Hồi cuối tháng 7/2019, các cơ quan quản lý văn hóa của Việt Nam từng ngăn chặn thành công vòng bán kết cuộc thi chui “Hoa hậu Doanh nhân Việt – Hàn 2019”. Tuy nhiên, đến giữa tháng 8, các phương tiện truyền thông lại rầm rộ đưa tin về đêm chung kết cuộc thi diễn ra tại Hàn Quốc với rất nhiều danh hiệu được trao. Ngoài top 3 và thí sinh số 008 – Nguyễn Thị Thu Huyền đăng quang hoa hậu, Ban tổ chức còn trao các giải phụ - các tấm biển giải phụ đều có danh xưng hoa hậu đi kèm: Hoa hậu làn da đẹp, hoa hậu truyền thống, hoa hậu dạ hội, hoa hậu tài năng, hoa hậu áo dài, hoa hậu phong cách.
Trao “cả rổ hoa hậu”, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn bảo không liên quan! |
Thực tế điều kiện để cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Việt – Hàn 2019 trao danh hiệu đã dễ dãi từ khâu tuyển thí sinh. Ví như: Thí sinh có thể phẫu thuật thẩm mỹ, thí sinh tham dự có độ tuổi từ 20 trở lên và không có tuổi “chốt” (nghĩa là 60 tuổi vẫn có thể là hoa hậu). Đây là những quy định cấm kỵ trong điều lệ thi hoa hậu trong nước.
Sau khi thông tin vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Việt – Hàn được lộ ra ngoài, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã liên lạc với quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD - Bộ VHTT&DL) Nguyễn Quang Vinh thì nhận được câu trả lời thiếu trách nhiệm: “Tôi có để ý mấy cái đó đâu. Có thông tin chính thức không?”. Mặc dù các phương tiện truyền thông đã đăng tải thông tin, hình ảnh nhưng quyền Cục trưởng Cục NTBD vẫn cho rằng phải có thông tin chính thức. Nghĩa là ông Vinh chưa nhận được văn bản từ cơ quan thẩm quyền nên chưa xử lý và trả lời.
Trong khi đó, mặc dù cuộc thi tổ chức tại Hàn Quốc, nhưng có gắn chữ Việt Nam, mang danh và hình ảnh quốc gia ra nước ngoài. Ít nhất có 50% thí sinh tham gia cuộc thi là sinh sống và làm việc tại Việt Nam… nhưng Bộ VHTT&DL, và cụ thể là lãnh đạo Cục NTBD vẫn im lặng vì cho rằng không thuộc thẩm quyền của mình!
Bộ VHTT&DL không chỉ im lặng trước cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Việt – Hàn, mà không lên tiếng, không có văn bản chỉ đạo các sở VH&TT, sở VHTT&DL trực thuộc chuyên ngành cấp dưới để chấn chỉnh vấn đề quản lý và cấp phép các chương trình biểu diễn nghệ thuật. Thế nên mới có chuyện, dù đã có bài học Nữ hoàng Thương hiệu Việt 2019, nhưng liên tiếp sau đó vẫn có Tìm kiếm Thiên tài nhí, hay nhiều cuộc thi Hoa hậu và nam vương... dễ dàng tổ chức họp báo rồi thi chui.
Mặc dù, đại diện Cục NTBD khẳng định, đối tượng là doanh nhân do Bộ Công Thương quản lý, hay nữ hoàng thương hiệu là của lĩnh vực thương mại và công nghiệp… nhưng nếu Bộ VHTT&DL không có văn bản gửi các bộ, ngành liên quan để cùng chấn chỉnh thì những đơn vị này khó mà biết được Việt Nam chưa công nhận thi nam vương, hoặc cấp phép hoa hậu cần những điều khoản gì… Chỉ có các đơn vị tổ chức là giỏi lách luật, tìm khe hở để dễ dàng tổ chức thi hoa hậu. Thay vì phải xin cấp phép trong nước, họ kéo ra nước ngoài – những nơi không cấp phép tổ chức thi hoa hậu, người mẫu, người đẹp để có thể danh chính ngôn thuận.
Hiện nay Cục NTBD đang nghiên cứu xây dựng Nghị định mới thay thế Nghị định 79/2012/NĐ-CP và Nghị định 15/2016/NĐ-CP để có thể quản lý chặt chẽ hơn hoạt động nghệ thuật, biểu diễn. Cụ thể là hướng đến có thể xử phạt được các doanh nhân vì đi thi không xin phép trong cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Việt – Hàn 2019. Tuy nhiên, để xây dựng, lấy ý kiến, hoàn thiện Nghị định mới, trình Chính phủ Ban hành có thể còn mất cả năm. Và khó có luật nào có thể khái quát, quản lý được tất cả các chương trình, giảm tránh hoàn toàn vi phạm. Điều này đòi hỏi cơ quan quản lý phải linh hoạt xử lý trong từng trường hợp. Đặc biệt không thể im lặng trước những vi phạm của một lĩnh vực thuộc ngành mình quản lý. |