Sự kiện diễn ra tại Hội trường Thống Nhất, nơi cách đây 5 năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc đối thoại đầu tiên với cộng đồng doanh nghiệp ngay sau khi nhậm chức.
Đối thoại 2045 diễn ra tại Hội trường Thống Nhất, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Tham dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, TP Hồ Chí Minh, các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các doanh nghiệp…
Theo chương trình, sau khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội, trí thức, chuyên gia và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương sẽ phát biểu. Thủ tướng Chính phủ sẽ phát biểu kết luận.
Phát biểu giới thiệu Hội nghị, Phó Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn cho biết, Đại hội XIII đã đặt ra các mục tiêu phát triển đến năm 2045; triển khai Nghị quyết Đại hội, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị Đối thoại 2045 nhằm biểu dương những đóng góp to lớn của đội ngũ doanh nhân và trí thức với các thành tựu của đất nước qua 35 năm đổi mới và nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV, đồng thời tiếp tục lắng nghe các ý kiến để đưa Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển, thu nhập cao.
Thủ tướng phát biểu khai mạc Đối thoại. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Hội nghị nhằm lắng nghe tiếng nói từ giới tinh hoa, từ các trí thức, các doanh nghiệp.
Thủ tướng nhắc lại hai mong muốn lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là thống nhất đất nước và đưa Việt Nam vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu. Hội trường Thống Nhất cũng là địa điểm ghi dấu ấn lịch sử trong việc thực hiện di nguyện thống nhất đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh; năm 2045 cũng là thời điểm kỷ niệm 70 năm ngày thống nhất đất nước và chúng ta cũng có niềm tin vững chắc rằng mong ước của Bác về một Việt Nam vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu cũng sẽ trở thành hiện thực.
Theo Thủ tướng, muốn dân giàu, nước mạnh chúng ta phải chú trọng phát triển quốc kế, dân sinh; muốn vẻ vang, sánh vai với các cường quốc chúng ta phải có những doanh nghiệp lớn mạnh, những thương hiệu có sức cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu.
Chính phủ muốn trao đổi với doanh nghiệp những ý kiến về sách lược, những hiến kế, giải pháp phát triển đất nước trong bối cảnh thế giới và trong nước hiện nay. Đặc biệt trong đó khẳng định khát vọng thực hiện thành công các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2045.
Một lần nữa, Thủ tướng khẳng định sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả trong phát triển. Đặc biệt trong những nhiệm kỳ gần đây, Việt Nam đạt nhiều thành công trên nhiều lĩnh vực.
Trong đó, quy mô nền kinh tế có bước tiến nhanh từ quy mô đứng thứ 55 lên 40 như hiện nay, đời sống nhân dân cải thiện, tuổi thọ của người dân tăng lên sánh vai được với các nước tiên tiến, số học sinh đạt các giải quốc tế đứng hàng đầu khu vực. Niềm tin nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng ngày càng củng cố.
Mặt khác, theo Thủ tướng, thành quả thành công còn thể hiện ở việc những tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đặc biệt các tập đoàn tư nhân, kinh tế hợp tác xã đã có những bước phát triển vượt bậc.
"Những vị đang ngồi đây, cách đây 25 năm không nghĩ mình có những bước phát triển vượt bậc thế này. Giờ đây chúng ta có thể nói những tập đoàn, tổng công ty của chúng ta đã đóng vai trò quan trọng trong nước và có vị trí rất quan trọng đối với khu vực và thế giới", Thủ tướng khẳng định.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nêu ra những thách thức đối với sự phát triển đất nước sắp tới. Theo Thủ tướng, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vẫn thuộc nhóm trung bình thấp, các yếu tố nền tảng để tăng trưởng nhanh, bền vững chưa bền vững. Quy mô nền kinh tế có tăng lên nhưng tổng quy mô nền kinh tế còn nhỏ so với khu vực và thế giới.
Mặt khác, tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa diễn ra còn chậm, năng lực cạnh tranh của vùng, của quốc gia còn ở mức trung bình. Các yếu tố khác phục vụ cho phát triển chưa được giải quyết cơ bản, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao thiếu hụt, năng suất lao động chậm cải tiến, quản trị quốc gia, quản trị các thành phố lớn, quản trị các trường đại học… còn nhiều bất cập.
Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến các thách thức ngày càng lớn như thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, già hóa dân số, cạn kiệt tài nguyên… Trong đó, có có những vấn đề rất nhanh như biến đổi khí hậu cực đoan.
Đối thoại 2045 sẽ được tổ chức định kỳ
Thủ tướng nêu rõ, “Đối thoại 2045” sẽ được tổ chức định kỳ, trực tiếp và cả trực tuyến, bao gồm nhiều chủ đề từ kinh tế xã hội, môi trường, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, hội nhập quốc tế, kể cả an ninh quốc phòng. “Tất cả những chủ đề, nội dung có liên quan và có tính ảnh hưởng đến tầm nhìn về một Việt Nam vẻ vang, hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu đều sẽ hiện diện trong các “Đối thoại 2045”.
Chính thức công bố chương trình “Đối thoại 2045” lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2021 tại Hội trường Thống nhất, TPHCM, Thủ tướng nêu rõ, đối thoại này sẽ được tổ chức hằng năm dưới sự chủ trì của các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước để lắng nghe các tầng lớp tinh hoa phát biểu”. Hôm nay chỉ là mở đầu, còn tiếp theo sẽ có nhiều cuộc đối thoại khác. “Tôi tin rằng những doanh nhân Việt Nam, trí thức Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp vào cái tinh thần hướng tới một Việt Nam 2045.
Sau phát biểu khai mạc của Thủ tướng, đại diện các doanh nghiệp phát biểu. Được biết, ước tính sơ bộ, tổng doanh thu của các doanh nghiệp tham dự Hội nghị khoảng hơn 26 tỷ USD một năm.
Ông Võ Quang Huệ, một nhà khoa học, một trong những tổng công trình sư của Tổ hợp Vinfast tại Hải Phòng, chia sẻ về tinh thần “Mãnh liệt Việt Nam” được lựa chọn làm slogan cho VinFast. Ảnh VGP/Quang Hiếu
Mãnh liệt tinh thần Việt Nam
Là đại diện doanh nghiệp đầu tiên phát biểu, ông Võ Quang Huệ, một nhà khoa học, một trong những tổng công trình sư của Tổ hợp Vinfast tại Hải Phòng, bày tỏ cảm ơn Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức cuộc đối thoại. Chia sẻ về tinh thần “Mãnh liệt Việt Nam” được lựa chọn làm slogan cho VinFast, ông Huệ cho rằng có một sự trùng hợp tuyệt vời, “Mãnh liệt Việt Nam” cũng chính là tinh thần mà tất cả chúng ta đã và đang chứng kiến khi Chính phủ, người dân Việt Nam đang quyết tâm mạnh mẽ trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, nhằm thực hiện mục tiêu kép: vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế đất nước.
Nhắc lại những khó khăn, khắc nghiệt của thiên nhiên Quảng Nam, quê hương của ông Huệ, ông cho biết, sau khi học ở nước ngoài, ông về làm việc trong nước và khi được giao phụ trách dự án sản xuất ô tô VinFast, ông rất hạnh phúc bởi đây là một trong những dự án có thể coi là dấu mốc của ngành công nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam. Từ ngành công nghiệp dẫn đầu này sẽ thúc đẩy công nghiệp phụ trợ của Việt Nam phát triển đột phá, mang lại giá trị lớn cho nền kinh tế.
"Hạnh phúc hơn cả, là sự đồng điệu khi tôi nhận ra thật khó có ở đâu một tinh thần, một ý chí cao độ đến như vậy trong việc quyết tâm làm ra chiếc ô tô mang thương hiệu Việt, vì niềm tự hào dân tộc", ông Võ Quang Huệ chia sẻ.
Hiện tại đã có hơn 40.000 ô tô thương hiệu VinFast lăn bánh trên đường phố Việt Nam. Nếu tính từ thời điểm bàn giao chiếc xe thương mại đầu tiên cho khách hàng vào tháng 6/2019, VinFast mới chỉ có vẻn vẹn 20 tháng chính thức tham gia thị trường. Báo chí trong và ngoài nước, cộng đồng gọi việc VinFast đưa vào vận hành nhà máy sản xuất hiện đại bậc nhất khu vực, ra 3 mẫu xe đầu tiên với kiểu dáng đẹp và chất lương đạt tiêu chuẫn quốc tế chỉ sau 21 tháng khởi công và đã đạt doanh số tốt như vậy trong thời gian ngắn là những “kỳ tích”. Nhưng kỳ tích chỉ có thể lập nên khi chúng ta có khát vọng làm những điều lớn lao cho đất nước, có bản lĩnh dám nghĩ dám làm, có tinh thần chiến đấu không lùi bước trước mọi khó khăn, có ý chí quyết tâm mãnh liệt để đi đến cùng con đường của mình.
Sau giai đoạn “khởi nghiệp” đầu tiên, VinFast đang bước sang một giai đoạn phát triển mới. "Chúng tôi cũng hiểu rằng, để thành công trong giai đoạn mới này không phải chuyện dễ dàng. Có rất nhiều khó khăn, rất nhiều thách thức, rất nhiều chông gai. Chúng tôi sẽ phải nỗ lực gấp nhiều lần trước đây; cần sự động viên, khuyến khích, ủng hộ của Nhà nước, của xã hội, của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi cũng tin tưởng rằng, với khát vọng cống hiến, ý chí cùng chiến lược đúng đắn, VinFast sẽ quyết tâm thực hiện bằng được mục tiêu của mình", ông Huệ bày tỏ.
Và trên tất cả, VinFast mong muốn sẽ lan tỏa được tinh thần "Mãnh liệt Việt Nam" đến cho cộng đồng. Với sức mạnh của tinh thần Việt Nam, chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, tự tin sánh vai với các cường quốc trên thế giới.
Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Công ty Masan: Nâng cao năng lực cạnh tranh và định hướng tiêu dùng từ Chính phủ tạo động lực cho phát triển. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Nâng cao năng lực cạnh tranh và định hướng tiêu dùng từ Chính phủ tạo động lực cho phát triển
Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Công ty Masan, một tập đoàn chỉ trong thời gian rất ngắn đã chiếm vị trí top đầu lĩnh vực tiêu dùng với triết lý Keep Going, cho biết, để hướng tới mục tiêu nền kinh tế năm 2045, Việt Nam đi sau về đích trước, giải pháp nằm ở đổi mới nền tảng cạnh tranh, tìm năng lực cạnh tranh vượt trội.
Theo ông Quang, hiện nay, nền kinh tế toàn cầu đang hội nhập, vấn đề quan trọng là chuỗi cung ứng, tạo năng lực cạnh tranh cho chuỗi cung ứng. Xuất khẩu nông sản rất lớn, tuy nhiên hiện nay, hạ tầng của chuỗi cung ứng và phân phối luôn là trở ngại. Tình trạng được mùa nhưng giá thấp, khi giá cao lại không có sản phẩm.
Bên cạnh đó, vấn đề then chốt để đẩy mạnh phát triển nền kinh tế là hạ tầng cung ứng và phân phối. Chi phí công đoạn sản xuất đến tiêu dùng chiếm khoảng 30% giá thành. Nếu giảm thiểu chi phí trong lưu thông hàng hóa, sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, DN tiết kiệm được chi phí, hàng hóa lưu thông tốt hơn, DN có năng lực tìm kiếm lợi nhuận tốt hơn.
Vấn đề thứ hai là nền tảng công nghệ. Nhà nước chuyển đổi từ nền kinh tế, quản lý truyền thống, sang nền kinh tế số hóa.
Và cuối cùng, cần hướng công nghệ gắn đến phát triển xanh và tái tạo năng lượng. Rất cần động lực, định hướng của Chính phủ, như chi ngân sách vào xe điện...
Ông Nguyễn Đăng Quang nhấn mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh và định hướng tiêu dùng từ Chính phủ sẽ tạo động lực cho phát triển.
Ông Trương Gia Bình, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, Chủ tịch tập đoàn FPT. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Khát vọng lớn, niềm tin càng lớn
Để tạo ra sự tăng trưởng thần kỳ từ nay đến 2045, nhiều người đang nói đến việc phát huy hơn nữa vai trò của kinh tế tư nhân, trở thành động lực mạnh mẽ cho sự phát triển, ông Trương Gia Bình, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng, khẳng định hơn lúc nào hết đất nước Việt Nam, từng người dân cần chung khát vọng lớn đưa đất nước trở nên hùng cường. Khát vọng không phải trên giấy mà phải chuyển sang DN, sang từng người dân, cùng mơ ước có những phát minh sáng chế cả thế giới cần và sử dụng… Để có khát vọng đó chúng ta cần một niềm tin lớn của người dân vào Chính phủ, niềm tin của Chính phủ với người dân. Chính phủ tin tưởng vào cộng đồng DN, là bà đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển. Đó là niềm tin Việt Nam trở thành quốc gia tận dụng tốt cơ hội, hòa nhập vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Ông Trương Gia Bình đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép các doanh nghiệp tư nhân xử lý vấn đề vướng mắc hiện tại của sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam.
Trước đề nghị này, Thủ tướng nhắc lại câu chuyện khi ông sang Nhật Bản thì thấy có 2 nghìn người Nhật và người Việt làm việc cho FPT về phần mềm. Thủ tướng cho biết, khi sàn chứng khoán TPHCM trục trặc, ông đã yêu cầu các cơ quan xử lý ngay kiến nghị của FPT, xử lý ngay các trục trặc của sàn giao dịch chứng khoán mà không cần sử dụng ngân sách.
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn THACO: DN phát triển thì đất nước phát triển. Những chia sẻ, trao đổi hôm nay, THACO sẽ cam kết thực hiện. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
DN phát triển thì đất nước phát triển
Doanh nghiệp có gánh nặng rất lớn về doanh thu hàng ngày, hàng quý, hàng năm, bởi đằng sau đó còn là hàng nghìn, hàng trĂm nghìn người lao động. Tuy nhiên gánh trên vai cả một cơ ngơi được xây lên từ mồ hôi nước mắt, họ cũng không thể chỉ nghĩ đến tương lại ngắn hạn một vài năm. Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn THACO đã chia sẻ tầm nhìn phát triển của DN trong 10, 20 năm với câu hỏi đặt ra là làm thế nào để đất nước phát triển và từng DN phát triển. Và muốn phát triển chúng ta sẽ làm thế nào?
Chủ tịch tập đoàn THACO cho biết DN này khi đầu tư vào ngành công nghiệp ô tô tham gia vào chuỗi công nghiệp theo chuẩn quốc tế với việc tăng cường tỷ lệ nội địa hóa. Đến nay, THACO đã có những thành công nhất định. Trong năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng doanh số ô tô của THACO vẫn đạt hơn 100.700 xe, chiếm hơn 35% thị phần ô tô trong nước, xuất khẩu trên 1.200 xe và xuất khẩu 20 triệu USD linh kiện phụ tùng, tiếp tục khẳng định vị thế là doanh nghiệp dẫn đầu thị trường ô tô trong nước và xuất khẩu.
THACO đặt mục tiêu tăng trưởng hằng năm từ 10% đến 20%, Năm 2021, dự kiến sản xuất và tiêu thụ trong nước hơn 110.000 xe; xuất khẩu 2.500 xe và xuất khẩu 30 triệu USD linh kiện phụ tùng; đa dạng hóa hoạt động kinh doanh như đầu tư vào ngành nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa; tập trung phát triển logistics để phục vụ chuỗi cung ứng cho 2 ngành ô tô và nông nghiệp.
Ông Trần Bá Dương cho biết trong thời gian tới nhất thiết phải tập trung đầu tư và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có tính kế thừa để phát triển bền vững. Vì vậy THACO đã liên kết với nhiều đơn vị để phát triển nhân lực như ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh để đầu tư vào nguồn nhân sự chất lượng cao, được đào tạo đúng với nhu cầu của DN; xây dựng nền tảng quản trị và sử dụng công nghệ số.
“DN phát triển thì đất nước phát triển. Những chia sẻ, trao đổi hôm nay, THACO sẽ cam kết thực hiện”.
Trước phát biểu của ông Trần Bá Dương, Thủ tướng đánh giá cao những kết quả, tinh thần doanh nhân mãnh liệt của ông Trần Bá Dương, trong đó có việc giúp đỡ các doanh nhân khác.
Bà Thái Hương, Chủ tịch TH True Milk mong muốn Chính phủ tạo ra một thể chế minh bạch, sáng suốt, làm bệ đỡ cho các DN phát triển. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Chính phủ cần tạo ra thể chế minh bạch, sáng suốt
Trả lời câu hỏi của người dẫn chương trình về đầu tư cho nông nghiệp và triển vọng của doanh nghiệp Việt Nam, bà Thái Hương, Chủ tịch TH True Milk cho biết: Việc tổ chức Đối thoại 2045 là cơ hội cho các doanh nghiệp phát biểu, nêu các kiến nghị về phát triển đất nước. Trong vòng 25 năm nữa, trên một nền tảng như hiện tại, những gì là thế mạnh của Việt Nam, bà đặt vấn đề.
Theo bà, Việt Nam đang phát triển và năm 2045 sẽ là một quốc gia phát triển, văn minh, môi trường được bảo vệ, xã hội an lành. Nền tảng con người phải có trí tuệ với sức khỏe, do đó, phải có ngành nông nghiệp xanh, sạch, hữu cơ, với một thế hệ doanh nhân hướng tới phát triển bền vững, các sản phẩm thực phẩm không gây hại cho sức khỏe con người.
Một lợi thế khác của Việt Nam là an ninh chính trị tốt, con người cần cù, hiền hòa, với nhiều đặc sản, nhiều thảo dược ở các vùng…, đây là cơ hội để tạo ra những sản phẩm tốt cho sức khỏe.
Một hướng đi khác rất tiềm năng là du lịch chữa bệnh, kết hợp đông y và tây y, cùng với du lịch sinh thái, du lịch lịch sử.
Bà Thái Hương cũng kiến nghị đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ; doanh nghiệp phát triển đi theo hướng chia sẻ với người nông dân. Bà Hương bày tỏ mong muốn Chính phủ cần tạo ra một thể chế minh bạch, sáng suốt, tạo bệ đỡ cho các doanh nghiệp phát triển.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Tập đoàn Sovico, Tổng Giám đốc Vietjet Air, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT HDBank: Cuộc Đối thoại mang đến sự khích lệ to lớn về tinh thần trong doanh nhân và nhân sĩ, trí thức cả nước”. Ảnh: Quang Hiếu
“Chúng tôi mong Chính phủ tin tưởng ở kinh tế tư nhân, ở doanh nghiệp”
Phát biểu tại Đối thoại, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch Tập đoàn Sovico, Tổng giám đốc Vietjet Air, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT HDBank bày tỏ, “cuộc tọa đàm mang đến sự khích lệ to lớn về tinh thần trong doanh nhân và nhân sĩ, trí thức chúng tôi”. “Từ năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã công bố tầm nhìn Việt Nam 2045 hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập nước, đặt mục tiêu trở thành một nước phát triển, thu nhập cao. Khát vọng tăng trưởng liên tục và dài hạn này rất thách thức nhưng chúng ta có những nguồn lực, có cơ sở, có động lực để biến khát vọng thành hiện thực”, bà Thảo kiến nghị, đưa Việt Nam trở thành một điểm đến du lịch quốc tế với các dịch vụ đa dạng về giải trí, chăm sóc sứs khỏe, ẩm thực, phục vụ mọi đối tượng du khách. Chính phủ nên ưu tiên đầu tư mạnh mẽ cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, đường không, hàng hải, logistic… Xây dựng Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất phụ trợ, đào tạo về dịch vụ hàng không của khu vực và thế giới. Bà Thảo cho biết, Học viện Hàng không Vietjet đầu tư hiện đại bậc nhất trong khu vực, ngay trong khu công nghệ cao quận 9, TPHCM, “chúng tôi đang gấp rút hoàn thành công trình Công viên công nghệ cao Hi-tech Park, trong đó dành ưu tiên hỗ trợ cho các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ”.
“Chúng tôi mong rằng Chính phủ tin tưởng ở kinh tế tư nhân, ở doanh nghiệp, hãy tập trung phát triển vào khu vực kinh tế tư nhân. Hỗ trợ hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân có sức mạnh và thương hiệu quốc gia, quốc tế, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực nông nghiệp nông thôn, các công ty khởi nghiệp”.
Theo bà Thảo, để hỗ trợ tăng trưởng, rất cần đổi mới tư duy, cần sự quyết liệt, hiệu quả bằng chính sách thống nhất xuyên suốt từ Chính phủ, bộ ngành, địa phương khi đó chúng ta có một quốc gia đổi mới, cải cách để thu hút được các nguồn lực để phát triển tốt. Sự đổi mới cần toàn diện và đồng bộ giữa các ngành, từ kế hoạch đầu tư, tài chính, ngân hàng, bộ chuyên ngành…
Lãnh đạo Vietjet mong muốn Chính phủ kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các khu vực kinh tế, giữa các doanh nghiệp với nhau.
Ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hiệp hội Macca Việt Nam: Đến 2045, Việt Nam trồng 300.000 ha macca, giá trị xuất khẩu 5 tỷ USD. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Đến 2045, Việt Nam trồng 300.000 ha macca, giá trị xuất khẩu 5 tỷ USD
Ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hiệp hội Macca Việt Nam, cho biết, để cùng đất nước phát triển trong thời gian tới, cũng như hướng tới cột mốc năm 2045, Chính phủ, cộng đồng DN cần nỗ lực, hình thành nhiều ngành nghề mới có tầm ảnh hưởng rộng lớn đến kinh tế, trong đó có ngành macca.
Theo ông Dương Công Minh, nông sản Việt Nam luôn trong tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa, do đó, nông sản cần phải hình thành chuỗi cung ứng khép kín, nhất là nông sản có lợi thế như cây macca.
Theo ông Dương Công Minh, cây macca vừa là cây rừng, cây lâm nghiệp, công nghiệp, môi trường, bởi lượng xử lý CO2 của cây này rất lớn. Cùng với đó, cây macca cũng là cây xóa đói giảm nghèo, cây phục vụ an sinh xã hội và an ninh quốc phòng, bởi cây trồng này mang lại giá trị kinh tế cao cũng như thích hợp trồng ở các khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên.
Chủ tịch Hiệp hội Macca Việt Nam cho biết, hiện nay, nguồn lực phát triển cây macca còn rất lớn, với 1 triệu ha có thể trồng ở các tỉnh khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên.
Để hỗ trợ việc phát triển cây macca, riêng Ngân hàng Bưu điện Liên Việt thời gian qua đã có sản phẩm tín dụng cho cây macca, theo chuỗi sản xuất và vòng đời sản phẩm. Theo Chủ tịch Hiệp hội Macca, chi phí đầu tư 300 triệu/ha, 5 năm người trồng đã có thu hoạch và hồi vốn. Từ năm thứ 6 thu được 300-500 triệu/ha.
Để phát triển mạnh được cây macca trong thời gian tới, ông Dương Công Minh đề xuất Chính phủ có chính sách đất đai để phát triển cây macca, với mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam trồng được 300.000 ha có giá trị xuất khẩu khoảng 5 tỷ USD.
Hiệp hội Macca Việt Nam cũng kêu gọi các DN đồng hành cùng Him Llam và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt tham gia đầu tư phát triển loại cây mang lại giá trị kinh tế cao là cây macca.
Sau phát biểu của ông Dương Công Minh, Thủ tướng đánh giá cao mục tiêu xuất khẩu 5 tỷ USD, đồng thời hoan nghênh tấm gương lao động của ông Dương Công Minh với việc tài trợ cho nhiều hoạt động có ý nghĩa xã hội.
Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TPBank mong muốn các bộ, ngành cần thay đổi tư duy từ quản lý sang phục vụ doanh nghiệp, người dân, lấy sự hài lòng và thành công của cộng đồng doanh nghiệp và người dân là thước đo hoàn thành nhiệm vụ . Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Khát vọng và bản lĩnh của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam
Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TPBank,Chủ tịch Hội đồng sáng lập Tập đoàn DOJI nhớ lại 5 năm trước, cũng tại Hội trường Thống nhất này, ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội và quốc dân đồng bào, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc đối thoại, tọa đàm với cộng đồng doanh nghiệp vào đúng dịp kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/2016). Để rồi trong suốt 5 năm của nhiệm kỳ, Chính phủ, Thủ tướng đã miệt mài thực hiện đúng cam kết của mình, đó là xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Đại hội Đảng lần thứ XIII đã vạch ra các mục tiêu cụ thể cho các mốc năm 2025, năm 2030 và tới khi chúng ta kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào năm 2045 thì mục tiêu là đưa Việt Nam trở thành một nước phát triển, có nền công nghiệp hiện đại và thu nhập cao. Liên Hợp Quốc đã có tiêu chí để một quốc gia được coi là nước có thu nhập cao, là GDP bình quân đầu người trên 12.000 USD. Tại thời điểm năm 2020, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì quy mô nền kinh tế của Việt Nam đạt khoảng 343 tỷ USD, đứng tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, đứng thứ 4 ASEAN và thu nhập bình quân đầu người 3.521 USD, đứng thứ 6 ASEAN.
Như vậy, chúng ta đặt mục tiêu 2025 GDP bình quân đầu người là 4.700 – 5.000 USD và năm 2030 là 7.500 USD, đến năm 2045 Việt Nam sẽ vượt qua mức 12.000 USD để trở thành nước có thu nhập cao. Nếu duy trì tốc độ tăng trưởng GDP liên tục giai đoạn 2020 – 2030 ở mức 6 – 6,5%, giai đoạn 2030 – 2045 ở mức 5,5 – 6%. Và theo tính toán của chúng tôi, nếu duy trì tốc độ tăng trưởng 6,2 – 6,5% trong năm 2030 – 2045, thu nhập bình quân đầu người là 16.500 USD.
Theo số liệu dự báo của Tổng cục Thống kê thì dân số của Việt Nam 2045 vào khoảng 107,79 triệu người. Như vậy, quy mô nền kinh tế Việt Nam vào năm 2045 vào khoảng 1.778 tỷ USD, tương đương Hàn Quốc vào năm 2018.
Như vậy, để đạt mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã vạch ra đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao thì cần có sự đổi mới quyết liệt và mạnh mẽ về thể chế, cần có sự phát triển mạnh mẽ về khoa học công nghệ, bứt phá về năng suất chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh và cần có sự trỗi dậy mạnh mẽ kỳ diệu của kinh tế tư nhân.
Đảng và Nhà nước đã đặt kinh tế tư nhân (KTTN) vào đúng vị thế và vai trò của KTTN theo hướng ngày càng tích cực. Đại hội X của Đảng năm 2006 xác định KTTN có vai trò quan trọng, Đại hội XI năm 2011 đánh giá KTTN là một động lực và Đại hội XIII nhìn nhận KTTN là một động lực quan trọng, là một trong 3 trụ cột của cả nền kinh tế cùng với KTNN, kinh tế tập thể, đầu tư nước ngoài.
Cuối năm 2019 theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì KTTN chiếm 42% GDP và đóng góp 30% thu ngân sách, quan trọng hơn nữa là khu vực KTTN đã tạo ra 85% việc làm cho nền kinh tế. Và đến năm 2030 theo dự báo thì KTTN sẽ chiếm 60% GDP trong tỷ trọng nền kinh tế.
Như vậy KTTN, doanh nghiệp tư nhân có sứ mệnh rất quan trọng và trách nhiệm nặng nề trong sự nghiệp phát triển kinh tế thực hiện mục tiêu đến năm 2030 và 2045
Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nêu rõ, Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh tinh thần đổi mới cải cách và cởi trói cho kinh tế tư nhân, giải phóng mọi nguồn lực. Để làm được điều này, ông Đỗ Minh Phú cho rằng cần tập trung vào một số điểm cốt lõi và coi như là các từ khóa.
Chuyển từ tư duy quản lý sang phục vụ, Cụ thể, các bộ, ngành cần thay đổi tư duy khi làm chính sách, thực thi chính sách từ “quản lý”, quản lý doanh nghiệp, quản lý người dân sang tư duy “phục vụ”: phục vụ doanh nghiệp, phục vụ người dân. Các cơ quan công quyền cần ở tâm thế “tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, đồng hành cùng họ”, lấy sự hài lòng và thành công của cộng đồng doanh nghiệp và người dân là thước đo hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Trong nhận thức và đối xử, phải bình đẳng giữa DNTN và doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp FDI, không phân biệt, không kỳ thị trong đánh giá, trong nhìn nhận. Bình đẳng tiếp cận nguồn lực.
Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự, nếu làm đúng pháp luật thì phải bảo vệ doanh nghiệp, bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp theo hiến pháp, pháp luật.
Khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân thấy vinh dự, tự hào khi làm ra sản phẩm tốt, tạo công ăn việc làm có đóng góp lớn cho xã hội. Nhất quán trong nhìn nhận, đánh giá tôn vinh sự đóng góp vai trò của các doanh nghiệp tư nhân/ Hộ gia đình trong sự phát triển kinh tế tại địa phương và với đất nước.
Doanh nghiệp tư nhân ngày nay không chỉ còn tham gia những ngành thâm dụng lao động giản đơn mà họ đã thực hiện các công trình lớn, tham gia vào các công đoạn phức tạp trong công nghệ và đã có nhiều tập đoàn KTTN đã đảm nhận vai trò đầu tàu ở những lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế như: công nghiệp điện tử viễn thông, tự động hóa, ô tô, sắt thép, hóa chất, xi măng… Vì vậy, nếu được trao cơ hội, các doanh nghiệp tư nhân chắc chắn sẽ hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ khó khăn mà mình được giao phó. Tôi cho rằng, mọi vấn đề xung quanh vấn đề cơ chế, chính sách với KTTN đều có thể gói gọn trong 4 từ khóa này.
Đối với doanh nghiệp tư nhân, ông Đỗ Minh Phú cho rằng cần chú trọng nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, nhanh chóng áp dụng công nghệ mới trong sản xuất, kinh doanh và quản lý. Một mặt, tri thức hóa đội ngũ doanh nhân và mặt khác, thương mại hóa các sản phẩm trí tuệ. Đây là cốt lõi của cụm từ đổi mới sáng tạo; Kinh doanh liêm chính; Đề cao và vun đắp tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, có ý chí vươn lên để góp phần xây dựng một quốc gia hùng cường, hưng thịnh
Chủ tịch TPBank kiến nghị cần đẩy nhanh việc xây dựng hạ tầng dữ liệu quốc gia (Data) để phục vụ chiến lược kinh tế số.
“Hiện nay nhiều nước trên thế giới, tất cả các tổ chức là nhà nước, doanh nghiệp hay các ngân hàng đều hướng tới mô hình tổ chức hoạt động dựa trên dữ liệu (Data driven organization). Đảng đã đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 20% tỷ trọng của nền kinh tế năm 2020 và 30% năm 2030 thì việc xây dựng hạ tầng dữ liệu quốc gia (hạ tầng Data) là vô cùng quan trọng, bao gồm: Dữ liệu về con người (dân cư, bảo hiểm, y tế và sinh trắc học, nhân khẩu học); Dữ liệu về tổ chức, ngành, dữ liệu gắn với cơ quan, tổ chức, các hồ sơ hành chính về doanh nghiệp và dịch vụ công; dữ liệu ngành y tế cơ sở khám chữa bệnh, giá thuốc, theo dõi sức khỏe, ngành giáo dục, ngành nông nghiệp, ngành GTVT, quản lý đô thị cơ sở hạ tầng; Dữ liệu về tài nguyên môi trường: Môi trường, đất đai không gian địa lý, dữ liệu gắn với tài nguyên. Đồng thời, chúng ta cần có cơ chế chia sẻ dữ liệu giữa các tổ chức, doanh nghiệp và cả người dân theo nguyên tắc minh bạch, hiệu quả và bảo đảm quyền riêng tư cá nhân.
Theo ông Đỗ Minh Phú, trong trào lưu phát triển như vũ bão của Cách mạng công nghiệp 4.0, hệ thống luật pháp của tất cả các quốc gia đều không thể theo kịp bước tiến đó, đặc biệt hệ thống pháp luật của Việt Nam đang chồng chéo, không đồng bộ. Đây là lực cản cho việc áp dụng các mô hình kinh tế mới, các công nghệ, kỹ thuật mới làm thay đổi thậm chí đảo lộn trình tự, hình thức và mô hình kinh doanh hiện thời. Ví dụ như kinh tế trí thức, kinh tế chia sẻ trong dịch vụ vận tải, Grab, Uber hay trong cho thuê nhà ở làm khách sạn AirBnB, cho vay ngang hàng P2P.
Vì vậy cần có cơ chế thử nghiệm chính sách (Sandbox) để áp dụng trong phạm vi nhỏ, không gian vừa phải, có thời hạn để rút kinh nghiệm và có trải nghiệm thực tế. Vấn đề này cần có văn bản pháp quy để đưa cơ chế sandbox thực hiện càng nhanh càng tốt.
“Nhiều ý kiến đã nói đến yêu cầu cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách. Những năm qua Chính phủ đặt trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, những năm tới, tôi cho rằng, cần đặt trọng tâm là đổi mới thể chế phân bổ nguồn lực, xây dựng phát triển các thị trường nhân tố sản xuất, đặc biệt là thị trường quyền sử dụng đất, thị trường lao động, thị trường khoa học công nghệ và sở hữu trí tuệ”, ông Đỗ Minh Phú chia sẻ và bày tỏ khát vọng xây dựng một đất nước hùng cường, thịnh vượng, sánh vai các cường quốc năm châu hiện nay đang được thổi bùng và lan tỏa trong khắp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc từng là ước mơ cháy bỏng của dân tộc Việt Nam, của người người lớp lớp dân ta suốt hàng nghìn năm, nhưng chưa bao giờ ở gần chúng ta đến thế.
“Vì vậy, chúng tôi kính mong và kỳ vọng Thủ tướng, Chính phủ, các Bộ ngành tạo điều kiện tốt nhất để cho khát vọng đó được nuôi dưỡng lớn mạnh, bùng cháy ở tất cả hàng triệu doanh nghiệp tư nhân, để cho toàn thể đàn chim doanh nghiệp Việt từ các cánh chim đại bàng, sếu đầu đàn và các cánh chim khác cùng kết thành một đàn vượt qua mọi giông bão khó khăn, ấp ủ niềm tự hào xây dựng tổ quốc của chúng ta vào dịp 100 năm kỉ niệm thành lập nước, để Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, hùng cường và hưng thịnh, xứng danh con cháu Lạc Hồng”.
Ông Don Lam, Tổng Giám đốc Tập đoàn VinaCapital: Hướng tới 2045, chúng ta cần phát huy nội lực để đón ngoại lực phục vụ xây dựng đất nước. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Phát huy nội lực để đón ngoại lực
Ông Don Lam, Tổng Giám đốc Tập đoàn VinaCapital, cho rằng, hướng tới 2045, chúng ta cần phát huy nội lực để đón ngoại lực phục vụ xây dựng đất nước.
Việc xây tổ đón đại bàng đang là vấn đề lớn cho tất cả các địa phương muốn thu hút đầu tư nước ngoài, bao gồm những sự chuẩn bị về tài nguyên, đất đai, năng lượng, nhân lực, chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư lớn, có tâm huyến với Việt Nam.
Theo ông Don Lam, trong các yếu tố chuẩn bị, có 2 yếu tố cần được quan tâm hàng đầu:
Một là yếu tố kết nối giữa hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội giữa các tỉnh, thành phố, giúp hàng hóa lưu thông nhanh, tiết kiệm chi phí. Kết nối các khu công nghiệp, khu chế xuất với các thành phố và khu dân cư vệ tinh để tạo điều kiện sinh hoạt cho đội ngũ chuyên gia và người lao động.
“Tôi tin rằng, liên quan đến yếu tố này, Chính phủ sẽ có những quyết sách có lợi nhất để phát huy thế mạnh, thu hút ‘đại bàng’ cho các tỉnh phía nam thông qua TPHCM cũng như các thành phố đầu tàu kinh tế khác như Hà Nội, Đà Nẵng”, ông Don Lam bày tỏ.
Thứ hai là yếu tố về chỉ số thuận lợi kinh doanh. Đã có rất nhiều thay đổi tích cực về thủ tục đầu tư, giúp rút ngắn đáng kể thời gian hoàn thiện hồ sơ và giúp dòng vốn FDI được lưu chuyển nhanh hơn.
Đối với các DN có vốn đầu tư nước ngoài nói chung và VinaCapital nói riêng khi tham gia đầu tư vào Viêt Nam, rất quan tâm đến môi trường đầu tư, đến quy trình thủ tục hành chính. Vì vậy, cải cách hành chính tốt sẽ là tiền đề để thu hút đầu tư của các DN nước ngoài. Với mục tiêu xem Việt Nam là một đất nước đầy tiềm năng, VinaCapital sẽ đầu tư 10 tỷ USD vào Việt Nam, ông Don Lam cam kết.
Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành cho rằng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những phản ứng kịp thời, phù hợp trước các diễn biến mới của thương mại quốc tế có ảnh hưởng tới Việt Nam. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Xuất khẩu sẽ tiếp tục là một mũi nhọn tăng trưởng của Việt Nam
Nổi tiếng với vai trò “giải cứu” những doanh nghiệp lớn, mà mới đây nhất là Gỗ Trường Thành, doanh nhân Mai Hữu Tín cho rằng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những phản ứng kịp thời, phù hợp trước các diễn biến mới của thương mại quốc tế có ảnh hưởng tới Việt Nam. Ông Tín bày tỏ kỳ vọng Chính phủ nhiệm kỳ mới sẽ tiếp tục nắm chắc tình hình, có giải pháp phù hợp với những diễn biến mới trong chính sách thương mại của các đối tác lớn, để xuất khẩu sẽ tiếp tục là một mũi nhọn tăng trưởng của Việt Nam.
Nhắc lại câu chuyện “giải cứu” Gỗ Trường Thành vừa qua, ông Mai Hữu Tín cho biết dấu mốc năm 2045 như là một chiến lược 25 năm của doanh nghiệp và được cụ thể hóa rước hết xin bằng kế hoạch 10 năm được xác định là thập kỷ nhảy vọt đưa Gỗ Trường Thành trở thành doanh nghiệp gỗ hàng đầu ASEAN cả về công nghệ, sản lượng, doanh thu, nhất là thị trường đồ gỗ nội thất.
Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM cho biết năm 2020 các doanh nghiệp ngành gỗ đã tận dụng được cơ hội từ việc kiểm soát dịch bệnh COVID-19 trong nước. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Về đích sớm 2 năm so với yêu cầu của Thủ tướng
Đại diện cho ngành gỗ phát biểu tại Đối thoại, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Công ty cổ phần xây dựng kiến trúc AA, đồng thời là Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh nhớ lại hội nghị năm 2018 do Thủ tướng chủ trì. Lúc đó, Thủ tướng đặt mục tiêu cho ngành gỗ Việt Nam làm sao trong 5 năm tới đứng vào vị trí thứ 2 thế giới. “Hôm nay, sau 3 năm, tôi xin vui mừng báo với Thủ tướng là năm nay chúng ta đã đứng thứ nhì thế giới”, ông Khanh nói. Năm 2020, mặc dù dịch bệnh COVID-19, ngành gỗ tăng trưởng 2 con số. Xuất siêu đạt 10 tỷ USD. Vậy đến năm 2045, ngành gỗ sẽ đứng ở vị trí nào? Ông Khanh bày tỏ, ngành gỗ thường được nhắc tới là ngành ít đổi mới sáng tạo, sử dụng nhiều lao động nhưng thực sự ngành gỗ rất quan trọng đối với Việt Nam. Đây là ngành duy nhất của Việt Nam trong suốt 18 năm qua tăng trưởng 2 con số. Hai tháng đầu năm nay, ngành xuất khẩu 2,4 tỷ USD, tăng 51% so với cùng kỳ.
Đây là con số ấn tượng. Vậy chúng ta có thể tiếp tục tăng trưởng như vậy hay không? Ông Khanh khẳng định, hoàn toàn có thể. Ngành này sẽ tiếp tục giữ vững vị trí thứ 2. Để có được điều này, ngành sẽ tiếp tục chứng tỏ là ngành tham gia bảo vệ môi trường. Gỗ là sản phẩm có khả năng tái tạo rất lớn. Nếu xây 1m2 nhà bằng gỗ thì tiết kiệm năng lượng hơn 10 lần. Nguyên liệu nào thì cũng sẽ hết trừ gỗ. Thị trường đồ nội thất của thế giới rất lớn, với giá trị thương mại khoảng 450 tỉ USD/năm, trong đó nội thất bằng gỗ khoảng 150 tỷ USD/năm. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam mới chiếm khoảng 6% thị phần toàn cầu, nên dư địa phát triển của ngành đến năm 2045 còn rất lớn.
Ông Khanh đề xuất Chính phủ có chính sách thúc đẩy xây dựng các thế hệ doanh nhân trẻ, coi đây là ngành khởi nghiệp; đầu tư nhiều vào công nghệ, tích cực chuyển đổi số. Ngành gỗ cần đi trước về công nghệ, cần có giá trị gia tăng cao hơn, chứ không chỉ đi gia công.
Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Công ty Dragon Capital: Định hướng nền kinh tế Việt Nam đến 2045 nên tập trung ngay từ bây giờ vào 3 vấn đề thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Tập trung vào 3 vấn đề: Thiên thời, địa lợi, nhân hòa
Đại diện cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Công ty Dragon Capital, người đã gắn bó rất nhiều năm với Thị trường chứng khoán Việt Nam, cho rằng, định hướng nền kinh tế Việt Nam 2045 nên tập trung ngay bây giờ vào 3 vấn đề: Thiên thời, địa lợi, nhân hòa.
Thiên thời là các vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu, nhà kính trong mối quan hệ tổng hòa với các lĩnh vực tạo nên sự tăng trưởng GDP, qua đó hướng tới sựu tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.
Một vấn đề nữa được ông Dominic Scriven kiến nghị là làm sao TP Hồ Chí Minh tiếp tục đóng vai trò đầu tầu kinh tế Việt Nam, trong đó trọng tâm là phát triển mạnh hạ tầng cơ sở đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế. Đây chính là địa lợi.
Cuối cùng, về nhân hòa, Chủ tịch Công ty Dragon Capital cho rằng, gần đây có nhiều vụ lừa đảo do sự thiếu hiểu biết của một số người dân. Do đó, cần đẩy mạnh phổ biến kiến thức về tài chính cho người dân Việt Nam để người dân có những phương án tài chính bền vững khi về già.
* Với tinh thần luôn lắng nghe những ý kiến đóng góp quý báu của các doanh nhân, trí thức, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, làm việc, đối thoại với doanh nghiệp, doanh nhân và giới trí thức, văn nghệ sĩ, thể hiện sự cầu thị, quan tâm đặc biệt tới giới doanh nhân, trí thức.
Ngày nay, đội ngũ doanh nhân ngày càng có vị trí đặc biệt, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế đất nước. Hiện nay, cả nước có trên 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Phần lớn các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa. Khu vực kinh tế ngoài nhà nước đóng vai trò rất quan trọng, đóng góp khoảng 42% GDP và tạo ra hơn 50% việc làm cho xã hội.
Cả nước có khoảng 7 triệu người có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên. Ngoài trí thức trong nước, còn có khoảng hơn 400.000 người trí thức Việt kiều; trong đó có hơn 6.000 tiến sĩ và hàng trăm trí thức tên tuổi được đánh giá cao trên tổng số hơn bốn triệu người Việt Nam đang sinh sống ở gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Cuộc gặp mặt hôm nay giữa Thủ tướng Chính phủ với đại diện cho nhiều doanh nhân tiêu biểu, nhiều học giả lớn của Việt Nam để lắng nghe, thảo luận về các sáng kiến hay góc nhìn của những doanh nhân thành đạt, những học giả uyên bác với một mục tiêu cốt lõi là "đưa Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển thịnh vượng vào năm 2045". Đồng thời, lắng nghe những kiến giải để thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế đất nước trong bối cảnh COVID-19 hđang hoành hành trên khắp thế giới, cũng như tận dụng cơ hội để chuyển hóa những khó khăn, thách thức thành những thời cơ, lợi thế để phát triển đất nước nhanh hơn, bền vững hơn.
Chặng đường phía trước sẽ không hề dễ dàng, thậm chí còn khó khăn và phức tạp hơn chặng đường đã đi qua. Với tốc độ tăng trưởng tương tự như mức tăng trung bình của 3 thập niên qua thì đến năm 2045 - mốc lịch sử 100 năm nước nhà được độc lập (1945-2045), quy mô GDP nước ta ước tính sẽ đạt mức khoảng 2.500 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng gần 18.000 USD. Mục tiêu này là một thách thức lớn vì khi thu nhập ngày càng cao, việc đạt thêm phần trăm tăng trưởng sẽ càng khó khăn hơn. Nhưng chúng ta có khát vọng và không ngừng phấn đấu nhằm hiện thực hóa mục tiêu "đưa Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển thịnh vượng vào năm 2045".
Trong chặng đường đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh tổ chức đối thoại, lắng nghe những ý kiến của các doanh nhân, trí thức; đồng thời đẩy mạnh tháo gỡ những vướng mắc đối để đội ngũ doanh nhân, trí thức làm tốt sứ mệnh của mình.
Tham dự “Đối thoại 2045” hôm nay có khoảng 50 doanh nghiệp, trí thức tiêu biểu và lãnh đạo một số bộ, ngành.