Tết Mậu Tuất năm nay, tại Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam, Tết Việt được tái hiện qua những điều giản dị và gần gũi: mâm ngũ quả, nồi bánh chưng, câu đối tết, nhà tranh mái lá, ao sen, giếng đá ong… Chợ hoa với nhiều loại cây cảnh phục vụ Tết, các ông đồ ngồi cho chữ ngày Xuân cùng các hoạt động thao diễn tay nghề của các nghệ nhân đến từ các làng nghề truyền thống như: hoa giấy Thanh Tiên (Huế), chạm bạc Châu Khê (Hải Dương), làm đèn lồng (Thường Tín – Hà Nội), mỹ nghệ Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội), làm chuồn tre (Thạch Thất – Hà Nội), chằm nón Chuông (Thanh Oai – Hà Nội)… Tất cả tạo nên một tổng thể sống động và thân thuộc tôn vinh giá trị, nét đẹp truyền thống văn hóa, tết cổ truyền của dân tộc .
Để khách thăm quan có thể tìm hiểu thêm về thiên nhiên, đất nước, đặc trưng văn hóa của các dân tộc trên mọi miền Tổ quốc, những di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh…hình ảnh sinh hoạt đón Tết cổ truyền…Ban Tổ chức đã xây dựng nội dung trưng bày “Du xuân qua những miền di sản”.
Bên cạnh đó, khách tham quan có thể cảm nhận không khí và nét văn hóa Việt thấm đượm trong từng cây nêu, mái nhà Việt hay hình ảnh ông đồ già ngồi cho chữ, các trò chơi dân gian tiêu biểu cho sinh hoạt văn hóa cộng đồng mùa lễ hội. Bên cạnh đó, những làn điệu dân ca cổ truyền trình diễn ngày Xuân như dân ca quan họ Bắc Ninh chắc chắn khiến các thượng khách cảm thấy thú vị.
Với hơn 100 bức ảnh đẹp, với khu trưng bày Tết Việt xưa và nay sẽ là những góc nhìn thú vị với các hình ảnh Tết trước 1975; Tết sau thống nhất đến trước thời kỳ đổi mới và Tết nay. Dù ở giai đoạn nào, dù khó khăn và thiếu thốn thì Tết vẫn luôn thật ấm cúng, là dịp đoàn viên của các gia đình, là nét văn hóa cổ truyền không thể nhạt phai...
Đến đây, du khách chắc chắn sẽ rất thích thú với khu ẩm thực được bài trí đẹp mộc mạc nơi bán các món quà quê dân dã: bánh đa, bánh đúc, ngô, khoai …đúng tính chất của làng quê Bắc bộ. Hay có thể tìm thấy rất nhiều điểm chụp hình lưu niệm tại các không gian của Hội Xuân từ mái cổng vòm bằng rơm, tre nứa, các dãy nhà mái lá đẹp tựa bức tranh chợ quê, nơi các nghệ nhân hướng dẫn gói bánh trưng, làm các sản phẩm thủ công, hay khu trưng bày thư pháp và cho chữ rực rỡ sắc màu của mực tàu và giấy đỏ…Và cả không gian Tết vùng quê Bắc bộ, các tiểu cảnh hoa và đèn lồng…
Ngoài ra, các chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc, nghệ thuật đương đại, nghệ thuật đường phố, múa rối, xiếc… diễn ra trong suốt thời gian tổ chức Hội Xuân 2018 với sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ. Hội xuân 2018 sẽ mở cửa tự do cho tất cả khách tham quan từ ngày 3 đến hết ngày 7/2/2018 (từ 11h đến 20h hàng ngày).