Cựu Chiến binh, bảo vệ trường tố cáo Hiệu trưởng...
Theo đơn của ông Nguyễn Văn Hợi tố cáo ông Đỗ Đình Đảo (SN 1982, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Diệu) với rất nhiều nội dung. Cụ thể ông Đảo đưa ông Đỗ Bá Đạt (cháu) vào làm thủ quỹ, quản lý tất cả các loại quỹ, nhưng không công khai minh bạch trước tập thể sư phạm, gồm: Các khoản tiền thu từ dịch vụ (cho thuê mặt bằng làm quầy photocopy, cho tiệm kem thuê để xe sau 17h tại bãi xe của trường, cho thuê nhà thi đấu từ 17h – 21h giờ, cho trung tâm Nhật ngữ thuê buổi tối tại trường, cho thuê căn tin, hợp đồng dạy học sinh môn bóng bàn); các khoản thu hộ (học vi tính ngoại khóa của học sinh lớp 10, nước uống, thu bán trú, học phí nghề khối 11); thu ngoài ngân sách, quỹ Hội PHHS...
“Chỉ riêng khoản dạy bóng bàn cho 3 khối lớp 10, 11 và 12 trong 3 năm học 2015 – 2016, 2016-2017 và 2017-2018, dao động từ 1.680 học sinh/năm - 1.800 học sinh/năm, đã trên 1,4 tỷ đồng! Trong khi cá nhân nhận hợp đồng giảng dạy không đủ tư cách pháp nhân, không có trình độ nghiệp vụ sư phạm. Chỉ với môn bóng bàn đã như thế, vậy những khoản thu khác là bao nhiêu? Không những vậy ông Đảo còn sử dụng 2 loại phiếu thu mua trôi nổi ngoài thị trường và dùng phiếu thu SSC của trường”, ông Hợi khẳng định.
Trường THPT Nguyễn Thị Diệu, nơi giáo viên và bảo vệ nhà trường tố cáo Hiệu trưởng có nhiều vi phạm trong công tác. |
Về khoản thu tiền học bóng bàn mỗi học sinh 280.000 đồng/năm, nhưng chỉ dạy 3 tháng. Nhiều giáo viên khăng định việc thu số tiền này là sai, vì các em học sinh học trong nhà thi đấu của trường, học chính khóa, không phải ngoại khóa hay phụ đạo.
Ngoài ra, ông Hợi còn tố cáo quá trình học thạc sỹ Quản lý giáo dục của Hiệu trưởng Đỗ Đình Đảo có vấn đề. Theo đó ông Đảo học thạc sỹ chuyên ngành nêu trên từ tháng 3/2010 - 3/2013, do Trường ĐH Sài Gòn liên kết với Trường ĐH Vinh. Thời điểm tháng 3/2010, ông Đảo đang công tác tại Trung tâm GDTX huyện Nhà Bè, chức danh giáo viên. Đến tháng 8/2010, ông Đảo được thuyên chuyển về Trường THPT Nguyễn Thị Diệu cũng với chức danh là giáo viên. Trong khi theo quy định muốn học thạc sỹ chuyên ngành Quản lý giáo dục, thí sinh dự thi đầu vào phải có quá trình làm công tác quản lý 3 năm mới được dự thi. Bởi theo hướng dẫn của Trường ĐH Vinh, để dự thi ngành này (hoặc nhóm ngành gần và ngành khác), thí sinh phải có quyết định bổ nhiệm hoặc quyết định quy hoạch. “Vậy ai cử ông Đảo đi học thạc sỹ Quản lý giáo dục cần phải làm rõ. Vì vấn đề này, cô N.N.L (hiện đã chuyển trường), từng phản ánh trong Đại hội Chi bộ là ông Đảo nhờ người quen cấp cho ông giấy xác nhận làm quản lý để đủ thủ tục dự thi”, ông Hợi khẳng định.
... Giáo viên cũng tố cáo Hiệu trưởng
Ngoài ông Hợi, còn có thầy giáo Hoàng Văn Trí (SN 1986) cũng có đơn tố cáo Hiệu trưởng Đỗ Đình Đảo đến Thanh Tra Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh và các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Theo đó trong quá trình quản lý, ông Đảo nhận học sinh chuyển trường không có giấy giới thiệu từ nơi chuyển đi. Đơn cử em H.T.T.B, học sinh của một trường ở quận 1, không có giấy giới thiệu chuyển đi của trường này, nhưng ông Đảo vẫn cố tình làm trái quy định ngành giáo dục, tiếp nhận em B về Trường THPT Nguyễn Thị Diệu! Tương tự là trường hợp em Đ.T.T hiện đang học lớp 12, vào năm học 2017-2018 em này từ một trường ở quận 8 chuyển về Trường THPT Nguyễn Thị Diệu. Dù không có giấy giới thiệu của trường ở quận 8, nhưng ông Đảo vẫn bỏ qua thủ tục bắt buộc này!
Ông Cấn Kim Tuyến không có chuyên môn sư phạm nhưng vẫn ký tên làm giáo viên và Báo cáo tồn quỹ hơn 2,2 tỷ đồng. |
Ngoài việc cố tình nhận học sinh trái quy định, ông Đảo còn cho người không có chuyên môn sư phạm đứng lớp dạy học sinh! Cụ thể trường hợp ông Cấn Kim Tuyến, nhân viên bảo trì kiêm văn thư và giám thị được ông Đảo cho trực tiếp dạy, ký tên vào học bạ học sinh khối 11 (năm học 2017-2018). “Trước việc làm trái quy định nêu trên của ngành giáo dục, nhiều cán bộ, giáo viên chất vấn tại Hội nghị cán bộ công chức. Thầy Đảo trả lời chưa bao giờ xem anh Tuyến là giáo viên. Anh Tuyến chỉ dạy tạm thời trong lúc thiếu giáo viên. Thế nhưng đã 3 năm nay, anh Tuyến đứng lớp chứ không vài 1 vài tuần. Việc anh Tuyến đứng giảng dạy dưới tên thầy Hiệu trưởng nhằm mục đích gì, ai hưởng lợi?”, thầy Trí thắc mắc.
Cũng trong đơn tố cáo của mình, thầy Trí còn khẳng định trong quản lý sử dụng tài chính, Hiệu trưởng Đỗ Đình Đảo không công khai! Đơn cử trước khi về hưu vào ngày 1/5/2015, cô Hoàng Thúy Liễu (nguyên Hiệu trưởng) lập biên bản ngày 30/4/2015 để bàn giao số tiền trên 2,2 tỷ đồng cho ông Đảo. “Số tiền hơn 2,2 tỷ, có hơn 1,8 tỷ gửi ngân hàng. Từ khi cô Liễu bàn giao cho đến nay, tập thể nhà trường không biết số tiền này sử dụng như thế nào vì thầy Đảo không công khai! Sau khi nhận bàn giao, đến tháng 10/2015, thầy Đảo chỉ đạo kế toán trưởng lúc đó là bà Lê Thị Kim Cương rút tiến ra khỏi ngân hàng để gửi vào Ngân hàng Sacombank”, thầy Trí, nói.
Không kê khai nộp thuế! Theo một biên bản của Thanh tra TP Hồ Chí Minh làm việc với Sở GD-ĐT, tại Trường THPT Nguyễn Thị Diệu có một số sai phạm: Không thực hiện kê khai nộp thuế (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân). Ngoài ra, theo báo cáo của trường, năm 2017 thực hiện trích nguồn cải cách tiền lương tổng số tiền trên 469 triệu đồng. Tính đến ngày 31/12/2017, nhà trường báo cáo nguồn kinh phí cải cách tiền lương còn tồn (chưa sử dụng) chuyển sang năm sau trên 1,747 tỷ đồng. Đối chiếu với số dư Kho bạc Nhà nước tính đến ngày 31/12/2017 trên 569 triệu đồng, số dư tiền gửi Sacombank trên 619 triệu đồng. Tổng cộng của 2 khoản gửi tính đến 31/12/2017 trên 1,188 tỷ đồng. Từ sự so sánh, phân tích nêu trên, Thanh tra TP Hồ Chí Minh khẳng định việc trích nguồn kinh phí cải cách tiền lương (theo bảng đối chiếu tình hình thu chi học phí và nguồn thu khác năm 2017), tại Trường THPT Nguyễn Thị Diệu không đúng theo số dư tiền gửi thực tế tại Kho bạc Nhà nước và tiền gửi ngân hàng. Còn theo các giáo viên của trường, khoản tiền chênh lệch bị thiếu trên 559 triệu đồng, đến nay ông Đảo chưa giải trình được! |