Chiều ngày 15/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi họp trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và các địa phương. Người đứng đầu Chính phủ nhận định dịch Covid-19 ở nước ta vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt vụ việc bệnh nhân người Nhật mắc Covid-19 vừa tử vong.
Toàn cảnh cuộc họp chiều ngày 15/2.
Tại cuộc họp, Thủ tướng nhấn mạnh việc nhập khẩu vaccine phòng Covid-19 là một nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên của Chính phủ và trong tháng 2 phải có vaccine từ nguồn viện trợ theo chương trình COVAX và nguồn nhập khẩu, đồng thời với đó là thúc đẩy nhanh việc nghiên cứu sử dụng các vaccine sản xuất trong nước
“Trong lúc này, nhập khẩu vaccine phòng Covid-19 phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên của Chính phủ”, Thủ tướng nhắc nhở.
Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét, quyết định cụ thể việc lựa chọn phương án, đối tác, loại vaccine, phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất nguồn tài chính, xác định đối tượng cần ưu tiên, những vấn đề vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng.
“Nhân dịp này, tôi cũng xin nói nhiều doanh nghiệp, nhiều địa phương sẵn sàng đóng góp kinh phí để mua vaccine. Dự kiến ngày 17/2 phương án cuối cùng sẽ được Chính phủ xem xét, thông qua”, Thủ tướng nói.
Tình nguyện viên tiêm thử nghiệm vaccine covid-19 Nano Covax của Công ty Nanogen.
Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, cơ bản làm xong thủ tục tiếp nhận vaccine theo chương trình COVAX.
Cuối tháng này, nếu sắp xếp kịp chuyến bay và hoàn thiện tốt các thủ tục thì có vaccine theo 2 nguồn là nguồn từ chương trình COVAX là 4,8 triệu liều và nhập khẩu hơn 117.000 liều, như vậy, chúng ta có khoảng 5 triệu liều để tiêm mũi thứ nhất. Như vậy, đợt đầu có thể tiêm cho 5 triệu người. Việt Nam là một trong những nước ở Đông Nam Á tiếp cận vaccine Covid-19 tương đối tốt.
Đồng thời, Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu đề xuất cách chống dịch mới, chỉ đạo thường xuyên, nhanh chống dập dịch, phòng dịch tại các cơ sở y tế, chỉ đạo các đơn vị giải mã trình tự gen chủng virus mới để có biện pháp một cách phù hợp.
Thủ tưởng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp.
Thủ tướng yêu cầu phải tăng cường, khai báo y tế, siết lại những biện pháp phòng, chống dịch tại các cơ sở lưu trú, đồng thời cần có quy trình chuẩn xử lý những ca nghi nhiễm Covid-19, không chỉ cho ngành y tế và tất cả các lực lượng cũng cần được phổ biến.
Thủ tướng lưu ý quy trình phòng dịch phải đảm bảo chặt chẽ, rõ ràng, tránh hiểu sai, không để dân hoang mang nhưng cũng không được để dân chủ quan.
Ngành y tế được giao xem xét việc xét nghiệm theo yêu cầu để Nhà nước và nhân dân cùng đóng góp. Bên cạnh đó, phối hợp cùng ngành công thương đảm bảo sinh phẩm xét nghiệm, vật tư, thiết bị y tế được cung ứng đầy đủ, kịp thời cho công tác phòng chống dịch.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo địa phương căn cứ tình hình dịch, có hướng dẫn việc học sinh học trực tuyến hoặc một bộ phận nghỉ học để phòng, chống dịch, do Bộ và tỉnh, thành phố quyết định như TP. Hà Nội và một số địa phương khác đã làm.
Các cơ quan liên quan bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân. Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương và các địa phương đẩy mạnh việc tiêu thụ các sản phẩm của nông dân, không để ứ đọng, rớt giá.
Bộ Quốc phòng, các địa phương tăng cường chỉ đạo công tác kiểm soát chặt đường biên giới trên bộ, đường thủy, quản lý chặt chẽ xuất nhập cảnh, không để xảy ra tình trạng vượt biên trái phép, gây nguy hại, lây lan dịch bệnh ra cộng đồng từ nhập cảnh trái phép.
Việc tiếp nhận công dân về nước phải tính toán chặt chẽ. Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao nghiên cứu, sớm trình phương án.
Chương trình Covax của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là kế hoạch toàn cầu, nhằm cung cấp vaccine Covid-19 cho người dân ở các nước nghèo và có thu nhập trung bình. Cuối tháng 1, Liên minh Covax thông báo trong quý 1 sẽ giao cho Việt Nam khoảng 25% số lượng vaccine trong kế hoạch, tức khoảng 4,9 đến 8,2 triệu liều. Số còn lại sẽ được chuyển vào quý 2. Việt Nam hiện có hai vaccine Covid-19 đang trong giai đoạn thử nghiệm là Nanocovax của Công ty Nanogen, đã thử nghiệm trên người giai đoạn một từ ngày 10/12. Có 40 tình nguyện viên đã được tiêm vaccine liều 25 và 50 mcg, hiện đều khỏe mạnh và không xuất hiện triệu chứng bất thường. Vaccine Covid-19 thứ hai của IVAC đã hoàn thành các đánh giá thử nghiệm an toàn trên động vật, dự kiến thử nghiệm lâm sàng trên người tháng 1/2021. Ngày 1/2, Trung tâm tiêm chủng vaccine VNVC của Việt Nam đã ký hợp tác với AstraZeneca cung cấp 30 triệu liều cho Việt Nam trong nửa đầu năm 2021. |