Dưới góc nhìn pháp luật, theo quy định tại Điều 2 Luật Nuôi con nuôi 2010, việc nuôi con nuôi nhằm xác lập quan hệ cha, mẹ và con lâu dài, bền vững, vì lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi, bảo đảm cho con nuôi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình.
Việc nhận nhiều con nuôi của của nhiều người nổi tiếng luôn thu hút sự quạn tâm lớn của cộng đồng. Nguồn ảnh Internet.
Con nuôi được công nhận là một thành viên gia đình, với điều kiện những người được nhận làm con nuôi là trẻ em dưới 16 tuổi, hoặc người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi mà thuộc một trong các trường hợp được cha dượng, mẹ kế, cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi (Điều 8 Luật Nuôi con nuôi 2010).
Ngoài ra, nếu việc nuôi con nuôi đã phát sinh trên thực tế giữa công dân Việt Nam với nhau mà chưa đăng ký trước ngày 01 tháng 01 năm 2011, nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 50 của Luật Nuôi con nuôi, thì được đăng ký kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2011 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2015 tại Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi thường trú của cha mẹ nuôi và con nuôi (căn cứ theo khoản 1 Điều 23 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi).
Điều 50 của Luật nuôi con nuôi 2011: 1. Việc nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với nhau trước ngày Luật này có hiệu lực mà chưa đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì được đăng ký trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực, nếu đáp ứng các điều kiện sau đây: a) Các bên có đủ điều kiện về nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật tại thời điểm phát sinh quan hệ nuôi con nuôi; b) Đến thời điểm Luật này có hiệu lực, quan hệ cha, mẹ và con vẫn đang tồn tại và cả hai bên còn sống; c) Giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục nhau như cha mẹ và con. 2. Sau khi được đăng ký, quan hệ nuôi con nuôi quy định tại khoản 1 điều này có giá trị pháp lý kể từ thời điểm phát sinh quan hệ nuôi con nuôi. |
Khi đã được cán bộ tư pháp – hộ tịch ghi vào Sổ đăng ký nuôi con nuôi và và trao Giấy chứng nhận nuôi con nuôi cho các bên thì kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha, mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con; giữa con nuôi và các thành viên khác của gia đình cha, mẹ nuôi cũng có các quyền, nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến vấn đề thừa kế theo pháp luật, Bộ luật Dân sự 2015 quy định con nuôi được xếp vào hàng thừa kế thứ nhất cùng với vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ của người chết. Ngoài ra, theo quy định tại Điều 653 Bộ luật Dân sự 2015 thì con nuôi còn có thể được thừa kế thế vị, tức là nếu người con nuôi không may qua đời trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản là cha nuôi, mẹ nuôi thì con hoặc cháu của người con nuôi sẽ thay người đó hưởng phần di sản mà cha nuôi, mẹ nuôi để lại.
Con nuôi phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật thì mới được thực hiện quyền thừa kế. Nguồn ảnh Internet.
Bên cạnh đó, nếu cha hoặc mẹ nuôi có để lại di chúc và di chúc này hợp pháp, di sản sẽ được phân chia theo nguyện vọng của người mất. Hơn nữa, vì được pháp luật công nhận là một thành viên gia đình, nên con nuôi còn có thể là người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc, nếu có phần di sản được chia theo Điều 644 Bộ luật Dân sự. Tương tự như con nuôi, cha hoặc mẹ nuôi được quy định là người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc.
Với trường hợp thừa kế có yếu tố nước ngoài như là cha, mẹ nuôi hoặc con nuôi có quốc tịch nước ngoài, theo Điều 680 Bộ luật Dân sự, việc thừa kế sẽ xác định theo pháp luật của nước mà người để lại di sản có quốc tịch ngay trước khi chết. Đối với di sản là bất động sản thì quyền thừa kế được thực hiện theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó.
Bộ luật dân sự 2015 Điều 644. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc 1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó: a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; b) Con thành niên mà không có khả năng lao động. 2. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này. |