Trung ương Hội nghệ nhân và thương hiệu Việt Nam vừa tạo ra một câu chuyện trào phúng mang tính “giải trí” cao, bằng cuộc thi “sắc đẹp” mang tính tự phát - “Nữ hoàng Văn hóa Tâm linh”. Nó hài ở chỗ dư luận lần đầu tiên biết đến nhưng chỉ là qua… Facebook.
Thí sinh “chiến thắng” cuộc thi này ra mắt công chúng không phải với tư cách là “Nữ hoàng” mà lại là Phó Trưởng Ban Phát triển thương hiệu và Chống hàng giả Việt Nam. Điều này đủ thấy những người tổ chức cuộc thi “sắc đẹp” kiểu như thế này đã không vì… sắc đẹp. Họ chỉ đơn thuần là “vẽ” ra hàng chục loại “vương miện” với tên gọi khác nhau, rồi chụp lên đầu các thi sinh. Cho nên, số lượng “nữ hoàng, hoa hậu” xuất hiện ngày càng nhiều, như nấm sau mưa. Đi đâu người ta cũng có thể nghe và thấy… “hoa hậu không công chúng”!
“Nữ hoàng Văn hóa Tâm linh” là cô đồng Phạm Nữ Hiền Ngân |
Người được trao danh hiệu “Nữ hoàng Văn hóa Tâm linh” là cô đồng Phạm Nữ Hiền Ngân. Khi mới đăng quang, cô được báo chí đưa tin khi thỏa mãn hàng loạt các tiêu chí “đóng góp cho văn hóa nước nhà” như: Bảng vàng Tâm tài đất Việt vì sự phát triển của cộng đồng; danh hiệu trái tim vàng vì cộng đồng; hãng phim Mỹ (không biết là hãng phim Mỹ nào?) bình chọn là cô hầu đồng đẹp nhất để quảng bá Hầu đồng Việt Nam đi khắp thế giới…
Đây là những tiêu chí mơ hồ, khó định lượng và đặc biệt là không nằm trong bất cứ tiêu chí nào của các cuộc thi sắc đẹp thông thường. “Nữ hoàng Văn hóa Tâm linh” vì thế đã trở thành một trong những danh xưng hão, được “bán” cho những người… háo danh?
Trước đó, cũng chính Trung ương Hội Nghệ nhân và thương hiệu Việt Nam cùng Công ty Xuất nhập khẩu ôtô Ngọc Minh là đơn vị trao các danh hiệu “nữ hoàng” khác như “Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam về lĩnh vực tài nguyên môi trường”, “Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam ngành thực phẩm”, “Nữ hoàng trang sức Việt Nam”.
Như vậy có thể hiểu, Trung ương Hội Nghệ nhân và thương hiệu Việt Nam và Công ty Xuất nhập khẩu ôtô Ngọc Minh hiện đang nắm bản quyền của khá nhiều cuộc thi tạo “nữ hoàng”. Hai đơn vị này cũng chính là nhà tổ chức cuộc thi chung kết Nữ hoàng thương hiệu Việt 2019 dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 13/7 tới đây tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội. Chương trình được quảng bá là tìm kiếm và trao giải cho người xứng đáng giành ngôi vị “Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam”.
Tuy nhiên, đại diện Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội cho biết, Sở chỉ tiếp nhận chương trình biểu diễn nghệ thuật “Tôn vinh nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019” của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc cấp cho Công ty Xuất nhập khẩu ôtô Ngọc Minh tổ chức, chứ không phải cuộc thi “Nữ hoàng thương hiệu”…
Pano quảng cáo chương trình trao giải Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019. |
Khi bàn đến tiêu chuẩn các cuộc thi sắc đẹp, người ta thường lấy tham chiếu vào các tiêu chí của Cuộc thi Hoa hậu Thế giới (Miss World), vì có đến trên 2 tỉ người theo dõi trên cả thế giới. Và để trở thành Hoa hậu Thế giới chắc chắn các thí sinh phải đạt được những tiêu chuẩn hết sức khắt khe về nhan sắc, kỹ năng và cả đạo đức cá nhân.
Tại Việt Nam, các cuộc thi sắc đẹp cũng dựa vào các tiêu chí, thể lệ của cuộc thi Hoa hậu Thế giới. Điển hình nhất là trong cuộc thi “Hoa hậu Việt Nam”. Đó là đối tượng tham gia cuộc thi hoa hậu là nữ công dân Việt Nam tuổi từ 18 đến 27 (tính theo năm sinh ghi trong giấy khai sinh).
Điều kiện tiếp theo là thí sinh đăng ký tham dự cuộc thi hoa hậu phải hội đủ các tố chất như: Có đạo đức tốt; Có vẻ đẹp tự nhiên; Không có tiền án, tiền sự, không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Chưa lập gia đình (được hiểu là: Chưa tổ chức đám cưới, chưa đăng ký kết hôn lần nào và chưa sống chung với ai như vợ chồng); Chưa sinh con; Trình độ văn hóa: Tốt nghiệp Trung học phổ thông trở lên (tính đến thời điểm Vòng Chung kết chính thức bắt đầu); Chiều cao 1m65 trở lên, chưa từng qua giải phẫu thẩm mỹ, chưa từng qua chuyển đổi giới tính…
Những thí sinh giành chiến thắng trong các cuộc thi sắc đẹp mà không hội đủ các các tiêu chí này thì chỉ là danh hão và khó được công chúng chấp nhận. Như vậy, mọi thí sinh đã giành vương miện trong bất cứ cuộc thi sắc đẹp nào cũng phải thỏa mãn các tiêu chí về: Tri thức, đạo đức và thẩm mỹ. Đồng thời, người giành vương miện và các giải thưởng phụ trong các cuộc thi sắc đẹp đều phải thực hiện các cam kết hành động là đóng góp vào sự phát triển chung của cộng đồng, qua các hoạt động vì nhân đạo, vì môi trường…
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, nhiều cuộc thi sắc đẹp có nội dung và hình thức tương tự cũng được cấp phép tổ chức tràn lan, với rất nhiều người đạt danh hiệu “nữ hoàng, hoa hậu, hoa khôi, người đẹp” khiến cuộc thi Hoa hậu Việt Nam bị giảm hẳn sức hút. Ngược lại, nó còn mang nhiều tai tiếng trong dư luận.
Giờ đây, công chúng trở lên quá nhàm chán và ít quan tâm đến các cuộc thi sắc đẹp như: Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu biển, Hoa hậu đại dương, Hoa hậu bản sắc Việt, Hoa hậu các dân tộc, Hoa hậu Thế giới Người Việt, Hoa hậu quý bà, Hoa hậu doanh nhân, Hoa khôi Thời trang, Hoa hậu Thể thao Việt Nam, Hoa khôi Du lịch... Vì sau khi giành giải thưởng, các người đẹp ít xuất hiện trong các chương trình thiện nguyện mà lại sa đà vào các hoạt động cá nhân như: Dấn thân vào showbiz, scandal, tình, tiền hay đánh bóng công việc sản xuất, kinh doanh…
Theo Nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên, hiện nay có nhiều công ty đứng ra tổ chức các cuộc thi người đẹp nhằm mục đích thương mại, kiếm tiền là chính, chứ không chú ý vào mục đích tôn vinh cái đẹp. Điều này đã dẫn đến các cuộc thi nhan sắc vàng thau lẫn lộn, trao giải tùy tiện, loạn danh hiệu.
Vì vậy, các cơ quan quản lý cần vào cuộc, lấp đầy các kẽ hở của pháp luật và chấn chỉnh cách trao danh hiệu sắc đẹp vô tội vạ của một số tổ chức, cá nhân nhằm mục đích trục lợi, kiếm tiền, làm nhiễu loạn đời sống văn hóa.