Vậy, tại sao tỉnh này vẫn quyết tâm thực hiện chiến dịch, và ai sẽ được hưởng lợi ích từ những việc làm này?
Mất quá nhiều!
Trang Travel Weekly dẫn báo cáo thường niên được Tổ chức Du lịch Thế giới thuộc Liên hiệp quốc (UNWTO) công bố ngày 13/4 vừa qua cho biết, mức tăng chi tiêu của du khách Trung Quốc ở nước ngoài vượt mức tăng chi tiêu của du khách đến từ Mỹ, Đức, Anh và Pháp. Năm 2016, số tiền du khách Trung Quốc tiêu ở nước ngoài tăng thêm 11 tỷ USD, lên mức 261 tỷ USD. Nếu tính theo đồng Nhân dân tệ, mức tăng so với năm 2015 là 12%. Số du khách Trung Quốc ra nước ngoài, bao gồm du khách đại lục tới Hồng Kông và Macau, tăng 6% đạt 135 triệu lượt. Sự tăng trưởng của lượng du khách từ Trung Quốc mang lại lợi ích không chỉ cho nhiều điểm đến ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan, mà còn cho những điểm đến ở xa như Mỹ và nhiều nước châu Âu.
Cảng tàu khách Tuần Châu vắng vẻ sau khi Quảng Ninh diệt tour 0 đồng. Ảnh: Thanh Nghĩa |
Theo con số thống kê, năm 2016, khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam đạt 2,7 triệu lượt, chiếm 27% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Tính trong 3 tháng đầu năm 2017, khách du lịch Trung Quốc tăng cao (64%), đạt gần 950.000 lượt, chiếm 30% tổng lượng khách quốc tế. Đây được coi là mức tăng trưởng “nóng” đối với thị trường khách quốc tế ở Việt Nam. Tuy nhiên, Tổng cục Du lịch thông tin, đây vẫn là một con số khiêm tốn so với nhiều nước trên thế giới cũng như ASEAN. Thực tế, tỷ lệ khách Trung Quốc trong cơ cấu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam không phải quá cao so với một số nước trong khu vực như: Hàn Quốc (8,1 triệu lượt khách Trung Quốc năm 2016, chiếm 47% tổng lượng khách), Thái Lan (8,8 triệu, 27%), Nhật Bản (6,4 triệu, 27%).
Theo đánh giá của giới làm lữ hành, Trung Quốc là thị trường lớn với nhiều phân khúc, có đặc điểm tiêu dùng khác nhau, trong đó nhiều khách có khả năng chi trả cao. Khách du lịch bằng đường biển, đường hàng không đến một số điểm như Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang… thường sử dụng dịch vụ cao cấp tương đương chất lượng 4 - 5 sao, khách đi theo đường bộ phần lớn là dòng khách bình dân sử dụng dịch vụ từ 1 - 3 sao.
Theo điều tra của Tổng cục Thống kê và Tổng cục Du lịch, khách Trung Quốc chi khoảng 790 USD cho một chuyến đi Việt Nam. Cũng giống như tại các điểm đến châu Á khác, đặc điểm thị trường khách Trung Quốc thường đi theo đoàn lớn với chi phí "land tour" thấp và thường chi tiêu ngoài tour nhiều cho mua sắm hàng hóa và dịch vụ tại Việt Nam. Đặc điểm của khách Trung Quốc là những du khách ồn ào, tùy tiện, dễ nổi nóng, kém vệ sinh... Dù chỉ là số ít nhưng gây ác cảm với người dân bản địa. Bù lại, đa phần họ dễ tính, rất “chịu khó” vung tiền mua sắm. Đa phần khách đi tour đường dài là lớp trung lưu mới nổi, kiếm tiền khá dễ dàng ở Trung Quốc. Nếu nắm bắt được đặc tính này để xây dựng những sản phẩm du lịch dành riêng cho khách Trung Quốc thì Quảng Ninh nói riêng, Việt Nam nói chung sẽ thu về nguồn lợi nhuận kếch xù mỗi năm.
Vừa qua, thời điểm Quảng Ninh đón 25.000 lượt khách qua cửa khẩu Móng Cái, chắc chắn rằng mỗi ngày Việt Nam tiêu thụ được hàng chục tấn nông sản cùng hàng vạn sản phẩm thủ công mỹ nghệ, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người lao động. Lẽ ra, đây là con số đáng mơ ước đối với một thị trường quốc tế. Vậy nhưng, cách làm theo kiểu không quản lý được thì cấm đoán đã và đang khiến Quảng Ninh tự đánh mất cơ hội bứt phá của chính mình. Hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ du lịch mất việc, không có nguồn thu. Thậm chí, địa phương này đã làm thất thu không biết bao nhiêu tiền thuế của Nhà nước mỗi năm khi tận diệt tour 0 đồng…
Quảng Ninh ưu tiên cho du lịch tàu biển?
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, ông Trịnh Đăng Thanh – Phó Giám đốc sở Du Lịch Quảng Ninh cho rằng, trong quá trình dùng các biện pháp mạnh, việc giảm lượng khách du lịch cũng là điều tất yếu. Tuy nhiên, theo quy luật của dòng khách đến Quảng Ninh, thường thì, mùa Đông khách quốc tế trong đó có khách Trung Quốc đến nhiều, còn mùa Hè chủ yếu là khách quốc nội. Do đó, việc giảm khách thời gian qua là mang tính quy luật. Tức là, chuẩn bị đến mùa Hè nên khách du lịch quốc tế cũng giảm khi đến Quảng Ninh. Nhưng, chúng tôi cũng đang kỳ vọng sắp tới có những dự án của các tập đoàn lớn sẽ đưa ra các chuỗi giá trị sản phẩm thì sẽ kéo được khách quốc tế đến với Quảng Ninh, kể cả trong mùa Hè.
Ông Thanh cho biết thêm: Thế mạnh của ngành kinh tế xanh Quảng Ninh là du lịch tàu biển nhưng chưa được khai thác tốt. Cụ thể, đối với các tour, tuyến du lịch cố định từ nước ngoài về vịnh Hạ Long, tàu du lịch vẫn phải đỗ giữa vịnh, sau đó chuyển tải bằng xuồng hoặc tender. Điều đó không chỉ gây mất an toàn cho du khách mà còn gây thất thu khá lớn vì du khách chỉ ngồi trên tàu thăm vịnh chứ không đi tham quan, mua sắm, ăn uống, sử dụng các dịch vụ khác.
Theo tìm hiểu của phóng viên, mỗi năm, vịnh Hạ Long đón hàng chục chuyến tàu du lịch biển quốc tế siêu sang, đem theo hàng trăm ngàn du khách 5 châu, có khả năng chi tiêu rất lớn. Thế nên, Quảng Ninh đã chấm dứt hoạt động của Cảng tàu khách du lịch Bãi Cháy và chuyển việc đón, trả khách tham quan Vịnh Hạ Long sang Tuần Châu. Đây là một trong những việc cần phải làm để quy hoạch lại hệ thống cảng bến cũng như các công trình hạ tầng du lịch để xứng tầm với những giá trị của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long mà Quảng Ninh đang được sở hữu. “Khi đặt chân đến cảng Tuần Châu, du khách sẽ thấy được sự bề thế của vịnh Hạ Long. Nếu không di chuyển sang cảng Tuần Châu thì những vấn đề môi trường, đảm bảo an ninh, trật tự du lịch sẽ là vấn đề khiến Quảng Ninh đau đầu hơn” - ông Thanh cho biết.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh: Việc doanh nhân Đào Hồng Tuyển mở rộng và xây dựng Cảng Tuần Châu giai đoạn 2 đang thực hiện theo đúng chủ trương của Nhà nước. Trong đầu tư, DN cần có bù đắp vào chi phí. Năm ngoái, khách xuống vịnh ước khoảng hơn 2 triệu người, DN phải đảm bảo công tác vệ sinh, đảm bảo cảnh quan, an toàn, trật tự, nên nếu không có nguồn thu thì tính bền vững của cảng Tuần Châu không thể duy trì. Chúng ta muốn được tiếp tục phát huy vị thế thì phải bồi đắp cho cảng Tuần Châu. DN đầu tư rất lớn để xây dựng công trình này thì cũng nên có cơ chế để họ thu lại cho việc đầu tư đó.
Hẳn vì thế, tỉnh Quảng Ninh đã quyết định cho phép điều chỉnh giá dịch vụ sử dụng cầu bến, phao neo đối với hành khách qua Cảng tàu khách Quốc tế Tuần Châu, từ ngày 28/5 lên mức 20.000 đồng/người/lượt đối với lượt vào hoặc rời cảng (hiện đang áp dụng giá 10.000 đồng/người/lượt); vé khứ hồi gồm lượt vào và lượt rời sẽ là 40.000 đồng/người/lượt (hiện đang áp dụng giá 20.000 đồng/người/lượt).
Cùng với đó, theo tìm hiểu của phóng viên, việc đón khách quốc tế tại các cảng tạm bờ trên vịnh Hạ Long hy vọng sẽ chấm dứt khi dự án Bến cảng khách quốc tế Bãi Cháy, tại phường Bãi Cháy, TP Hạ Long dự kiến hoàn thành vào năm 2018. Đây là dự án B.O.T, với tổng vốn ban đầu khoảng 600 tỷ đồng, được thực hiện tại phía thượng lưu quần thể Công viên Đại Dương. Dự kiến, dự án sẽ được khởi công xây dựng vào quý II, hoặc đầu quý II/2017. Khi bến cảng này đi vào hoạt động, chắc chắn, Công viên Đại Dương Hạ Long do Tập đoàn Sun Group đầu tư sẽ là điểm dừng chân đầu tiên của các “thượng đế” khi đến khám phá Hạ Long. Bởi, đây là tổ hợp với nhiều hạng mục vui chơi, giải trí hiện đại bậc nhất thế giới hiện nay được thiết kế theo mô hình công viên Disneyland trên quy mô gần 200ha.
Trước những thông tin trên, nhiều người ví von câu chuyện tận diệt tour 0 đồng với vụ tận diệt nước mắm truyền thống chấn động giới truyền thông cả nước hồi cuối năm ngoái. Bởi, giới chuyên môn nhận ra rằng, một vài “ông lớn” sẽ “vớ bở” sau chiến dịch này. Thế nhưng, thực tế không chiều lòng người, bởi Quảng Ninh đã “đánh chuột vỡ bình”. Khi các “đại gia” du lịch chưa thể vươn dài cánh tay ôm hết du khách, thì các thượng đế đến từ Trung Quốc đã ngoảnh mặt quay lưng.
Câu chuyện đằng sau chiến dịch diệt tour 0 đồng tại Quảng Ninh sẽ được Kinh tế & Đô thị tiếp tục thông tin tới bạn đọc trong kỳ 3.
Sự thật phía sau chiến dịch diệt tour 0 đồng tại Quảng Ninh - Bài 1: Doanh nghiệp bị 'bức tử' như thế nào? (Tieudung24h.vn) - Đầu năm 2017, do mâu thuẫn chính trị giữa Trung Quốc với Hàn Quốc, khách Trung Quốc chuyển hướng du lịch các nước khu vực châu Á -Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. |