lực như Bộ Luật Tố tụng hình sự; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Luật Trợ giúp pháp lý; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; Luật Quản lý ngoại thương; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Luật Du lịch.
Phạt tù chủ doanh nghiệp trốn đóng BHXH
Bộ Luật Hình sự (BLHS) 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018 cũng quy định xử lý hình sự đối với tội trốn đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (NLĐ).
Cụ thể: gian dối, không đóng hoặc đóng không đầy đủ BH từ 6 tháng trở lên (trốn đóng từ 50 triệu đến dưới 300 triệu đồng; trốn đóng cho từ 10 đến dưới 50 NLĐ) đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt tiền 50-200 triệu đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm. Nếu pháp nhân thương mại phạm tội thì bị phạt tiền 200-500 triệu đồng.
Phạm tội 2 lần trở lên, trốn đóng BH từ 300 triệu đến dưới 1 tỉ đồng, trốn đóng BH cho từ 50 đến dưới 200 người, không đóng số tiền BH đã thu hoặc đã khấu trừ của NLĐ (theo quy định tại điểm a hoặc điểm b, khoản 1, điều 216 BLHS 2015), bị phạt tiền 200-500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Nếu pháp nhân thương mại phạm tội, phạt tiền từ 500 triệu đến 1 tỉ đồng.
Trốn đóng BH 1 tỉ đồng trở lên, trốn đóng BH cho 200 người trở lên, không đóng số tiền BH đã thu hoặc đã khấu trừ của NLĐ (theo quy định tại điểm b hoặc điểm c, khoản 2, điều 216 BLHS 2015), bị phạt tiền từ 500 triệu đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù 2-7 năm. Nếu pháp nhân thương mại phạm tội, phạt tiền 1-3 tỉ đồng.
Ôtô hết niên hạn bị thu hồi
Theo Quyết định 16/2015 của Thủ tướng về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ, các loại ôtô, xe máy hết hạn sử dụng sẽ bị thu hồi vào tháng 1/1/2018.
Nhà sản xuất có trách nhiệm tổ chức thu hồi, tiếp nhận sản phẩm thải bỏ do doanh nghiệp đã bán ra thị trường Việt Nam và được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ. Các nhà sản xuất có thể liên kết để cùng thực hiện thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ. Người tiêu dùng được lựa chọn các hình thức như tự chuyển hoặc chuyển giao cho tổ chức, cá nhân thu gom để vận chuyển đến điểm thu hồi và được hưởng quyền lợi theo chính sách của nhà sản xuất...
Lương tối thiểu vùng tăng
Lương tối thiểu vùng tăng
Nghị định số 141/2017 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng với người lao động làm việc ở doanh nghiệp từ ngày 1/1/2018 như sau: Vùng một 3.980.000 đồng/tháng; vùng hai 3.530.000 đồng/tháng; vùng ba 3.090.000 đồng/tháng; vùng bốn 2.760.000 đồng/tháng.
Mức lương mới cao hơn mức cũ khoảng 180.000 - 230.000 đồng/tháng. Địa bàn áp dụng lương tối thiểu vùng quy định theo đơn vị hành chính cấp quận, huyện, thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh.
Vi phạm hành chính về xây dựng phạt đến 1 tỷ đồng
Có hiệu lực từ ngày 15/1/2018, Nghị định 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở.
Theo đó, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực hoạt động đầu tư xây dựng là 1 tỷ đồng; trong lĩnh vực khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở là 300 triệu đồng.
Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với tổ chức (trừ một số trường hợp). Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.
Người ngồi ghế sau ôtô không thắt dây an toàn bị phạt tiền
Điều khoản "phạt tiền 100.000-200.000 với người ngồi trên ôtô không thắt dây an toàn tại vị trí có trang bị dây an toàn khi xe đang chạy" thuộc Nghị định 46/2016 chính thức có hiệu lực từ 1/1.
Điểm mới của nghị định này so với nghị định 171/2013 trước đó là mọi vị trí đều phải thắt dây an toàn, trong khi quy định cũ chỉ bắt buộc điều này với tài xế và người ngồi cạnh tài xế. Quy định mới được đánh giá là chặt chẽ và cần thiết hơn so với trước đây, buộc người đi xe ôtô hình thành thói quen thắt dây an toàn, ý thức vốn còn thiếu ở Việt Nam.