Trao đổi với PV báo Kinh tế và Đô thị, một cán bộ UBKT Quận ủy quận 3, TP Hồ Chí Minh, cho biết đơn vị đang tiến hành xem xét xử lý kỷ luật về đảng đối với ông Đỗ Đình Đảo, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Diệu. “Đúng ra là xử lý rồi. Nhưng ổng (tức ông Đảo) cứ lên xuống đưa đơn nên thời gian cứ kéo dài, vì vậy phải báo cáo Ban Thường vụ xử lý”, vị cán bộ UBKT Quận ủy quận 3, nói.
Ngôi trường nơi ông Đỗ Đình Đảo đang giữ chức hiệu trưởng |
Về lý do tại sao ông Đỗ Đình Đảo đã bị Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh ký quyết định kỷ luật với hình thức “Khiển trách” từ tháng 5/2019. Nhưng đến tháng 10/2019, vẫn chưa kỷ luật về đảng đối với ông Đảo? Vị cán bộ UBKT Quận ủy quận 3, giải thích: “Quyết định của Sở GD&ĐT về việc kỷ luật ông Đỗ Đình Đảo được ban hành ngày 13/5. Nhưng phải đến ngày 24/7, Sở GD&ĐT mới gửi, sau khi UBKT Quận ủy gọi điện hỏi. Do đó mới có việc chậm trễ. Đến khi xuống chi bộ nhà trường kiểm điểm, phải mất hơn một tháng phía trường mới gửi hồ sơ lên UBKT Quận ủy, nên mới kéo dài thời gian và chúng tôi phải báo báo với Thường vụ chứ không trình. Việc có 16/17 đảng viên ở chi bộ nhà trường bỏ phiếu không kỷ luật ông Đảo thì đó chỉ để tham khảo, còn quyết định do trên này”.
Trước đó Chuyên trang Tieudung.vn thuộc báo Kinh tế & Đô thị đã phản ánh trong quá trình công tác, ông Đỗ Đình Đảo, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Diệu đã để xảy ra nhiều sai phạm. Từ thông tin Chuyên trang Tieudung.vn đăng tải, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh đã lập Đoàn Thanh tra để “Thanh tra đột xuất Trường THPT Nguyễn Thị Diệu”.
Đến ngày 25/3, Sở GD&ĐT ban hành Kết luận Thanh tra (KLTT) số 948/GDĐT-TTr. Bản KLTT của Sở GD&ĐT chỉ rõ công tác quản lý tài chính của Hiệu trưởng Đỗ Đình Đảo trong các năm 2016, 2017 và 2018: Hồ sơ công khai tài chính tại đơn vị không đầy đủ; Không ban hành quyết định công bố công khai ngân sách của đơn vị dự toán ngân sách.
Đối với các hoạt động dịch vụ của trường trong các năm 2016, 2017 và 2018 gồm căng tin, bãi giữ xe, hoạt động khác, như: Giữ xe ngoài giờ hành chính; Cho thuê địa điểm bán văn phòng phẩm; Cho thuê phòng học; Cho thuê nhà thi đấu. Bản KLTT nêu: “Trường không ban hành quy chế quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý của đơn vị; Không thực hiện đề án sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết; Hồ sơ tổ chức đấu thầu dịch vụ bãi giữ xe trong giai đoạn 2016-2018 theo hình thức chào hàng cạnh tranh rút gọn - thực hiện chưa đúng; Việc tổ chức đấu giá hoạt động dịch vụ căn tin và bãi giữ xe trong năm 2018 lại căn cứ vào Thông tư đã hết hiệu lực; Hoạt động dịch vụ của đơn vị không thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế; Căn cứ vào Nghị định đã hết hiệu lực để lập Quy chế chi tiêu nội bộ.
Bản KLTT của Sở GD&ĐT còn khẳng định việc tiếp nhận học sinh khi chưa có ý kiến của Sở GD&ĐT là thực hiện sai quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; Việc đưa ông Cấn Kim Tuyến là nhân viên bảo trì máy vi tính và văn thư giảng dạy môn tin học cho học sinh THPT lớp 11 là chưa phù hợp trình độ chuẩn chuyên môn cấp học, vi phạm Thông tư liên tịch số 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/9/2015 của Bộ GD&ĐT và Bộ Nội Vụ; Việc ký kết hợp đồng lao động với người lao động làm nhân viên kỹ thuật, nhưng phân công giảng dạy là trái Luật Lao động.
Đến ngày 13/5, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh ký quyết định kỷ luật với hình thức “Khiển trách” đối với ông Đỗ Đình Đảo, Hiệu trường Trường THPT Nguyễn Thị Diệu. Thời gian kỷ luật đối với ông Đảo là 12 tháng, tính từ ngày 16/5/2019.
Theo Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về “Xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm”, tại khoản 6 điều 2 (Nguyên tắc xử lý kỷ luật), nêu rõ: “…; Khi các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội đình chỉ công tác, khởi tố bị can hoặc thi hành kỷ luật đối với cán bộ, hội viên, đoàn viên là đảng viên thì phải thông báo ngay bằng văn bản cho tổ chức đảng quản lý đảng viên đó biết. Chậm nhất là 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo, tổ chức đảng quản lý đảng viên phải xem xét, xử lý kỷ luật về Đảng”. |