Grab “lách luật” thế nào?
Giống như Uber, Grab lách vào thị trường Việt Nam bằng “khe hở” của pháp luật và gây ra nhiều tranh cãi kiện tụng. Cụ thể là vụ kiện giữa Vinasun và Grab đã có kết quả cuối cùng khi TAND TP Hồ Chí Minh đưa ra phán quyết Grab thua kiện, phải bồi thường cho Vinasun 4,8 tỷ đồng vì những thiệt hại đã gây ra cho doanh nghiệp này. Nhưng không vì thế mà “cuộc chiến” giữa các hãng taxi truyền thống và “taxi công nghệ” Grab dừng lại.
Với cách thức hoạt động của Grab như hiện nay như loại hình taxi, thì cần phải chịu sự quản lý như taxi |
Trong đăng ký kinh doanh, rất khó để xác định Grab kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi hay chỉ là công ty công nghệ cung cấp giải pháp vận hành thông minh, đóng vai trò hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải kết nối với khách hàng.
Nhưng thực chất, Grab không chỉ đơn thuần cung cấp ứng dụng với tư cách một dịch vụ trung gian mà Grab còn trực tiếp thực hiện những hoạt động của một doanh nghiệp kinh doanh vận tải như: Lưu trữ, quản lý thông tin hồ sơ của lái xe, tiếp nhận nhu cầu của khách, thực hiện cung cấp thông tin hai chiều cho lái xe và hành khách, điều động xe, quyết định giá và hành trình của xe, triển khai các chương trình khuyến mại, chăm sóc và tiếp nhận phản hồi của khách hàng…
Như vậy, hoạt động cung cấp phần mềm điện tử chỉ là một trong những cách thức vận hành mà Grab sử dụng để triển khai việc kinh doanh vận tải. Điều này không chỉ mang đến lợi thế cạnh tranh cho Grab với các đối thủ, mà còn giúp cho Grab nhận được ưu đãi lớn về thuế của Nhà nước đối với các hình thức thương mại điện tử, ứng dụng khoa học công nghệ.
Ông Tạ Long Hỷ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, các cơ quan quản lý Nhà nước cần dùng công nghệ để quản lý công nghệ. Đối với công ty kinh doanh công nghệ có dấu hiệu kinh doanh vận tải như Grab thì cơ quan quản lý cần xây dựng một hệ thống máy chủ có liên kết trực tiếp với hệ thống xử lý thông tin của các công ty.
Cụ thể, máy chủ sẽ trực tiếp cập nhật song song dữ liệu thông tin về các đối tượng đã hoạt động hoặc đăng ký làm tài xế, lộ trình, giá cước đã được xác lập trong hợp đồngđiện tử giữa công ty với khách hàng”.
Theo ông Hỷ, kinh doanh vận tải hành khách là dịch vụ liên quan đến tính mạng con người. Vì vậy, pháp luật Việt Nam quy định đó là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, phải đáp ứng được các điều kiện do pháp luật quy định mới được hoạt động, chứ không phải bất cứ ai có ô tô là có quyền đón chở khách lấy tiền. Nhưng luật còn nhiều “lỗ hổng” cho nên Grab vẫn đang làm khuynh đảo thị trường dịch vụ vận tải, dưới danh nghĩa công ty công nghệ.
Đoàn đại biểu của Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam thăm và làm việc với Hiệp hội Vận tải ô tô – Taxi Hàn Quốc ngày 21/6/2019 - Ảnh: Hà Nam |
Sửa luật để quản lý “taxi công nghệ”
Được sự cho phép của Bộ Giao thông Vận tải, Công ty TNHH Grab Taxi chỉ được thực hiện thí điểm kinh doanh trong phạm vi 5 tỉnh và thành phố, đó là: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Quảng Ninh. Thế nhưng sau 2 năm triển khai, Grab đã mở rộng phạm vi hoạt động sang các địa phương khác như: Huế, Lâm đồng, Bà Rịa-Vũng Tàu… mà chưa có sự cho phép của các cơ quan chức năng.
Giữa ồn ào tranh cãi, Grab vẫn khẳng định không kinh doanh vận tải nhưng thực tế công ty này đã phá vỡ cấu trúc ngành dịch vụ vận tải, khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng, ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn người lao động là tài xế.
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Công Hùng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP Hà Nội cho biết: “Dự thảo Nghị định 86 nêu “Kinh doanh vận tải bằng ôtô là việc thực hiện các công đoạn của hoạt động vận tải để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi.
Trong đó, có công đoạn trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe để vận chuyển hàng hóa, quyết định giá cước”. Vì thế, căn cứ vào Luật Giao thông đường bộ, loại hình xe ứng dụng công nghệ như Grab chính là loại hình taxi, phải chịu sự quản lý như taxi, không thể gọi là “xe hợp đồng điện tử” để lách luật, trốn thuế, né nhiều chi phí và hưởng ưu đãi hơn so với taxi truyền thống.
“Trong khi việc định danh hình thức doanh nghiệp kinh doanh vận tải hay công ty công nghệ còn nhiều tranh cãi thì Grab đã tận dụng “lỗ hổng” của pháp luật để “đè” các đối thủ kinh doanh taxi khác. Hệ quả tất yếu là Grab đến hơn với vị thế “độc bá” thị trường nhưng Nhà nước bị thất thu thuế hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Theo báo cáo tài chính, tổng doanh thu của Grab trong giai đoạn 2014-2016 đạt 1.755 tỷ đồng nhưng chỉ nộp thuế khoảng 9,5 tỷ đồng”, ông Hùng cho biết thêm.
Đoàn đại biểu của Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam thăm và làm việc với Hiệp hội Taxi Incheon - Hàn Quốc ngày 19/6/2019 - Ảnh: Hà Nam |
Cho rằng, Grab đã mang đến hình thức kinh tế mới, là điển hình của kinh tế chia sẻ, tận dụng xe nhàn rỗi, giúp người lao động có thêm thu nhập, đồng thời mang đến nhiều lựa chọn tiết kiệm cho người dùng. “Với hình thức kinh doanh như Grab tại Việt Nam thì không phải là điển hình của kinh tế chia sẻ, tận dụng xe nhàn rỗi, giúp người lao động có thêm thu nhập.
Bởi theo thống kê của Hiệp hội thì có đến 90% người mua ô tô với mục đích ban đầu là để chạy Grab Car. Còn về mức giá trung bình của Grab (giờ thấp điểm và cao điểm) cũng không giảm hơn so với giá của taxi truyền thống”, ông Hùng phản bác.
Luật sư Trần Đình Dũng – Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh nhận định: “Nếu xét dưới khía cạnh kinh doanh vận tải hành khách, hoạt động của Grab như hiện nay là đang có dấu hiệu vi phạm pháp luật của Việt Nam. Cũng loại hình kinh doanh như Grab thì Uber tại Hàn Quốc đã bị tòa án Hàn Quốc đã kết tội hoạt động kinh doanh taxi trái phép với người sáng lập Uber tại Mỹ, Tổng Giám đốc điều hành Travis Kalanick và đối tác của ông này tại Hàn Quốc.
Thiết nghĩ, để các chiến lược phát triển đô thị hội nhập hiệu quả, cấu trúc ngành kinh doanh vận tải không bị méo mó, Nhà nước cần đưa ra một khung pháp lý rõ ràng, tiếp thu tiến bộ khoa học công nghệ, bình đẳng với mọi doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Đặc biệt là lấp đầy “lỗ hổng” pháp lý, không để các hãng “taxi công nghệ” trục lợi”.