Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh vừa thông qua và chuẩn bị trình Ban thường thường vụ Thành ủy, HĐND TP xem xét phương án phân loại rác theo hai cách là rác tái chế và rác thải còn lại, quyết định cho triển khai trong thời gian tới (dự kiến ngay trong quý I/2020).
Theo đó, việc thay đổi cách phân loại rác nhằm phù hợp với công nghệ đốt rác phát điện mà TP đang triển khai, giảm dần tỷ lệ chôn lấp. Đồng thời, việc này cũng được cho là khả thi hơn so với phương án phân rác thành 3 loại (hữu cơ, vô cơ và tái chế) mà TP đang triển khai.
Liên quan việc thay đổi phương thức phân loại rác, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP – ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết, TP xác định việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt phải gắn từ khâu đầu tiên là phân loại tại hộ gia đình đến khâu cuối cùng là khâu xử lý. Trước đây, khâu xử lý TP lựa chọn nhiều công nghệ như chôn lấp, làm phân compost, đốt phát điện… Vừa rồi, TP định hướng rất rõ là tập trung vào công nghệ tái chế và công nghệ đốt. Như vậy, người dân chỉ cần phân làm hai loại. Đó là tất cả những rác, trừ những loại nào tái chế được thì người dân để lại trong nhà mình và các đơn vị thu gom sẽ thu mua của người dân như lon bia, chai nhựa…
Còn lại tất cả các loại rác khác người dân bỏ ra thì đơn vị thu gom sẽ chuyển lên sử dụng công nghệ đốt để đốt. Như vậy, việc phân loại rác gắn với công nghệ xử lý rác cho phù hợp, tránh trường hợp người dân phân loại ra và đơn vị thu gom lại bỏ vào một chỗ gây ra bất cập và ảnh hưởng đến khâu xử lý công nghệ.
“Việc thay đổi phương thức phân loại rác sinh hoạt, Sở đã hoàn thiện nội dung và trình TP, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy cho ý kiến và trình UBND TP ký sửa quy định về phân loại rác. Chậm nhất quý I năm 2020, sẽ tiến hành thay đổi phương thức phân loại cho phù hợp với công nghệ xử lý hiện nay”, ông Thắng nhấn mạnh.
Hiện trung bình mỗi ngày đêm TP thải ra khoảng 9.300 tấn rác sinh hoạt (chưa kể rác công nghiệp), mỗi năm còn tăng thêm 10%. Trong khi đó, diện tích đất để thực hiện chôn lấp rác dần thu hẹp và việc chôn lấp dẫn tới rất nhiều hệ lụy về môi trường (ô nhiễm không khí, nguồn nước...). Do đó, TP xác định phải giảm lượng rác thải chôn lấp.
Theo định hướng, TP đặt ra lộ trình sẽ giảm tỷ lệ xử lý rác bằng phương pháp chôn lấp còn 50% vào năm 2020 (hiện tại chôn lấp khoảng 76%) và 20% vào năm 2025.