TTXVN đưa tin, ngày hội “Vòng tay yêu thương” có sự tham gia cùa hàng trăm trẻ bị mắc chứng tự kỷ đến từ 21 trường, trung tâm đang can thiệp cho trẻ tự kỷ trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Tuyên Quang, Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Ninh, Ninh Bình, Nghệ An…
Bà Dương Việt Hà (Giám đốc Cung Thiếu nhi Hà Nội) cho biết: Ngày hội “Vòng tay yêu thương” được tổ chức với mục đích tạo sân chơi chung mang tính hòa nhập cộng đồng với không gian ấm áp, thân thiện, vui tươi cho trẻ tự kỷ. Đây cũng là nơi gặp gỡ, chia sẻ những thông tin về cách chăm sóc và can thiệp trẻ tự kỷ, góp phần tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về hội chứng tự kỷ, kêu gọi sự quan tâm của toàn xã hội đến trẻ em mắc chứng tự kỷ.
Dạy trẻ tự kỷ cách xếp hình rèn kỹ năng. Ảnh: Võ Tuyết/TTXVN.
Tại ngày hội, các em thiếu nhi được tham gia các trò chơi sôi động, được thực hiện test sàng lọc và tư vấn các vấn đề phát triển của trẻ, được khám và tư vấn sức khỏe, dinh dưỡng, vệ sinh răng miệng… cho trẻ.
Lần đầu đưa con tới tham dự Ngày hội này, chị Đỗ Thị An (ở Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) xúc động chia sẻ: “Khi đến đây, được nhìn ngắm các cháu bé cũng mắc chứng tự kỷ như con mình tham gia biểu diễn văn nghệ, giao lưu… tôi thấy được động viên, an ủi rất nhiều. Được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con cái với các bậc phụ huynh cùng cảnh ngộ, tôi như được tiếp thêm niềm tin và sức mạnh để tiếp tục kiên trì, bền bỉ giúp con từng bước tiến bộ, vượt lên bệnh tật. Chỉ mong cộng đồng xã hội và các cấp chính quyền sẽ có nhiều hoạt động hữu ích như thế này hơn nữa, nhằm giúp đỡ và tạo điều kiện cho con cái chúng tôi, những trẻ không may bị mắc chứng tự kỷ có cơ hội được học tập, hòa nhập và sau này có thể tự chăm sóc được bản thân, trở thành những người có ích cho xã hội”.
Tự kỷ hay rối loạn phổ tự kỷ là thuật ngữ nói đến một nhóm của các rối loạn phức tạp trong sự phát triển của não bộ. Nhóm rối loạn này được đặc trưng bởi những khó khăn và thiếu hụt trong tương tác xã hội, giao tiếp bằng lời và không lời, các hành vi sở thích định hình lặp lại. Trẻ tự kỷ thường không khác biệt về hình dáng bề ngoài hay hình dáng não bộ, nhưng khác biệt về chức năng và cách tiếp nhận, xử lý, truyền thông tin trong não bộ. Trẻ có thể gặp khó khăn trong việc tập trung chú ý, chia sẻ, bắt chước; có thể gặp khó khăn về tiếp nhận và xử lý thông tin thị giác, thính giác, tư duy trừu tượng.
Việt Nam hiện có khoảng 200.000 người mắc chứng tự kỷ
Mặc dù đã có sự thay đổi nhận thức về chứng tự kỷ trong xã hội nhưng con đường để người tự kỷ hòa nhập, được dạy nghề để có thể sống độc lập khi trưởng thành vẫn còn nhiều khó khăn.
Đây là vấn đề được nhiều đại biểu đặt ra tại tại hội thảo “Tự kỷ-Vấn đề, nhu cầu và giải pháp," do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 1/4.
Ông Đoàn Hữu Minh, Trưởng phòng công tác xã hội, Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và xã hội cho biết ước tính Việt Nam hiện có khoảng 200.000 người mắc chứng tự kỷ. Trong thời gian qua, Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ đối với người khuyết tật nói chung và người tự kỷ nói riêng thông qua đề án xây dựng mô hình, cơ sở chăm sóc và trợ giúp trẻ tự kỷ, thiểu năng trí tuệ và một số nhóm đặc biệt khác. Nhưng các chính sách mới chỉ chú trọng đến việc phát hiện sớm, chăm sóc, phục hồi, giáo dục hòa nhập cộng đồng.
Nêu ra thực tế hiện Việt Nam bắt đầu có nhiều trẻ tự kỷ lớn lên và gặp nhiều khó khăn trong việc học hòa nhập, ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc trung tâm Phục hồi chức năng và trợ giúp trẻ tàn tật Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, ở Việt Nam mô hình hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ còn rất ít và chủ yếu là ở các nhóm do phụ huynh lập ra.
Bên cạnh một số điểm mạnh như chăm chỉ, có khả năng kiên trì ở các việc đơn giản lặp đi lặp lại, hay một số ít trẻ có khả năng sáng tạo thì hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ đòi hỏi một số yêu cầu riêng do người tự kỷ gặp khó khăn về tương tác xã hội.
Với kinh nghiệm 10 năm đào tạo cho trẻ tự kỷ, bà Phạm Thị Yến, Phó Giám đốc Trung tâm Albert Einstein (Hà Nội) khẳng địn, trẻ tự kỷ chỉ phù hợp với những công việc đơn giản, không đòi hỏi sự sáng tạo. Do vậy, trung tâm này đã hướng các em tới các công việc đơn giản như lau dọn, làm việc nhà, nấu ăn, công việc văn phòng đánh máy, soạn thảo văn bản, in ấn tài liệu, làm nghề thủ công.
Kết quả trong nhóm 10 em lớn đã có 8 em biết dọn nhà gồm quét nhà, lau nhà, gấp quần áo; 5 em thành thạo soạn văn bản, in tài liệu; 10 em biết xâu vòng theo mẫu; 3 em biết dệt saori; 5 em biết nấu các món ăn đơn giản như nấu cơm, rán trứng, luộc rau, nấu mì...
Đồng tình với quan điểm này, bà Phạm Kim Tâm, Trường chuyên biệt Tuổi Ngọc (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết đơn vị này đã thành công trong việc dạy trẻ tự kỷ cách làm các sản phẩm thủ công như làm thiệp, túi xách, móc chìa khóa, ví, kết cườm, đóng gói khăn giấy, làm bánh, nấu ăn... Tuy vậy, khó khăn là số lượng sản phẩm trẻ làm ra không nhiều, bán giá cao thì không ai mua, bán giá thấp thì chỉ đủ tiền vật liệu và công của trẻ, tiền lương cho giáo viên hướng dẫn vẫn do phụ huynh tự bỏ ra.
Bên cạnh đó, đầu ra để bán các sản phẩm này cũng không ổn định, chủ yếu là kêu gọi người quen, bán online...
Bà Phạm Kim Tâm hy vọng thời gian tới, sẽ có các chính sách hỗ trợ lương cho người hướng dẫn, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng sản phẩm của người tự kỷ làm ra, xa hơn nữa là vận động doanh nghiệp nhận người tự kỷ vào làm các công việc phù hợp.