Tới dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; Trưởng ban Dân vận Thành ủy, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương; Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà; Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý.
|
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cùng các đại biểu dâng hương tưởng nhớ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân. |
Lễ hội Bình Đà là lễ hội đầu tiên trên địa bàn Hà Nội được ghi danh lễ hội văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Lễ hội Bình Đà với quy mô lớn, diễn ra trong nhiều ngày, lễ hội chính được tổ chức từ ngày mồng 4 - 6/3 âm lịch hàng năm. Địa điểm tổ chức lễ hội tập trung tại khu vực đình Nội - Bình Đà (thờ Thánh Tổ Lạc Long Quân) và đình Ngoại - Bình Đà (thờ Linh Lang Đại vương).
Đền Nội Bình Đà, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, ngôi đền đầu tiên tại Việt Nam thờ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân hiện còn lưu giữ rất nhiều cổ vật quý. Đặc biệt là bảo vật quốc gia bức phù điêu trên 1.000 năm tuổi độc nhất vô nhị tạc hình Quốc Tổ Lạc Long Quân và 2 bức phù điêu bán quy sơn, bán quy hải mô phỏng truyền thuyết Âu Cơ - Lạc Long Quân sinh ra 100 người con, 50 người theo mẹ lên núi, 50 người theo cha xuống biển.
Sử sách cũng ghi rõ, suốt 6 thế kỷ, 16 vị vua của các triều đại đều đích thân về Bình Đà dâng lễ Quốc tổ và đã có 16 Hiến sắc, suy tôn Lạc Long Quân Là “Khai Quốc Thần”. Các Hiến sắc này đều được lưu giữ tại đình Nội - Bình Đà và Viện Bảo tàng lịch sử quốc gia. Từ xưa đến nay, vào dịp lễ hội đều có đoàn Thủ từ của đền Hùng - Phú Thọ về dâng hương Quốc tổ và xin rước chân nhang ở hương án Đệ Nhất của đền Nội về thờ, với ý nghĩa cung kinh đón Quốc tổ về dự hội đền Hùng vào ngày mồng 10/3 âm lịch.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng thành kính dâng hương Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân |
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Lê Thị Hà cho biết, lễ hội Bình Đà là một trong những hoạt động văn hóa, tín ngưỡng tiêu biểu của Nhân dân địa phương nhằm tưởng nhớ công lao của bậc tiền nhân đã có công lao với đất nước, dân tộc. Đồng thời giáo dục truyền thống lịch sử, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc, động viên các tầng lớp Nhân dân tích cực học tập, lao động công tác, xây dựng quê hương Thanh Oai giàu đẹp, văn minh. “Lễ hội năm nay là dịp để Thanh Oai quảng bá hình ảnh, đặc biệt là giới thiệu các sản phẩm làng nghề tiêu biểu của huyện đến bạn bè trong và ngoài nước. Từ đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, du lịch của huyện Thanh Oai”, bà Lê Thị Hà khẳng định.
Lễ hội Bình Đà năm 2019 được tổ chức bài bản, trang trọng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Phần lễ trang trọng theo đúng nghi thức truyền thống, phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức. Ngay sau nghi lễ dâng hương Đức Tổ Lạc Long Quân trang trọng, các đại biểu khách, Nhân dân và du khách thập phương được thưởng thức màn đánh trống khai hội đặc sắc do Câu lạc bộ múa rồng Bảo Đà (thôn Bình Đà, xã Bình Minh) biểu diễn. Tiếp đó là màn tái hiện truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Lễ hội chính được tổ chức từ ngày mồng 4 - 6/3 âm lịch hàng năm |
Đáng chú ý trong suốt 3 ngày chính hội, phần hội được tổ chức phong phú, hấp dẫn, vui tươi, thu hút đông đảo sự tham gia của người dân và sự quan tâm của du khách thập phương. Bao gồm: Trình diễn tranh nghệ thuật, thơ mái đền Việt tổ; Hát quan họ hồ thủy đình; thi đấu giao lưu giải cờ tướng, cầu lông, bóng bàn, bóng đá; trò chơi dân gian bịt mắt đập niêu, bịt mắt bắt vịt; thi làm bánh trôi, bánh chay. Ngoài ra, trong khuôn khổ lễ hội, còn tổ chức triển lãm trưng bày gian hàng giới thiệu sản phẩm làng nghề truyền thống tiêu biểu, trưng bày tác phẩm sinh vật cảnh các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Thanh Oai.
Đền Nội - Bình Đà sau nhiều năm trùng tu đến năm 2010 nhân dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long, Nhà nước và TP Hà Nội đầu tư kinh phí tôn tạo ngôi đền khang trang, bề thế. Năm 2014, lễ hội Bình Đà được Nhà nước công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia nhằm tôn vinh, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc. |