Chiều ngày 29/1, Tạp chí Du lịch TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức Lễ trao giải cuộc thi “Đi tìm vị Sài thành” và tọa đàm “Sài thành - Vị giao hòa thương nhớ”.
Phát biểu tại sự kiện, Nhà báo Nguyễn Thị Thu Hà - Tổng Biên tập Tạp chí Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, cuộc thi được phát động vào giữa tháng 12/2023, thu hút hơn 200 tác phẩm dự thi của bạn đọc khắp mọi miền đất nước, với nhiều thể loại như bài viết, ảnh, clip…
Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Tổng Biên tập Tạp chí Du lịch TP Hồ Chí Minh (thứ hai từ phải) trao giải cho các tác giả đoạt giải trong cuộc thi “Đi tìm vị Sài thành”. Ảnh: BTC
Các tác phẩm phác thảo một bức tranh ẩm thực TP Hồ Chí Minh đa dạng, đậm dấu ấn; trong đó, nhiều bài dự thi có góc nhìn riêng với những kiến giải cá tính cũng như sự dày công nghiên cứu từ góc độ lịch sử, thổ nhưỡng, khí hậu… Một số bài viết còn mang tới dấu ấn TP Hồ Chí Minh qua các thời kỳ lịch sử, dù chỉ thông qua một vài món ăn dân dã như bánh bao, chè, cà phê…
Kết quả, ban tổ chức đã trao giải Nhất cho tác phẩm “Phở Sài Gòn, vị nostalgia” của tác giả Huỳnh Thịnh. Giải Nhì thuộc về tác phẩm “Vị nhớ Sài thành”, tác giả Ân Điền. Tác giả Ngô Tú Ân đạt giải Ba với tác phẩm “Sài Gòn - Tứ phương tròn một vị”
Ngoài ra, ban tổ chức còn trao 4 giải Khuyến khích gồm: Sài Gòn, vị mưa, vị nắng ( tác giả Trần Văn Thiên); Cheo Leo – Vị của thời gian (tác giả Huỳnh Thịnh); Phố Sài thành có vị gì? (tác giả Hoài Hương) và Cây lá hoa trong ẩm thực Sài thành (tác giả Nguyễn Thu).
Quang cảnh buổi tọa đàm "Sài thành - Vị giao hòa thương nhớ". Ảnh: BTC
Ban tổ chức cũng trao giải Clip truyền cảm hứng cho clip Chè bưởi Mẹ Siêu Nhân: Từ vỏ bưởi đắng chát đến vị ngọt của tình người (tác giả Tấn Đạt); giải Clip ấn tượng nhất: Bánh mì Sài Gòn - trải nghiệm ẩm thực được yêu thích ở Radisson Blu Resort Cam Ranh (tác giả Lê Bá Vũ); Giải Bài viết được yêu thích nhất: Bạc xỉu - Vì ngon ngọt, vị ký ức (tác giả Cao Thuận).
Cũng tại sự kiện, trong khuôn khổ tọa đàm “Sài thành - Vị giao hòa thương nhớ”, các chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa, ẩm thực Việt đã có nhiều chia sẻ và những góc nhìn khác nhau về ẩm thực Sài Gòn.
Dưới góc nhìn của một người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Đông y, dược sĩ Phan Xuân Hiển - Giám đốc Công ty TNHH Vạn Xuân, nhà đồng hành khăng khít cùng cuộc thi từ những ngày đầu, cho rằng, bên cạnh sự gần gũi, thân thiện, chan chứa tình người trong món ăn ở Sài Gòn thì còn một khía cạnh khác cũng cần được lưu tâm. Đó chính là sự cân bằng của tính âm dương ngũ hành trong mỗi món ăn một cách khoa học, thể hiện nền móng của triết học phương Đông. Vì vậy, mỗi món ăn của nền ẩm thực Việt Nam nói chung hay tại Sài Gòn nói riêng đều là một vị thuốc quý, và tất cả chúng cần được lan tỏa mạnh mẽ đến bạn bè quốc tế.
Dược sĩ Phan Xuân Hiển - Giám đốc Công ty TNHH Vạn Xuân đã có những chia sẻ đầy thú vị về ẩm thực qua góc nhìn của Y học cổ truyền. Ảnh: BCT
Trong khi đó, ông Chiêm Thành Long - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển ẩm thực Việt Nam đánh giá, ẩm thực của Sài Gòn có nét đặc trưng không thể trộn lẫn. Sự độc đáo này đã khiến cho những ai từng thưởng thức hương vị của Sài Gòn, dù chỉ một lần, đều khó thể nào quên nên dù có đi đâu xa, lòng người vẫn bồi hồi thương nhớ hương vị nơi này.
Riêng với Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu - Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử TP Hồ Chí Minh, vị Sài thành lại thấm đượm nghĩa tình. “Tất cả những người tôi đã tiếp xúc tại Sài Gòn khi nhắc nhớ về nơi này đều nói về cái tình của người Sài Gòn”. Theo Tiến sĩ, Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh nói chung là TP ôn hòa và những cư dân của nơi đây đều vô cùng cởi mở, dễ chấp nhận nhiều luồng văn hóa đan xen. “Nhưng không đồng nghĩa họ dễ tính, họ vẫn có sự chắt lọc của riêng mình. Và nhờ vậy, thông qua sự dễ chấp nhận có chọn lọc này đã tạo nên một hương sắc riêng có cho TP Hồ Chí Minh”.
Hơn 300 năm hình thành và phát triển, Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh được biết đến như vùng đất hội tụ tinh hoa của ba miền đất nước, ở đó, sự phong phú về ẩm thực vùng miền là nét nổi bật. Trong từng mùi vị của mỗi món ngon được bày bán trên khắp nẻo đường Sài Gòn không chỉ chứa đựng tinh tuý ẩm thực vùng miền mà còn gói ghém bao nỗi nhớ, niềm thương quê nhà của những người con xa quê. Chính phong vị riêng có ấy tạo nên một kho tàng đặc sản bất tận cho thành phố, mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị, giúp Sài Gòn trở thành điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á.